BHXH Việt Nam: Nỗ lực thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân
17/03/2015 09:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 29/3/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020. Ngay khi Đề án được phê duyệt, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai để đạt được mục tiêu của Đề án đề ra.
Ngày 31/7/2013, BHXH đã ban hành Kế hoạch số 2961/KH-BHXH triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. BHXH Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị; xây dựng các giải pháp thực hiện và giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cho từng địa phương.
Tính đến hết Quý II/2014, đã có 61/63 tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, trong đó 43 địa phương đã ban hành Kế hoạch, 41 địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, 28 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo. Đến 31/12/2014, đã có 32/63 tỉnh hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Chương trình “Chung tay vì sức khỏe phụ nữ Việt Nam” quyên góp được 15 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho phụ nữ thuộc hộ gia đình cận nghèo và đã tổ chức trao thẻ BHYT cho người cận nghèo của 3 tỉnh Đăk Lắk, Kon Tum, Đăk Nông.
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt quan tâm. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan truyền thông, các đoàn thể, tổ chức chính trị… để tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT bằng nhiều hình thức: Đối thoại trực tiếp, thông qua báo, đài phát thanh truyền hình, website, tờ rơi, tờ gấp, áp phích, băng rôn,…; tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng như người lao động, nông dân, phụ nữ, học sinh sinh viên,… Đồng thời đã hoàn thành việc xây dựng Đề án Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHYT giai đoạn 2015 – 2020, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Kết quả bước đầu đáng khích lệ
Năm 2013, tỷ lệ bao phủ đạt 68,8% với 17/63 tỉnh đạt và vượt kế hoạch được giao; đến hết năm 2014 đã đạt tỷ lệ bao phủ 71,6% dân số với 18/63 tỉnh đạt và vượt kế hoạch được giao, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia BHYT. Một số địa phương có tỷ lệ bao phủ tăng nhanh như Đà Nẵng, Nam Định…số thu BHYT ngày càng tăng. Nếu như năm 2013, số thu là 48.233.120 triệu đồng thì năm 2014, số thu là 53.687.000 triệu đồng.
Nhận thức được tầm quan trọng của nâng cao chất lượng KCB, trong việc thu hút người dân tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã rất chú trọng đến vấn đề này. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người KCB BHYT.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí KCB từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí từ ngày 01/01/2016, quy định này thúc đẩy các bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng KCB nhằm thu hút và giữ chân người bệnh.
Bên cạnh đó, việc Bộ Y tế tích cực triển khai có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện, Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án bác sỹ gia đình và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh đã góp phần nâng cao chất lượng KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Đổi mới cơ chế tài chính
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có một số đổi mới cơ chế tài chính, ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện, góp phần giảm tỷ lệ chi tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.
Theo đó, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, mức hưởng BHYT được nâng từ 95% lên 100%; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo mức hưởng BHYT được nâng từ 80% lên 95%; Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí KCB.
Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và tiến tới 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu từ ngày 1/1/2015 cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế nói chung và của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có khá nhiều chính sách thay đổi theo hướng có lợi cho người dân tộc, thiểu số. Trước hết người nghèo, người dân tộc thiểu số không phải cùng chi trả, trước kia là phải cùng chi trả 5%. Theo quy định mới sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Thay đổi thứ hai là người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong khu vực điều trị nội trú nếu đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, kể cả khám vượt tuyến, trái tuyến ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương".
Tại hội nghị ngày 4/3/2015 với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đây cũng là công tác thực hiện bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội. Trung ương đã có Nghị quyết và có chỉ tiêu rõ ràng về tỷ lệ bao phủ BHYT cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ 80%. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến hết năm 2014, tỷ lệ bao phủ đã đạt được 71,6% dân số (vượt mục tiêu đề án đề ra), đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện BHYT toàn dân. Đồng thời phải khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế về nhận thức, trách nhiệm ở một số nơi tỷ lệ đạt còn thấp trong thực hiện chủ trương này./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...