Luật BHXH (sửa đổi): Chính sách bền vững và lâu dài cho người dân
21/04/2015 09:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những ý kiến trao đổi của Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tại Tọa đàm "Bảo hiểm xã hội - Từ chính sách đến cuộc sống" do BHXH Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vừa mới phát sóng trên kênh VTV1 trong Chương trình "Đối thoại và chính sách”.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tham gia đối thoại chính sách "BHXH - từ chính sách đến cuộc sống"
PV: Thưa Tổng Giám đốc, dựa vào những cơ sở nào để cho rằng, quy định trong Luật BHXH (sửa đổi) vừa được thông qua nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài cho NLĐ, còn việc hưởng chế độ một lần khi chưa đến tuổi nghỉ hưu chỉ là giải quyết những khó khăn trước mắt?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Hưởng một lần tức là NLĐ nhận được một khoản tiền, và có thể chăm lo ngay những việc trước mắt, còn hưởng chế độ hưu trí tức là đến khi NLĐ đủ tuổi về hưu sẽ được hưởng thường xuyên, hàng tháng.Vì thế, nó là chính sách ổn định, lâu dài.Hơn nữa, là những người thực hiện chính sách BHXH thì chúng tôi thấy rằng, trên thực tế mỗi năm có khoảng 500 ngàn người nhận chế độ BHXH một lần. Điều đó đồng nghĩa với việc họ đã ra khỏi lưới an sinh xã hội, về già không có khoản thu nhập ổn định. Đến thời điểm đó họ sẽ dồn gánh nặng lên gia đình và xã hội. Nếu họ được hưởng lương hưu thì họ sẽ có cuộc sống ổn định.
Thực tế cũng cho thấy Quyết định 176-HĐBT ngày 9/10/1989 về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh đã giải quyết cho hơn 700 ngàn người hưởng chế độ BHXH một lần nhưng đến nay lại có nhiều người làm đơn xin nộp lại tiền BHXH một lần và mong được đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu mang tính lâu dài và ổn định hơn.
Mặt khác, chế độ BHXH dựa trên nguyên tắc đóng hưởng và thực tế số tiền BHXH mà NLĐ đã nộp vào quỹ BHXH chỉ đủ đảm bảo duy trì cuộc sống của NLĐ trong khoảng 8 năm sau khi nghỉ hưu. Nhưng trên thực tế tuổi thọ của người Việt Nam cao, và theo thống kê của các tổ chức quốc tế thì ở Việt Nam, đa phần những người sau 60 tuổi có tuổi thọ bình quân trên 20 năm nữa, như vậy Nhà nước sẽ hỗ trợ người về hưu ít nhất là 12 năm lương lưu còn lại. Như vậy, rõ ràng đây là chính sách lâu dài và bền vững cho người dân.
PV: Thưa Tổng Giám đốc, trước khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, cơ quan xây dựng Luật có tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài, nhưng tại sao lại không lấy ý kiến của NLĐ một cách sâu rộng để có một cái nhìn khách quan hơn và đưa ra được những phương án phù hợp với nguyện vọng của NLĐ?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: BHXH cũng là cơ quan theo sát quá trình xây dựng Luật và trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chúng tôi thấy đã có nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, và dự thảo Luật cũng được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực tế cho thấy, không có một Luật nào sẽ được tất cả mọi người chấp thuận cả. Đó có thể bắt nguồn từ yếu tố tập quán, tâm lý, cũng có thể do chúng tôi - những người tổ chức thực hiện chưa giúp từng người dân có điều kiện hiểu thấu đáo về chính sách. Vì thế, tôi cho rằng cần thời gian để luật ngấm vào dân…
PV: Để NLĐ hưởng chế độ BHXH một lần liệu có ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHXH hay hoạt động của cơ quan BHXHhay không thưa Tổng Giám đốc?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Vấn đề ở đây ta phải đặt quyền lợi NLĐ lên trên hết chứ chúng tôi không đặt nặng vấn đề về hoạt động của cơ quan BHXH hay cân đối quỹ BHXH. Tôi cho rằng, cần nhất quán quan điểm từ Nghị quyết của Đảng, từ Hiến pháp rồi từ Luật đều mong muốn cho NLĐ có một chế độ ổn định khi về già. Và quan điểm xuyên suốt của BHXH là nhằm đảm bảo an sinh bền vững cho NLĐ. Sẽ rất tiếc nếu NLĐ không cân nhắc kỹ mà lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần. Và thực sự nếu NLĐ đã cân nhắc rồi nhưng thực tế vẫn mong muốn hưởng BHXH một lần thì chúng ta phải tôn trọng nguyện vọng của NLĐ. Nhưng chúng tôi luôn mong rằng NLĐ có cơ hội tiếp cận thông tin một cách thấu đáo hơn nữa.
Và nếu NLĐ muốn làm việc vài năm để có một khoản tiền tự đầu tư sản xuất kinh doanh thì hiện nay chế độ BH thất nghiệp của chúng ta nếu như NLĐ nghỉ việc vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, hiện có rất nhiều chính sách về tín dụng ưu đãi có thể tiếp cận giúp NLĐ có một khoản tiền để tự sản xuất kinh doanh sau khi không còn là công nhân nữa. Và như thế NLĐ sẽ có cơ hội tận dụng nguồn vốn, đồng thời tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (có sự hỗ trợ của Nhà nước), thì về lâu dài NLĐ vẫn có thu nhập ổn định từ lương hưu và trước mắt vẫn có vốn để giải quyết những khó khăn tức thời.
Trước sự việc đình công của NLĐ vừa qua, chúng tôi rất tiếc về sự phản ứng của NLĐ. Đây cũng một phần vì lỗi của BHXH chưa làm cho NLĐ hiểu thấu đáo tính ưu việt của chính sách.
PV: Theo Tổng Giám đốc, qua thực tế của việc xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) làm thế nào để việc lấy ý kiến của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật được tổ chức bài bản, thực chất và có thể đóng góp nhiều ý kiến xác thực cho việc xây dựng Luật hơn nữa?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Thực tế trong quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) cơ cơ quan chức năng đã tổ chức rất nhiều chương trình lấy ý kiến. Nhưng thực tế việc tham gia ý kiến lúc đó có thể do tâm lý chưa bị tác động ngay nên còn chưa được quan tâm, nhưng khi gặp trong thực tế thì chúng ta mới quan tâm. Từ kinh nghiệm vừa qua, tôi cho rằng quy trình lấy ý kiến khi sửa Luật phải thấu đáo hơn, sát với các đối tượng hơn. Và đặc biệt, trong quá trình triển khai Luật công tác tuyên truyền chính sách phải được tăng cường hơn nữa.
PV: Thưa Tổng Giám đốc, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/04/2015 về về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT. Đây là một chính sách quan trọng, vậy xin hỏi Tổng Giám đốc, BHXH Việt Nam sẽ triển khai Chỉ thị này của Thủ tướng như thế nào để đạt được hiệu quả?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Mong muốn của chúng tôi không phải chỉ dừng lại ở vấn đề thực hiện Luật, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng mà quan trọng nhất là làm sao mở rộng được đối tượng tham gia để thực hiện Nghị quyết Đảng, chiến lược của Chính phủ vì mục tiêu cao cả hơn là đảm bảo an sinh bền vững cho nhân dân.
Chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều hoạt động và mới đây BHXH Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền với 4 cơ quan truyền thông quốc gia; đã xây dựng những văn bản, những cuộc làm việc cụ thể để triển khai tại các địa phương. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp uỷ đảng, địa phương nói riêng cũng như cả hệ thống chính trị của chúng ta tích cực vào cuộc thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (hiện nay chỉ có 20%) theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Chúng tôi cho rằng để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 21đặt ra là một áp lực rất lớn mà cơ quan BHXH không thể hoàn thành một cách độc lập và cần phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.
Về phía cơ quan BHXH, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, và đặc biệt sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm mở rộng các kênh tiếp cận thông tin cho NLĐ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...