Để bảo hiểm xã hội là chỗ dựa vững chắc cho người lao động

09/03/2015 07:20 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH) Ninh Bình, với nhiệm vụ cơ bản là thực hiện quản lý thu, chi, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ khi được thành lập, nhất là sau khi Luật BHXH và Luật BHYT được ban hành, việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu quan trọng.

Chi tra 090315.jpg

Bảo hiểm xã hội huyện Hoa Lư chi trả lương hưu tại cơ sở

Nằm trong hệ thống của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Ninh Bình được thành lập theo quyết định số 02/QĐ-TC ngày 15-6-1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của mình từ 1-10-1995.

Các chế độ bảo hiểm được mở rộng và linh hoạt hơn với nhiều loại hình đa dạng từ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT bắt buộc và tự nguyện… phạm vi và đối tượng hưởng thụ gia tăng đáng kể, cơ chế quản lý quỹ bảo hiểm có những đổi mới và từng bước hoàn thiện. Đây là điều kiện cơ bản để BHXH tỉnh Ninh Bình nói riêng và ngành BHXH nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động của ngành nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng quỹ và chi trả kịp thời các chế độ BHXH,BHYT cho người lao động, nhân dân.

Chính vì vậy, số người tham gia và số tiền thu BHXH, BHYT có bước tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 1995, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 195 đơn vị tham gia BHXH cho 26.807 lao động với số tiền thu được là 5,7 tỷ đồng, thì đến năm 2005, đã nâng lên 1.138 đơn vị tham gia BHXH, BHYT cho 125.992 người với tổng số tiền là 108 tỷ đồng.

Sau mười năm, tức là năm 2010, tổng số thu BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 509,4 tỷ đồng, tăng 89 lần so với năm 1995. Số người tham gia BHXH, BHYT trong tỉnh nâng lên 552 nghìn người. Đến năm 2014, tổng số thu BHXH, BHYT đạt 1.382 tỷ đồng, bằng 271,3% so với năm 2010. Số người tham gia BHXH, BHYT đạt hơn 630 nghìn người, tăng 14,1% so với năm 2010. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 100% đối tượng người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT do ngân sách T.Ư hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 25%, ngân sách huyện hỗ trợ 5%; hơn 95% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT một phần là do được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 10% kinh phí mua thẻ; Đến nay đã có 100% đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua thẻ BHYT.

Song song với việc thu, đóng BHXH, công tác cấp sổ, thẻ BHYT luôn được coi trọng. Do vậy, trong những năm qua Ngành đã tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động tiến hành thẩm định và cấp 79.332 sổ BHXH cho người lao động, đạt tỷ lệ 98,3%. Cùng với việc cấp sổ BHXH, để bảo đảm quyền lợi được khám chữa bệnh của các đối tượng tham gia BHYT; BHXH tỉnh phát hành kịp thời thẻ BHYT cho các đối tượng tham gia, bảo đảm 100% người dân tham gia BHYT đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT mang lại.

Sau hai mươi năm, đến nay, bộ máy tổ chức của BHXH tỉnh có 17 đơn vị trực thuộc gồm: BHXH tám huyện, thị xã, thành phố; chín phòng nghiệp vụ với 250 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó số người có trình độ đại học và trên đại học là 204 người (08 thạc sĩ), chiếm 81,6% số lượng cán bộ, công chức, viên chức; số cán bộ lãnh đạo quản lý là 48 người, chiếm 18,8% số lượng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách hành chính, từng bước áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, theo dõi kiểm tra hồ sơ của người tham gia bảo hiểm.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình tập trung huấn luyện các đơn vị trực thuộc thực hiện cải cách các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, triển khai áp dụng phần mềm tra cứu thông tin về BHXH, BHYT trên trang Thông tin điện tử; áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008; trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH – BHYT qua hệ thống Bưu điện; thực hiện niêm yết công khai toàn bộ thủ tục, quy trình, biểu mẫu hồ sơ, thời gian giải quyết các chế độ BHXH, BHYT từ tỉnh đến huyện, tạo sự minh bạch và thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, viên chức, nhất là cán bộ quản lý; bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảm bảo đúng người đúng việc. Qua đó, góp phần cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách chế độ BHXH, BHYT.

Xác định cơ quan BHXH là cầu nối giữa chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước với đông đảo nhân dân, vừa tổ chức thực hiện chính sách, vừa có trách nhiệm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người tham gia bảo hiểm. Hằng năm, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn theo định kỳ hàng tháng, hàng quý mở chuyên mục phổ biến chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp với các đài truyền thanh ba cấp để tiếp nhận và trả lời giải đáp ý kiến của người dân liên quan đến chính sách BHXH, BHYT. BHXH tỉnh còn tổ chức tuyên truyền trực quan bằng cách xây dựng các hệ thống pa-nô tuyên truyền. BHXH tỉnh còn tổ chức phát hành tờ gấp, đặt báo, tạp chí BHXH gửi tới các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại trực tiếp với chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay công tác BHXH, BHYT trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục triệt để. Đó là số người đóng bảo hiểm xã hội còn thấp so với số lao động thực tế trong các cơ quan đơn vị trên địa bàn. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh diện “bao phủ” BHXH mới đạt khoảng gần 18% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT mới đạt gần 69% dân số. Số người tham gia BHXH, BHYT tuy có tăng nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững và vẫn chủ yếu là các nhóm đối tượng trong diện bắt buộc. Việc mở rộng đối tượng tham gia các loại hình BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng còn rất khó khăn. Vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động, người lao động lạm dụng, chiếm dụng bất hợp pháp nguồn Quỹ BHXH, Quỹ BHYT.

Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT đang ngày một phổ biến và trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh cơ bản, thiết thân của hàng ngàn người lao động, đồng thời gây mất trật tự, an toàn xã hội. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT của các ngành và địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Cơ sở vật chất trang thiết bị, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ở một số cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT cho nhân dân.

Trong suốt quá trình phát triển, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình luôn phấn đấu vì mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân”. Cụ thể, năm 2015, có hơn 25% lực lượng lao động tham gia BHXH, 20% lực lượng lao động tham gia BHTN, hơn 75% dân số tham gia BHYT. Đến năm 2020, dự kiến, có hơn 55% lực lượng lao động tham gia BHXH, hơn 40% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 85% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT.

Để luôn là chỗ dựa vững chắc cho người lao động, BHXH tỉnh Ninh Bình cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu, như: Phối hợp với các cấp, các ngành để triển khai công tác tuyên truyền, cũng như tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, có 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia Bảo hiểm xã hội.

Tăng cường tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH tới các cấp, các ngành, tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động một cách có hiệu quả, nhằm làm chuyển biến nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH. Bên cạnh đó, tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động và đơn vị sử dụng lao động trong Luật Bảo hiểm tuyên truyền làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc phối hợp tổ chức thực hiện Luật BHXH. Phát hiện và biểu dương các cá nhân, đơn vị, địa phương, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động, phê phán những cá nhân, đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉnh hoặc cố tình trốn tránh, làm sai các quy định về chính sách BHXH.

Coi trọng việc kiểm tra và xử lý vi phạm: Để phát huy những nhân tố tích cực, phát hiện và phòng ngừa những vi phạm, góp phần thúc đẩy và hoàn thiện công tác quản lý, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và cá nhân người lao động.

Phối hợp với tổ chức công đoàn, kế hoạch và đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, cục thuế, thanh tra tỉnh để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Trước hết, phối hợp giữa cơ quan BHXH với thanh tra lao động trong việc cung cấp hồ sơ những đơn vị vi phạm nghiêm trọng để khởi kiện ra tòa án nhân dân các cấp.

Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt việc vận động mở rộng đối tượng tham gia, thu hồi nợ đọng và kiểm tra xử lý vi phạm.

Thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nghiệp vụ, đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục, hồ sơ liên quan đến quy trình BHXH, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, không phù hợp, thực hiện tốt quy trình "một cửa", "một cửa liên thông" nhằm giải quyết công việc nhanh gọn, kịp thời, chính xác, tránh để đơn vị hoặc người tham gia phải đến nhiều lần, mất thời gian. Thực hiện "Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa vững chắc cho người lao động".

Hai mươi năm, là khoảng thời gian hết sức quan trọng để BHXH Việt Nam nói chung, BHXH tỉnh Ninh Bình nói riêng bằng hành động thực tiễn và kết quả cụ thể khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của việc đổi mới chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Nhìn lại chặng đường đã qua để chỉ ra hạn chế, nguyên nhân và biện pháp khắc phục sẽ là cơ sở vững chắc để BHXH tỉnh Ninh Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2015 và các năm tiếp theo, xứng đáng với phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng “Huân chương Lao động hạng ba” của Chủ tịch nước cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ngành.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn