Phát huy mạnh mẽ vai trò tuyên truyền, giám sát của báo chí đưa Luật BHXH, BHYT vào cuộc sống

11/05/2015 04:13 AM


Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, theo đó, xác định rõ tầm quan trọng, vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; và đặc biệt đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trên phạm vi cả nước có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT, hướng tới thực hiện BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân. Để đạt được những mục tiêu này, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền, giám sát qua kênh của các cơ quan thông tấn báo chí có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

BsLoi 110515.JPG
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị tập huấn

Tại hội nghị Tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho các phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT thuộc các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương khu vực phía Bắc vừa được Báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức, TS.Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Và trên thực tế, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật đang ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên. Tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giám sát về lĩnh vực này được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu như: Thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật; nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật; phát hiện những bất cập cả trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nêu bật vai trò tuyên truyền, giám sát của các cơ quan thông tấn báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, các cơ quan thông tấn báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền về an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời gắn liền với hiệu quả thực thi các chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ BHXH, BHYT.

Trong thời gian qua, cùng với hệ thống tuyên truyền của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và BHXH các địa phương, có thể nói, báo chí đã đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; cũng như tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những quan điểm và mục tiêu trong Nghị quyết số 21. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực và chủ động tham gia công tác BHXH, BHYT. Đồng thời, báo chí cũng là kênh thông tin chỉ ra những mặt bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương trong cả nước; và có những đề xuất về giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác BHXH, BHYT… Đặc biệt, những ý kiến đóng góp, phản biện của báo chí có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2014.

Tuy nhiên, nhìn nhận khái quát về hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT trong thời gian vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đảng và Nhà nước về mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân và mở rộng BHXH để bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT của các cơ quan quản lý còn hạn chế, nặng tính hình thức, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; kinh phí tuyên truyền thấp; các cơ quan thông tấn báo chí chưa được phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tổ chức thực hiện, để tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện; chưa khai thác, phát huy mạnh mẽ được vai trò của mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên, cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH vì vậy tỷ lệ người tham gia còn ít; đặc biệt vẫn còn tình trạng nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ chính sách chưa chặt chẽ;...

Giai đoạn năm 2015 - 2020 là giai đoạn với những dấu mốc quan trọng trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, cũng như Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Để việc triển khai các Bộ Luật này được hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống góp phần hoàn thành mục tiêu về BHYT toàn dân, BHXH cho mọi NLĐ theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong giai đoạn này, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, đổi mới mạnh mẽ cách thức và nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đối tượng, coi đó như là một chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội.

"Một trong những nhiệm vụ giải pháp tuyên truyền quan trọng trong giai đoạn này là sự vào cuộc, đồng hành mang tính trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nhằm đưa các bộ luật này vào cuộc sống; động viên nhân dân chấp hành đúng pháp luật, nêu gương những điển hình tốt; góp phần giám sát, chỉ ra và phê phán những lệch lạc, sai phạm trong quá trình thực hiện luật về lĩnh vực này", ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, do các yếu tố đặc thù nêu trên, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT sẽ đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải thực sự am hiểu sâu sắc về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT thì việc tuyên truyền của các cơ quan thông tấn mới thực sự đạt hiệu quả, nhằm hướng tới tuyên truyền nâng cao nhận thức và đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân cho NLĐ và người dân.

Đồng quan điểm về việc phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nhằm đưa các luật này đi vào cuộc sống, phát biểu tại Hội thảo "Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị", do Báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã nhấn mạnh, việc đánh giá chính xác thực tiễn của công tác tuyên truyền trong thời gian qua, xác định ý nghĩa, mục đích, vai trò của công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và đưa ra các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong thời gian tới là quan trọng. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Báo Nhân dân báo cáo kết quả đánh giá với Ban Tuyên giáo TƯ và đề nghị Ban Tuyên giáo TƯ lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống cơ quan tuyên giáo, hệ thống cơ quan thông tấn báo chí và các cấp ủy đảng, chính quyền quyết liệt triển khai, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhằm phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện và đảm bảo công tác an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng mong muốn, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ là những đối tác tin cậy và mỗi phóng viên, biên tập viên sẽ là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT, tạo nên sức mạnh trong bộ máy tuyên truyền về BHXH, BHYT, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn