Cải cách thủ tục thuế và BHXH của Việt Nam đang đi đúng hướng

16/01/2015 08:36 AM


Đây là nhận định của bà Joanna Nasr, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) khi đánh giá về tiến trình cải cách thủ tục hành chính thuế, BHXH của Việt Nam tại Hội thảo chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam diễn ra ngày 15/01/2015 do Tổng cục Thuế phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chủ trì hội thảo; tham dự có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh; Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, cùng đại diện các Bộ, ngành có liên quan, chuyên gia Ngân hàng Thế giới…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh: thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó giao Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam rà soát, đánh giá và cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và BHXH, phấn đấu cuối năm 2015 cắt giảm số giờ thực hiện các thủ tục thuế và BHXH xuống ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN-06 là 171 giờ. Theo đó, thuế giảm 167 giờ xuống còn 121,5 giờ; BHXH phải giảm được 285,5 giờ xuốn còn 49,5 giờ. Trên cơ sở đó, trong năm 2014, Tổng cục Thuế báo cáo với Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy của Thông tư 119/2014/TT-BTC cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế; trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế và các Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế dự kiến giảm tiếp được 80 giờ. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ khai thuế điện tử (đến 31/12/2014 đã có 97% số doanh nghiệp tham gia) và tăng cường công tác thông tin truyền thông, hỗ trợ người nộp thuế và giám sát, chấn chỉnh việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuế trong toàn ngành. Đồng thời, Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH. Trong đó hai bên sẽ trao đổi thông tin về tổ chức, cá nhân tham gia đóng BHXH, Tổng cục Thuế cấp mã số thuế đối với tổ chức trả thu nhập và trao đổi thông tin để cơ quan BHXH sử dụng trong quản lý. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn: Tuy cách đánh giá về chỉ số nộp thuế Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới không phản ánh toàn diện về năng lực hay trình độ quản lý thuế của các cơ quan Thuế và cơ quan BHXH, nhưng đây là một kênh thông tin hữu ích, cung cấp một cách nhìn khác về chi phí tuân thủ thuế và BHXH từ phía người nộp thuế, BHXH, để giúp cho cơ quan Thuế và cơ quan BHXH nhìn nhận lại, đề ra các chương trình cải cách phù hợp hơn, mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH bắt buộc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chia sẻ: với đặc thù là một cơ quan trực thuộc Chính phủ có nhiệm vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Ngành BHXH không có chức năng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách. Vì thế, việc cải cách thủ tục hành chính của cơ quan BHXH phải phụ thuộc vào các bộ quản lý nhà nước theo lĩnh vực được phân công (Bộ Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế) để trình Chính phủ sửa đổi các Thông tư, Nghị định liên quan. Tuy nhiên, trong năm 2014, BHXH Việt Nam đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật BHYT và Luật BHXH sửa đổi. Đề xuất đưa vào dự thảo Luật nhiều nội dung cắt giảm thủ tục hành chính như: giảm thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH, chế độ ốm đau, thải sản, hưu trí, loại bỏ các quy định về việc nộp bản sao quyết định thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động đối với người sử dụng lao động tham gia BHXH... BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát, đánh giá để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ngày 10/10/2014, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-BHXH về việc sửa đổi một số nội dung tại 05 Quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi BHXH, BHYT, trong đó đơn giản hóa rất nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; quy định về hồ sơ và quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT… (dự kiến giảm được 100 giờ cho doanh nghiệp). Đồng thời, BHXH Việt Nam đang triển khai xây dựng, phần mềm kê khai hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua mạng internet và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp (hiện nay có hơn 30 nghìn doanh nghiệp áp dụng) giảm thêm được 45 giờ. Trình Thủ tướng phê duyệt Quyết định thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam xây dựng các quy trình, thủ tục, hồ sơ về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tiến tới thực hiện đẩy đủ giao dịch điện tử trong tất cả các nội dung BHXH, BHYT. Các giải pháp này sẽ góp phần làm giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến BHXH.

Bà Joanna Nasr, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: thời gian qua Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa các thủ tục kê khai đối với thuế giá trị gia tăng, BHXH bắt buộc và thuế thu nhập doanh nghiệp; phần mềm mới của cơ quan Thuế và BHXH đã gắn kết với phần mềm kế toán của doanh nghiệp để tự động tính toán theo yêu cầu của kê khai thuế, BHXH triển khai hệ thống khai báo qua mạng… Với cách làm này, Việt Nam đang đi đúng hướng. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam cần tiếp tục chương trình cải cách thủ tục hành chính theo lộ trình đã đề ra và mở rộng hơn các nội dung về cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu sau kê khai, có mức đánh giá tác động việc cải cách thủ tục hành chính tới doanh nghiệp... Về các giải pháp trong thời gian tới, bà Joanna Nasr nhận định: Việt Nam có thể xem xét việc lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế, BHXH bắt buộc. Hình thức này theo bà có thể thực hiện hỗ trợ trực tuyến, qua điện thoại hoặc thư điện tử. Công tác này nhằm giúp người nộp thuế, BHXH hiểu rõ và được sự hướng dẫn cụ thể hơn sau khi triển khai các thủ tục hành chính mới.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại diện đến từ Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Hội tư vấn thuế Việt Nam, Công ty Kiểm toán Quốc tế (PWC). Đây là những đơn vị đã đồng hành cùng với Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế và BHXH thời gian qua.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hoá thủ tục, giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thuế cho người nộp thuế trên cơ sở các nội dung mà chuyên gia đã cung cấp và các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thực hiện chuyển đổi dần từ quản lý dựa trên hóa đơn sang quản lý theo đối tượng, theo đánh giá rủi ro; đặc biệt là việc phòng ngừa, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế GTGT khi bỏ quy định doanh nghiệp gửi bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra.Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với BHXH Việt Nam rà soát, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính về thuế và BHXH cho các doanh nghiệp; nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống kết nối thông tin giữa hai cơ quan được thống nhất và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về thuế và BHXH./.

Nguồn TC BHXH