Đừng để “doanh nghiệp thích thì thực hiện, không thích thì thôi”

12/01/2015 04:06 AM


Theo BHXH Tp.Hồ Chí Minh, trong năm 2014, cơ quan này đã phải khởi kiện gần 1.717 DN trốn đóng hơn 478,6 tỉ đồng BHXH và các DN mới nộp gần 130 tỉ đồng (tương đương 27,1%).

Nhưng cũng xin được nói ngay, trong số 130 tỉ đồng này có phần là kết quả thu được từ những vụ kiện của những năm trước, chứ không phải chỉ riêng năm 2014. Điều này cho thấy, quá trình đòi lại quyền lợi cho NLĐ đi theo con đường tố tụng là rất gian nan và lâu dài, đồng thời hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, có một chế tài khác có vẻ nhanh hơn để khắc phục tình trạng DN trốn đóng BHXH cho NLĐ là kiểm tra sau đó xử phạt vi phạm hành chính (là biện pháp chính) và yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc truy đóng BHXH cho NLĐ (là việc bắt buộc đi kèm) đối với những đơn vị vi phạm. Nhưng chế tài này hiện hiệu quả cũng không cao, mà nguyên nhân chính là chưa có các biện pháp cưỡng chế hiệu quả để buộc DN phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo báo cáo của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP), trong năm 2014, sau khi thanh tra, đơn vị này đã có 8 quyết định cưỡng chế việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn lao động. Sau cưỡng chế, chỉ có 3 đơn vị thực hiện nộp phạt theo quy định (37,5%) và như vậy, còn lại đến 62,5% số DN “ngó lơ” quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nói cách khác, hiệu lực quản lý nhà nước ở đây đã bị xem thường. Điều này đã được thể hiện rõ trong nhận định về những khó khăn của công tác thanh tra LĐ ở TP: “Tình trạng trây ỳ của một số DN không chấp hành hoặc cố tình không chấp hành các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của thanh tra sở ngày càng tăng. Về cơ chế nhà nước chưa có biện pháp xử lý triệt để nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với DN. Công tác cưỡng chế các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn đang là khó khăn chung nhiều năm, chưa có hướng tháo gỡ nhằm thu hồi vào kho bạc cũng như việc cưỡng chế thu hồi số tiền nợ BHXH của NLĐ”.

Đã đến lúc cần có biện pháp cưỡng chế khả thi để quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền mà cụ thể ở đây là thanh tra LĐ phải được tôn trọng và thực hiện. Đừng để cho DN thích thì thực hiện, không thích thì thôi. Như thế không chỉ quyền lợi của hàng ngàn NLĐ bị xâm hại, mà hình ảnh quyền lực nhà nước cũng bị ảnh hưởng./.

Theo: laodong.com.vn