Nâng cao hiệu quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT

07/08/2015 07:45 AM


Ngày 07/8/2015, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam có buổi làm việc làm việc cùng BHXH Việt Nam; trao đổi một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, phát huy vai trò giám sát, phản biện, xây dựng chính sách của MTTQ Việt Nam với BHXH, BHYT. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì Hội nghị; tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Đình Khương cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc hai cơ quan.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nghe báo cáo khái quát về quá trình xây dựng hoàn thiện, chính sách, những kết quả chủ yếu trong công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2015, đã có 11,66 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng hơn 09 triệu người so với năm 1995 (năm đầu tiên thành lập BHXH Việt Nam); 65,2 triệu người tham gia BHYT, chiếm 71,9% dân số cả nước, tăng 48,8 triệu người so với năm 2003 (năm đầu tiên sáp nhập hệ thống BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam); 9,85 triệu người tham gia BHTN, tăng gần 04 triệu so với năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện BHTN). Từ năm 1995 đến nay, số thu BHXH, BHYT đạt gần 904 nghìn tỷ đồng; đến hết tháng 6/2015, toàn Ngành thu được 97,85 nghìn tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch năm, tăng 7,4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Trong giai đoạn 1995-2014, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 1,6 triệu người hưởng BHXH thường xuyên, gần 70 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp một lần và các chế độ BHXH ngắn hạn; đến hết tháng 6/2015, đã giải quyết chế độ BHXH cho 3,7 triệu lượt người; chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho trên 2,7 triệu người. Từ năm 2003 đến 2014, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi cho trên 994 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; 06 tháng đầu năm đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho trên 10,3 triệu lượt người. Từ năm 2010 đến nay, Quỹ BHYT luôn được bảo đảm cân đối và có kết dư. Công tác cải cách hành chính luôn được BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện theo Đề án 30 của Chính phủ, rà soát, rút ngắn bộ thủ tục hành chính từ 263 xuống còn 115. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2015, Ngành đang phấn đấu rà soát, cắt giảm từ 115 xuống còn 50 thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đang được đẩy mạnh; đặc biệt, hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế triển khai việc liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH trên toàn quốc, tạo cơ sở ứng dụng phần mềm giám định, nâng cao hiệu quả quản lý, thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Qua 20 năm xây dựng, phát triển, với những kết quả vừa nêu, Ngành BHXH đã có nhiều đóng góp quan trọng với sự nghiệp xây An sinh xã hội đất nước; số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng; từng bước đa dạng các loại hình BHXH đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân; Quỹ BHXH, BHYT được quản lý an toàn theo đúng quy định; nhận thức của người dân về BHXH, BHYT từng bước được nâng cao…

Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT cũng còn một số hạn chế: số người tham gia BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu, hiện mới có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc, nhiều địa phương vẫn có tỷ lệ tham gia BHYT thấp (mới chỉ đạt 55-60% dân số toàn tỉnh). Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT còn tiếp diễn, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Số nợ BHXH, BHYT năm 2014 chiếm khoảng 04% số phải thu; 06 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ nợ chiếm khoảng 5,7% số phải thu. Tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT vẫn còn xảy ra tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân cũng như Quỹ BHYT.

Ngành BHXH cũng đang chịu nhiều sức ép trong công tác tổ chức thực hiện do số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng trong khi số lượng cán bộ lại hạn chế. Theo thống kê, toàn Ngành hiện có có gần 22.000 công chức, viên chức, người lao động; trung bình một cán bộ Ngành BHXH phải quản lý khoảng 3.500 người tham gia BHXH, BHYT; một cán bộ thu phải quản lý khoảng 17.900 người tham gia BHXH, BHYT; một cán bộ chính sách BHXH phải quản lý và giải quyết hơn 4000 hồ sơ/năm; một giám định viên phải phụ trách giám định khoảng 60.600 hồ sơ/năm; một cán bộ làm công tác cấp sổ, thẻ phải quản lý khoảng 42.200 sổ BHXH, thẻ BHYT. Khoảng 40-50% cán bộ Ngành BHXH phải làm thêm vào ngày thứ 7, chủ nhật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành cũng đang gặp phải nhiều thách thức, chưa có sự vào cuộc quyết liệt từ phía các Bộ, ngành có liên quan đến công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT.

Đứng trước nhiều áp lực trong tổ chức thực hiện, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh những nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành luôn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Điều này được thể hiện rõ qua số người tham gia, số thu BHXH, BHYT liên tục tăng qua các năm; công tác quản lý Quỹ BHXH, BHYT được thực hiện đúng quy định; quyền lợi BHXH,BHYT của người dân luôn được bảo đảm…Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, cố gắng hoàn thành mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân của Chính phủ. Sức ép với Ngành BHXH sẽ là rất lớn nhất là trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, giảm nợ đọng BHXH, BHYT; khối lượng công việc với cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH cũng ngày một lớn hơn…Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh mong rằng MTTQ Việt Nam sẽ quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn với công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT; tổ chức cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT, phát huy vai trò giám sát trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT…

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc

Chia sẻ với những khó khăn Ngành BHXH đang phải đối mặt, đồng thời Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp của Ngành BHXH với quá trình xây dựng An sinh xã hội của đất nước. Trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, nhân lực hạn chế, nhưng BHXH Việt Nam vẫn bảo đảm yêu cầu phát triển, mở rộng đối tượng, công tác thu, giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người dân. Đây là những cơ sở vững chắc, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước hiện tại cũng như tương lai. Trước những thách thức trong công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT nói chung, phát triển mở rộng đối tượng tham gia nói riêng, thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp tích cực hơn với BHXH Việt Nam. Hai bên cần sớm ký kết quy chế phối hợp trong tháng 9/2015, trong đó tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT; nhân rộng các mô hình điển hình tốt tại các địa phương. Các tổ chức thành viên của của MTTQ Việt Nam như Tổng Liên đoàn Lao động, Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI), Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…cũng sẽ tham gia tích cực với công tác vận động, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT.... Về việc tổ chức cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng ý chủ trương thực hiện, các đơn vị trực thuộc hai bên cần thống nhất các nội dung, bước tiến hành. Thời gian tới, trong quá trình làm việc cùng Chính phủ, UBTW MTTQ Việt Nam cũng sẽ chú trọng đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện BHXH, BHYT; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan cùng tham gia, tạo động lực thực hiện BHXH, BHYT tích cực hơn.

Về dài hạn, MTTQ Việt Nam sẽ phát huy tích cực hơn nữa vai trò phản biện, xây dựng, hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ cùng BHXH Việt Nam, các bộ ngành, các tổ chức quốc tế có liên quan như Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB)…cùng nghiên cứu, đưa ra các dự báo, khuyến nghị mang tính khoa học, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng chính sách BHXH, BHYT một cách bền vững, bảo đảm hiệu quả An sinh xã hội của đất nước./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn