Thông tin tới báo chí những quy định mới về BHYT học sinh, sinh viên

16/09/2015 08:36 AM


Chiều ngày 16/9/2015, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về BHYT học sinh, sinh viên tới các cơ quan báo chí. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng, thiết yếu của chính sách BHYT , góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014) được Quốc hội thông qua đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc, qua đó phát huy bản chất nhân văn, tính chia sẻ rủi ro, giá trị nhân đạo cộng đồng sâu sắc của BHYT. Đồng thời, phát triển BHYT nhằm tạo nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, từng bước thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Thực hiện  định hướng đó, mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng cũng được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tính toán kỹ càng trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và cũng đã được quy định cụ thể trong Luật, Nghị định, Thông tư. Về mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2015-2016 bằng 4,5% mức lương cơ sở, hoàn toàn thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. So sánh với mức đóng tại một số nước trong khu vực như Thái Lan (mức đóng 6-8%), Trung Quốc (mức đóng 11,5%), Singapore (mức đóng 11%)… mức đóng như trên là không hề cao, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay. Đối với các nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, cận nghèo, người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn…, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tham gia BHYT, qua đó bảo đảm  nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Học sinh, sinh viên nếu thuộc các nhóm trên cũng sẽ được hỗ trợ. Với các em học sinh, sinh viên ngoài các đối tượng trên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Ngoài quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT như các nhóm khác, học sinh, sinh viên còn được đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại các trường học, sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT. Như vậy, tham gia BHYT sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân các em học sinh, các gia đình và toàn cộng đồng, tạo nguồn lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chia sẻ với các trường hợp chẳng may ốm đau bệnh tật.

Để giúp các phóng viên, nhà báo hiểu rõ về tình hình triển khai thực hiện, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn thông tin cụ thể hơn về các quy định liên quan đến mức đóng BHYT học sinh, sinh viên, trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện thu. Năm 2015, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 44 y tế cơ quan thuộc các trường học, tương đương tuyến xã và tuyến huyện và 09 bệnh viện thuộc các trường đại học tương đương tuyến tỉnh, tuyến TW. Tổng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu năm học 2013-2014 là 511.164 tỷ đồng...

Trưởng ban Thu Trần Đình Liệu cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm; năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, năm học 2012-2013, tỷ lệ này là khoảng 80%, năm học 2013-2014, tỷ lệ này là 85% đến năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu học sinh, sinh viên có thẻ BHYT (trong đó 12,3 triệu học sinh, sinh viên đang tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại các nhóm khác).

Riêng đối với năm học 2015-2016, thực hiện kế hoạch triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, BHXH Việt Nam đã tổ chức tập huấn đến BHXH các tỉnh, thành phố, trong đó lưu ý một số điểm mới có liên quan tới học sinh, sinh viên. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Theo báo cáo BHXH các tỉnh, thành phố hầu hết các trường học đã ký hợp đồng đại lý thu BHYT (khoảng 25.425 trường học trên cả nước), đồng thời thực hiện theo văn bản chỉ đạo và theo nội dung ký kết giữa cơ quan BHXH và ngành giáo dục, nên trong thời gian qua đã linh hoạt tổ chức triển khai thực hiện theo các phương án. Cụ thể, có 05 tỉnh, thành phố tổ chức thu theo năm học như những năm trước; 58 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện thu theo năm tài chính, trong đó có 50 tỉnh, thành phố kết hợp nhiều phương thức thu (06 tháng và 09 tháng, 09 tháng và 06 tháng hoặc 07 tháng và 08 tháng), một số tỉnh, thành phố thu 03 đợt (3 tháng năm 2015, 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm 2016); một số ít BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thu 15 tháng. Sau khi có ý kiến chưa hợp lý trong thu BHYT học sinh, sinh viên của 8 tỉnh, thành phố thu gộp 15 tháng, gây khó khăn, bức xúc cho người dân, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo các địa phương điều chỉnh việc phân kỳ thu cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho học sinh, sinh viên và gia đình người theo học thực hiện tốt Luật sửa đổi bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật BHYT.

Về công tác tuyên truyền, đại diện cho các cơ quan truyền thông của Ngành, Tổng Biên tập Tạp chí BHXH Dương Văn Thắng chia sẻ: lường trước những vấn đề đặt ra khi tăng mức đóng và thay đổi thu từ năm học sang năm tài chính, công tác truyền thông về các nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT đã được BHXH Việt Nam chỉ đạo mạnh mẽ từ đầu năm; các nội dung mới của Luật được tuyên truyền thường xuyên, liên tục. Riêng về BHYT học sinh, sinh viên, hai cơ quan truyền thông của Ngành là Tạp chí BHXH và Báo BHXH đã phát hành số đặc biệt, với nhiều tin, bài viết cung cấp nhiều thông tin về các nội dung, quy định mới; phản ánh các cách làm hay, mô hình điển hình tại các tỉnh, thành phố thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên. Riêng Tạp chí BHXH phát hành hơn 51.000 cuốn tới chính quyền địa phương và các trường học trên toàn quốc; qua đó tác động tích cực đến công tác tổ chức thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đầu năm học.

Cũng tại hội nghị, các vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh phí chăm sóc khoẻ ban đầu cho học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng y tế học đường…cũng được cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng với phóng viên các cơ quan báo chí./.

Nguồn TC BHXH