Làm thủ tục BHYT qua mạng – câu chuyện của Hải Phòng
13/07/2015 02:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau 02 tháng triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT, Tp.Hải Phòng đã xét duyệt và thanh toán thành công trên 350.000 hồ sơ KCB bằng phần mềm.
Đến thời điểm hiện tại, việc cài đặt phần mềm và thực hiện kết nối dữ liệu từ các cơ sở KCB BHYT về BHXH Thành phố đã hoàn thành đối với 100% các cơ sở KCB BHYT, trong đó có 20 bệnh viện tuyến thành phố; 32 cơ sở y tế tuyến quận, huyện và tương đương; 100% trạm y tế tuyến xã có KCB BHYT. Đặc biệt, cả hai huyện đảo Bạch Long Vĩ và huyện đảo Cát Hải cũng đều đã thực hiện được kết nối dữ liệu với BHXH Thành phố phục vụ cho việc giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
Giải được bài toán khó
Hải Phòng là 1 trong 3 địa phương được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam lựa chọn làm thí điểm sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT hồi tháng 03/2015. Sở Y tế và Tập đoàn FPT tổ chức thực hiện dự án ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Toan, Giám đốc BHXH Hải Phòng cho biết sau 02 tháng triển khai thí điểm ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT, Thành phố đã tiếp nhận trên 350.000 lượt hồ sơ yêu cầu thanh toán BHYT từ các cơ sở KCB. Có được kết quả này là nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án.
Tuy đạt được kết quả ban đầu khả quan như vậy nhưng công việc trước đó lại không đơn giản, khi mức độ phức tạp của hệ thống CNTT sẵn có tại các đơn vị là bài toán khó.
Tại Hải Phòng, các cơ sở KCB ứng dụng tới 09 phần mềm quản lý bệnh viện của các đơn vị cung cấp phần mềm khác nhau. Do đó, trong khi triển khai, đào tạo, Sở Y tế và Tập đoàn FPT phải phân chia nhiều dạng đối tượng và hệ thống phần mềm khác nhau. Sau đó, lần lượt chuẩn hóa, kết nối dữ liệu, thực hiện hiệu chỉnh và tập huấn đào tạo cho việc sử dụng.
Tập đoàn FPT duy trì hơn 50 kỹ thuật viên thường trực tại BHXH Thành phố, cùng với các giám định viên bảo hiểm nạp bổ sung dữ liệu để chuẩn hóa danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc và vật tư y tế, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ yêu cầu.
Trước đó, việc tập huấn được triển khai quyết liệt, bảo đảm các cơ sở khám, chữa bệnh có thể dễ dàng tiếp cận, kết nối dữ liệu với hệ thống, sử dụng thành thạo các chức năng của phần mềm. Với các địa bàn như huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Phòng Giám định BHYT cùng các cán bộ kỹ thuật của FPT không quản ngại xa xôi, đến tận nơi để cài đặt phần mềm, tập huấn chi tiết cho cán bộ cơ sở y tế; nhiều trạm y tế cũng được Tập đoàn FPT hỗ trợ máy tính, trang thiết bị, phục vụ kết nối dữ liệu với cơ quan BHXH.
Với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, 9/9 phần mềm này đã được hoàn thiện kết nối với BHXH Thành phố để thực hiện việc giám định và thanh toán, xây dựng được kho cơ sở dữ liệu tập trung và sẵn sàng kết nối đồng bộ với toàn quốc.
Để bảo đảm các cơ sở KCB vận hành ổn định hệ thống, FPT và BHXH Thành phố lập đường dây điện thoại nóng hoạt động 24/24, giúp các cơ sở KCB giải quyết khi nảy sinh vướng mắc về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ về BHYT.
Ông Phạm Hồng Hà, người quản trị mạng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi được FPT hỗ trợ thực hiện kết xuất dữ liệu nên hiện tượng chênh lệch số liệu gần như là không còn. Số liệu gửi lên tạo điều kiện cho BHXH rà soát dễ dàng. Các hồ sơ có vấn đề về sai mã thẻ, trùng dữ liệu vừa nội trú, vừa ngoại trú sẽ được phát hiện nhanh chóng. Do đó đảm bảo việc kê khai minh bạch”.
Còn Phó Giám đốc BHXH Huyện Cát Hải Nguyễn Kim Sơn cho biết hệ thống mới giúp tổng hợp số liệu nhanh chóng, chính xác. Việc tạm ứng, thanh quyết toán với cơ sở KCB nhanh chóng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT. BHXH huyện sẽ lọc được sai sót về những hồ sơ trùng họ tên, trùng số thẻ, trùng hồ sơ khám, kể cả những hồ sơ khám ngày nghỉ, ngày lễ một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.
Ngoài ra, phần mềm còn giúp cán bộ BHXH tra cứu, phân tích dữ liệu về cơ cấu chi phí, cơ cấu bệnh tật, từ đó phát hiện những bất thường để đưa ra giải pháp về quản lý, điều hành, giúp phòng tránh được việc trục lợi trong thanh toán BHYT.
Cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra
Ông Nguyễn Ngọc Toan đánh giá phần mềm đã đáp ứng cơ bản yêu cầu của cơ quan BHXH đặt ra. Quan trọng nhất là đã quản lý tập trung cơ sở dữ liệu của cơ sở KCB có đăng ký KCB BHYT và BHXH, giúp việc giám định thuận tiện hơn, có công cụ trực tiếp hỗ trợ cho công tác giám định, thanh quyết toán BHYT; việc báo cáo do đó có thể thực hiện dễ dàng, nhanh hơn và chính xác hơn.
Vẫn theo ông Toan, trước kia, mỗi lần cơ quan BHXH muốn báo cáo, tổng hợp số liệu là mất nhiều thời gian, công sức, chi phí do thường xuyên phải nhắn tin, gọi điện hỏi giám định viên, cơ sở KCB, thì nay chỉ cần mở máy tính có kết nối mạng Internet là có thể thực hiện dễ dàng. Bên cạnh đó, phần mềm còn có công cụ hỗ trợ việc phân loại, cảnh báo tự động đối với các hồ sơ thanh toán; thực hiện được việc chuẩn hóa các danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc và vật tư y tế áp dụng thống nhất trên toàn Thành phố.
Bác sĩ Trần Thị Họa, Trưởng Trạm Y tế xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) cho biết trước đây, bệnh nhân đến trạm phải qua các bước, khám, kê đơn, viết ra đơn nhỏ, ghi y bạ. Sau đó lại tiếp tục lặp lại ghi vào sổ khám bệnh lưu tại trạm. Còn khi ứng dụng CNTT, việc ghi chép đã giảm, đặc biệt là cộng cuối tháng bớt sai sót hơn nhiều so với trước, tránh được tình trạng hồ sơ trả qua lại giữa cơ sở KCB và BHXH nhiều lần vì sai sót.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam ghi nhận sự tích cực của các đơn vị, đồng thời nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng CNTT đối với KCB BHYT giúp tăng cường hiệu quả quản lý đối với quỹ BHYT, đẩy lùi tình trạng trục lợi Quỹ BHYT; góp phần nâng cao cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thanh toán BHYT, giảm phiền hà, đem đến sự hài lòng cho người bệnh, cho cộng đồng.
Với những kết quả đạt được tại Hải Phòng, có thể thấy CNTT giúp nâng cao hiệu quả làm việc cũng như sự phối hợp giữa BHXH và các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ mà BHYT cung cấp. Bên cạnh đó, việc trở thành công cụ hỗ trợ theo dõi, phản ánh thực tế cập nhật liên tục tình hình KCB và thanh toán BHYT giúp cho việc đánh giá, phân tích và ra quyết định về mặt chính sách cửa cơ quan chức năng được sát thực tế và nhanh chóng, giải quyết đúng vấn đề, đúng thời điểm hơn.
Liên quan đến việc thực hiện thí điểm ở Hải Phòng, ông Lý Đức Đoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin GMC, Tập đoàn FPT cũng cho biết từ thực tế này có thể lường trước một số khó khăn nhất định khi thực hiện trên cả nước.
Theo đó, việc kết nối dữ liệu với các cơ sở KCB có thể sẽ tương đối phức tạp. Với khoảng trên 2.000 cơ sở KCN BHYT, việc thống nhất đưa ra chuẩn dữ liệu phù hợp với hệ thống và phần mềm liên thông với cơ quan BHXH có thể sẽ mất khá nhiều thời gian.
Với các cơ sở KCB tuyến xã, khó khăn có thể còn lớn hơn do các yếu tố về nhân lực và trình độ tiếp cận CNTT cũng sẽ gặp khó khăn, nhất là với các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Theo Chinhphu.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...