UBND Thành phố Hà Nội: Triển khai toàn diện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

10/03/2015 07:59 AM


Sáng ngày 10/3/2015, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và giảm tải bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo dẫn đầu đoàn làm việc.

Ha Noi 100315.jpg

Năm 2014, dân số thành phố Hà Nội khoảng 7,1 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia BHYT là 5,08 triệu người, đạt 71,6% dân số. Với khoảng 7,3 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2014 ước khoảng 3.700 tỷ đồng. Theo kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ 75% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, đạt 85% vào năm 2020.

Ngay từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, ngày 13/01/2015, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND xác định rõ năm nhiệm vụ trong tâm: tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, bảo đảm quyền lợi BHYT, xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật, tăng cường công tác thanh, kiểm tra. UBND thành phố phân công trách nhiệm cho các sở, ban ngành, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT…

UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế, BHXH thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành; tổ chức tập huấn các nội dung mới của Luật cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn; BHXH thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy phổ biến quán triệt Luật, tổ chức in, cấp thẻ BHYT đúng đối tượng, đúng quyền lợi, phân công giám định viên thường trực tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, cùng các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền.

Trong những ngày đầu tiên triển khai thực hiện Luật, lãnh đạo BHXH thành phố và Sở Y tế cùng các phòng nghiệp vụ trực tiếp xuống kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Quyền lợi của người bệnh cơ bản được bảo đảm.

Để tăng diện bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, UBND thành phố hỗ trợ 100% mức đóng cho 134.579 đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, với tổng số tiền 72,6 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân sống trong vùng ảnh hưởng của khu liên hiệp xử lý chất thải tại 03 xã của huyện Sóc Sơn, khu vực bãi rác xã Tản Lĩnh, Ba Vì tham gia BHYT. UBND thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách hỗ trợ cho 17.146  học sinh của 16 xã nghèo thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ tham gia BHYT.

Cơ quan BHXH ký hợp đồng KCB với 205 cơ sở y tế. trong đó, BHXH Thành phố trực tiếp ký hợp đồng với 35 cơ sở, BHXH quận huyện trực tiếp với 152 đơn vị. Qua đó, góp phần đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT, đồng thời tăng cường việc kiểm soát chi phí và chống lạm dụng quỹ KCB BHYT, nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB.

Công tác khám, chữa bệnh BHYT của ngành y tế Thành phố được triển khai tại 40 bệnh viện (27 bệnh viện tuyến thành phố, 13 bệnh viện tuyến huyện), 23 bệnh viện ngoài công lập, 52 phòng khám, đa khoa khu vực và 500/584 trạm y tế xã với tổng số giường bệnh toàn ngành là 10.713.

Việc tổ chức khám chữa bệnh luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ người bệnh, bổ sung, tăng cường cán bộ cho các bàn khám, thiết lập quy trình tiếp đón người bệnh có trật tự, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình khám chữa bệnh góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, BHXH thành phố, UBND các quận huyện, lãnh đạo các bệnh viện đều khẳng định nỗ lực thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. BHXH thành phố, Sở Y tế phát huy hiệu quả vai trò tham mưu, bám sát các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, chỉ đạo và thực hiện đúng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Công tác quán triệt Luật được các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố thực hiện sâu rộng; công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng đang từng bước được đẩy mạnh, thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân đã được Thành ủy, UBND thành phố đặt ra. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác BHYT học sinh luôn được quan tâm, thực hiện. Từ năm 2008, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT luôn đạt bình quân trên 90%, có nơi lên đến 98%. Sở Giáo dục và Đào tạo phấn đấu năm học tới sẽ có 100% học sinh tham gia BHYT. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền và phối hợp là rất quan trọng.

Đồng quan điểm với ông Thống, đại diện của các quận, huyện đều thống nhất, đối với công tác BHYT sự quan tâm của lãnh đạo UBND thành phố là hết sức kịp thời và toàn diện. Công tác tuyên truyền cần được triển khai trên nhiều kênh và bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân biết và tham gia BHYT.

Các vấn đề về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, chuyển tuyến khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin,… cũng được các đại biểu chia sẻ.

Các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND thành phố, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của BHXH thành phố và Sở Y tế trong thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhận định: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được triển khai kịp thời, quyền lợi của người dân được đảm bảo đã cho thấy sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm thực hiện BHYT của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam mong rằng, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm hơn với tổ chức thực hiện BHYT, chú trọng phát triển mở rộng đối tượng, bảo đảm lộ trình BHYT toàn dân. Công tác quán triệt, tuyên truyền Luật phải được triển khai sâu, rộng đến các cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo thuận lợi công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng, thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Cùng với đó, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới phải được tăng cường, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT cho người dân ngay tại cơ sở, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ghi nhận những kết quả thực hiện BHYT của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo thành ủy, UBND, HĐND thành phố trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói chung và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nói riêng. Sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ người dân tham gia của UBND thành phố là rất quan trọng và phải tiếp tục phát huy hơn nữa. Với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, Hà Nội phải phấn đấu tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT. Các Sở, ban ngành, BHXH thành phố tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp, chủ động trong tổ chức thực hiện. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp dưới phải mạnh mẽ hơn, đi sâu vận động phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tăng cường đầu tư y tế cơ sở, phát huy hiệu quả BHYT ngay từ phường, xã…

Tiếp thu những ý kiến của Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng tinh thần trách nhiệm thực hiện BHYT của các cấp ủy, chính quyền cơ sở; chú trọng phát triển mở rộng đối tượng, ngân sách thành phố sẵn sàng hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế tham gia BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới cũng sẽ được thành phố chú trọng đầu tư về con người cũng như cơ sở vật chất…Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong rằng, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tích cực hơn trong công tác tổ chức thực hiện BHYT, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ BHYT, để Thành phố sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân trong tương lai gần./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn