Lựa chọn phương thức chi trả trợ cấp thất nghiệp: Quyền lợi của NLĐ là trên hết

12/10/2015 12:56 AM


Tại Lâm Đồng, BHXH Việt Nam vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo hướng dẫn thực hiện BH thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo BHXH, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm GTVL, Bưu điện của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp tại Khoản 2 điều 18 quy định chi trả BH thất nghiệp do tổ chức BHXH thực hiện chi trả tháng đầu tiên của NLĐ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, việc chi trả BH thất nghiệp thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ là một trong những vấn đề cần quan tâm.


Bà Lê Ngọc Mai- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Đồng Nai có số lượng NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn (hằng tháng phải chi trả cho khoảng 13.000-14.000 lượt người). BHXH tỉnh triển khai việc chi trả BH thất nghiệp qua ATM vì nhận thấy đây là phương thức rất thuận tiện cho NLĐ. Phương thức chi trả này đảm bảo tính an toàn trong chi trả, tránh rủi ro trong việc rút tiền mặt từ ngân hàng về cơ quan BHXH, giảm bớt lượng tiền mặt trong lưu thông, tránh việc đi lại nhiều lần của NLĐ. NLĐ được hưởng trợ cấp chỉ cần đến cơ quan BHXH cấp huyện 1 lần để nhận thẻ ATM và thẻ BHYT; từ tháng thứ 2 trở đi không cần phải đến BHXH, mà chỉ cần đến Trung tâm GTVL thông báo về việc tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, ngân hàng hỗ trợ kịp thời cho BHXH tỉnh về việc phong tỏa tài khoản hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ trong trường hợp có việc làm, hưu trí, đi nước ngoài, đi nghĩa vụ quân sự … để thu hồi lại tiền hưởng trợ cấp.

BHXH nhiều địa phương khác cũng cho biết đã thực hiện chi trả BH thất nghiệp qua ATM và tỷ lệ NLĐ nhận qua ATM rất cao, như: TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng… BHXH các địa phương đề xuất thời gian tới tiếp tục thực hiện phương thức này vì tính hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cao Thắng- Phó Giám đốc Trung tâm GTVL TP.HCM, cho rằng, nên chi trả qua ATM vì rất tiện lợi, NLĐ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận được. NLĐ làm các thủ tục mở ATM ngay tại nơi nộp hồ sơ; cơ quan BHXH chuyển thẻ BHYT cho Trung tâm GTVL; NLĐ nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, thẻ ATM và thẻ BHYT trong cùng ngày nhận quyết định nên rất thuận tiện. Tại TP.HCM hằng tháng có trên 10.000 lượt người nhận trợ cấp thất nghiệp qua ATM, việc chi trả được thực hiện kịp thời và đúng thời gian, trong khi nếu trả bằng tiền mặt có thể dễ dẫn đến những vấn đề phức tạp.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng không nên quá cứng nhắc một phương thức chi trả bởi còn phải xem xét điều kiện thực tế của địa phương. Đại diện BHXH Nghệ An cho biết hiện nay đơn vị chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, do đặc thù của tỉnh là có nhiều huyện vùng sâu vùng xa có rất ít máy ATM. Do đó, nên phân cấp cho cơ quan BHXH huyện quyết định hình thức chi trả phụ thuộc vào đặc thù của địa phương.

Tương tự, BHXH Lạng Sơn hằng tháng có khoảng 200-300 người hưởng BH thất nghiệp và được chi trả bằng tiền mặt vì địa phương có rất ít máy ATM.

TP.Đà Nẵng là địa phương áp dụng cả phương thức chi trả BH thất nghiệp qua ATM và trả bằng tiền mặt. Đại diện BHXH Thành phố cho biết, hằng tháng có trung bình khoảng 3.000- 4.000 người hưởng BH thất nghiệp. Nếu quy định bắt buộc phải nhận qua ATM thì BHXH Thành phố thực hiện được. Tuy nhiên, cũng không nên áp dụng cứng nhắc mà tùy thuộc vào điều kiện địa phương và nhu cầu của NLĐ.

Bên cạnh vấn đề trên, đại diện BHXH các địa phương cũng quan tâm tới việc thu hồi thẻ BHYT đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó thu hồi thẻ BHYT trong trường hợp này do cơ quan chức năng khó tiếp xúc với đối tượng.

Ông Lê Văn Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm GTVL Kiên Giang cho rằng, việc thu hồi thẻ BHYT là không khả thi. Thẻ BHYT thường chỉ có giá trị vài tháng, trong khi đó việc đòi lại thẻ lâu và phức tạp, thậm chí có trường hợp đến nhà của đối tượng vài lần mà không gặp được. Nếu quá khó, không khả thi thì đừng đặt ra vấn đề thu hồi để rồi lại không thực hiện được.

Đại diện BHXH tỉnh Hải Dương cũng đề nghị không đặt ra vấn đề thu hồi thẻ BHYT đối với người thất nghiệp bị chấm dứt hưởng do đã có việc mới hoặc một số trường hợp khác. Bởi lẽ, đối với người tiếp tục tham gia BHXH thì sau khi nộp hồ sơ tham gia đã được cấp thẻ BHYT có mệnh giá tương đương thẻ được cấp nên họ không cần thẻ BHYT cũ. Ngoài ra, ở địa phương, cơ quan BHXH đã gửi danh sách đề nghị hủy mã số thẻ BHYT, thông báo với các cơ sở y tế trong tỉnh về việc thẻ BHYT không còn giá trị KCB. Phần lớn thẻ chỉ có giá trị khoảng 3- 6 tháng, người có thẻ không sử dụng được và việc thu hồi lâu, phức tạp nên không cần phải đặt ra vấn đề thu hồi.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, BHXH Việt Nam ghi nhận các góp ý để ban hành hướng dẫn thực hiện BH thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm. Nhiều phương án được đưa ra, song dù phương án nào đi nữa vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật và ưu tiên đặt quyền lợi của NLĐ lên trên hết.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn