Tăng giá DVYT: Người bệnh được cung cấp DVYT công bằng tại các cơ sở KCB
30/10/2015 03:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tăng giá dịch vụ y tế (DVYT) liệu có tăng gánh nặng chi trả từ tiền túi của người dân? Tăng giá phải đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ và liệu có kiểm soát được việc tăng giá đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ hay không? Sau khi tăng giá DVYT, khi nào sẽ thực hiện việc điều chuyển ngân sách Nhà nước cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT?... là những câu hỏi được các phóng viên nêu ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT vừa được BHXH Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Trang Thông tin điện tử BHXH Việt Nam trích đăng một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Kết cấu phần chi phí dành cho con người
- PV: Chúng tôi được biết việc điều chỉnh giá DVYT sắp tới sẽ tính thêm tiền lương và phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ KCB BHYT. Vậy ông có thể cho biết những thông tin cụ thể về nội dung này?
+ Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Các bạn cần biết rằng, giá DVYT tính đủ sẽ gồm 02 nhóm chi phí (nhóm chi phí trực tiếp và nhóm chi phí gián tiếp - nhóm chi phí dành cho con người); với 07 yếu tố chi phí gồm: 1- Thuốc, vật tư trực tiếp; 2- Điện, nước, xử lý chất thải; 3- Duy tu, bảo dưỡng tài sản; 4- Tiền lương, phụ cấp; 5- Sửa chữa lớn tài sản cố định; 6- Khấu hao tài sản; 7- Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Từ năm 2012, nhóm chi phí trực tiếp (gồm thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản) đã được kết cấu vào giá DVYT. Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ KCB BHYT. Theo đó, tại Thông tư liên tịch lần này, chúng ta sẽ kết cấu thêm yếu tố chi phí phục vụ cho con người bao gồm: tiền trực, tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73 của Thủ tướng Chính phủ; và tiền lương dành cho nhân viên y tế (lương theo ngạch bậc, chức vụ, theo thang bảng lương của Nhà nước). Và việc kết cấu phần chi phí dịch vụ dành cho con người vào giá DVYT, là điểm rất mới trong việc điều chỉnh giá DVYT lần này.
- PV: Ông có thể cho biết, với lần điều chỉnh này, giá một số dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng khoảng bao nhiêu phần trăm và dẫn chứng một số dịch vụ cụ thể?
+ Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Theo tính toán của Ban soạn thảo Thông tư, với lần điều chỉnh giá DVYT lần này việc tăng giá sẽ phân theo 03 nhóm chi phí, trong đó: nhóm tiền công khám tại các bệnh viện (BV) hạng I sẽ tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng, và sẽ tăng từ 7.000 đồng lên 30.000 đồng đối với các BV hạng III/IV; giá giường bệnh tại BV hạng I tăng từ 90.000 đồng/giường/ngày lên trên 200.000 đồng/giường/ngày; tiếp đó với các dịch vụ như rửa dạ dày sẽ tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.100 đồng/lần. Như vậy, tỷ lệ tăng là rất lớn, nhưng tăng lớn là do giá một số loại dịch vụ trong Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC chưa kết cấu phần chi phí trực tiếp một cách đầy đủ, cũng như chưa được kết cấu phần chi phí tiền trực, phụ cấp, và lương vào giá.
Đảm bảo sự bình đẳng cho người bệnh
- PV: Với lần điều chỉnh giá DVYT lần này, để đảm bảo được sự bình đẳng trong việc KCB tại tất cả cơ sở KCB, không phân biệt vùng miền, theo ông chúng ta phải chuẩn bị như thế nào?
+ Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Nếu như trước đây, giá DVYT tăng theo cấp độ, đẳng cấp của các tuyến BV thì hiện nay chúng ta đồng nhất quan niệm rằng, các phẫu thuật, thủ thuật đơn thuần chỉ là một kỹ thuật trong y tế, và kỹ thuật đó bác sỹ được đào tạo ra ở tuyến nào cũng phải thực hiện. Lúc này, sẽ đòi hỏi các nhà quản lý bệnh viện phải cung cấp đủ các trang thiết bị, cung cấp phòng mổ đạt tiêu chuẩn được thống nhất trong cả nước, để đáp ứng tốt các điều kiện phục vụ việc thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật này.
Do vậy, dự kiến vào cuối tháng 11/2015 - khi Thông tư ban hành và có hiệu lực - thì giá DVYT sẽ được quy định thống nhất cho mỗi dịch vụ kỹ thuật ở tất cả các tuyến BV, không phân biệt BV đó ở đồng bằng hay miền núi, nông thôn hay thành thị. Giá DVYT được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các BV triển khai, phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao; đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng KCB, kể cả chất lượng chuyên môn cũng như chất lượng phục vụ; và người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đây cũng chính là động lực để các cơ sở KCB tuyến dưới, các cơ sở KCB vùng sâu, vùng xa phải nâng cao chất lượng KCB của mình, nhằm thu hút người bệnh.
- PV: Ông có thể cho biết quan điểm về ý kiến cho rằng, tăng giá DVYT sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí khi người bệnh thực hiện đồng chi trả 20%?
+ Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Trên thực tế, khi giá DVYT tăng thì tổng chi phí do quỹ BHYT chi trả cũng tăng và phần cùng chi trả của người bệnh cũng sẽ tăng lên. Nhưng để tính đến mục tiêu giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi người bệnh, chúng ta cần phải xem xét một cách tổng thể.
Trước hết, trong việc điều chỉnh giá DVYT lần này, bên cạnh 1.200 dịch vụ đã được quy định mức giá tối đa tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, chúng ta sẽ quy định bổ sung mức giá của khoảng 600 dịch vụ. Đây chủ yếu là các phẫu thuật, thủ thuật trước đây được các tỉnh ban hành theo mục C4 của Thông tư liên tịch số 04/2012 và một số dịch vụ kỹ thuật thường được thực hiện ở địa phương nhưng chưa được quy định giá cụ thể tại 02 Thông tư nêu trên. Do đó, chúng ta đã kết cấu tất cả các chi phí trực tiếp vào trong giá DVYT lần này.
Tới đây, người bệnh sẽ không phải chi trả thêm bất kỳ chi phí nào do bác sỹ yêu cầu như một số chi phí mà trước đây chưa tính vào giá (như các loại vật tư y tế, các loại thuốc, không còn chuyện người bệnh phải mua xilanh, kim cánh bướm,… rồi thuốc ngoài). Như vậy, đối với người tham gia BHYT, việc điều chỉnh giá sẽ có tác động tích cực hơn khi những chi phí phục vụ trực tiếp kết cấu vào trong giá DVYT do quỹ BHYT chi trả, thì phần chi phí từ tiền túi người bệnh sẽ giảm đi.
Bên cạnh đó, toàn bộ những chi phí tiền trực, tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tiền lương được kết cấu vào giá DVYT, trong Quy định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: nếu sau khi điều chỉnh giá DVYT mà nguồn thu đó quỹ BHYT vẫn không đủ đảm bảo, thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù. Còn đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số thì Chính phủ vẫn duy trì quỹ KCB cho người nghèo. Ví dụ: đối với những chi phí chữa bệnh ung thư, bệnh nặng của nhóm đối tượng này, nếu phần đồng chi trả 5% quá 1 triệu đồng, thì phần chênh lệch còn lại sẽ được quỹ KCB cho người nghèo chi trả.
- PV: Theo số liệu BHXH Việt Nam cung cấp thì tính đến 9/2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 73%, tỷ lệ người chưa tham gia chỉ còn 27%, nhưng ông bình luận thế nào trước tình trạng, khi đi khám tại các bệnh viện người bệnh khám BHYT rất đông và vẫn còn cảnh phải chờ đợi với thời gian kéo dài, nhưng khu vực khám dịch vụ vắng, mà người bệnh có thẻ BHYT lại không được khám tại đây? Vậy khi tăng diện bao phủ BHYT toàn dân, chúng ta sẽ phải làm thế nào để giảm bớt tình trạng quá tải tại các khu vực khám bệnh dành cho người có thẻ BHYT, thưa ông?
+ Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Trên thực tế, không có quy định nào cấm người có thẻ BHYT không được khám tại các khu khám bệnh dịch vụ. Nếu người có thẻ BHYT muốn sang khu dịch vụ khám, thì Luật đã quy định rõ quỹ BHYT sẽ trả theo giá mà liên Bộ Y tế-Tài chính ban hành, bao gồm cả giá điều chỉnh lần này; còn phần chênh lệch (nếu có) thì người bệnh phải tự trả cho phía cơ sở KCB. Tuy nhiên, vì mục đích tăng cường chất lượng KCB BHYT, vì mục tiêu BHYT toàn dân, chúng ta không khuyến khích cách làm này.
Về vấn đề nâng cao chất lượng KCB BHYT, từ việc điều chỉnh giá DVYT lần này sẽ là một động lực để Ngành Y tế hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng KCB; sẽ đòi hỏi các bệnh viện, các cơ sở y tế phải thay đổi về cả phong cách phục vụ, lẫn chất lượng phục vụ; đồng thời nâng thêm trách nhiệm cho cả cơ quan BHXH cũng như là phía các nhà quản lý bệnh viện.
- PV: Thưa ông, với quy định mới của Thông tư sắp tới, thì giường nằm ghép sẽ được tính như thế nào? Được biết, tiền ngân sách Nhà nước trước đây dành chi lương, phụ cấp đặc thù cho các BV sẽ dành hỗ trợ người dân tham gia BHYT, vậy xin ông cho biết việc này bao giờ sẽ được triển khai?
+ Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Trước tiên, tôi cho rằng việc nằm ghép tại các BV sẽ không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, nên việc tính giường nằm ghép vẫn được tính theo quy định của Thông tư 04: 02 người/ giường thu 50%, từ người thứ 03 trở đi tính 30%. Trong lần điều chỉnh giá DVYT lần này, phía BHXH Việt Nam kiên quyết giữ quan điểm tính giường bệnh chứ không tính giường nằm. Vì trên thực tế, tại một số BV có thể thấy rất nhiều chỗ chỉ là giường nằm (là băng ca, là giường gấp,... ) chứ không phải giường bệnh. Chúng tôi yêu cầu, khi tính giường bệnh phải có đủ tiêu chuẩn của giường bệnh theo quy định.
Về việc chuyển dịch cơ chế tài chính, điều này đã được quy định rõ tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và chúng ta đang có lộ trình thực hiện. Theo đó, khi giá DVYT đã được kết cấu, tính đúng, tính đủ theo lộ trình vào năm 2018, phần mà ngân sách Nhà nước dành để cấp cho Ngành Y tế sẽ được chuyển sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT. Còn việc hỗ trợ như thế nào, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng lộ trình và phương án hỗ trợ cụ thể trình Chính phủ./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...