BHXH Việt Nam 20 năm xây dựng và phát triển

14/01/2015 08:03 AM


Sáng 14/01/2015, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo BHXH Việt Nam- 20 năm xây dựng và phát triển. Hội thảo nhằm đánh giá, tổng kết những thành tựu đạt được, kinh nghiệm quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, những vướng mắc, khó khăn, trong 20 năm xây dựng và phát triển của BHXH Việt Nam; cũng là dịp để chỉ ra cơ hội và thách thức làm cơ sở cho công tác xây dựng và phát triển BHXH Việt Nam trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo nền an sinh xã hội của nước nhà.

Hoi Thao 140115 03.jpg

Hội thảo do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành TƯ; các nhà khoa học; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Hội đồng quản lý, lãnh đạo BHXH Việt Nam; BHXH một số tỉnh, thành phố;…

BHXH Việt Nam 20 năm xây dựng và phát triển

Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của BHXH Việt Nam 20 năm qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương nhấn mạnh, mặc dù ra đời muộn hơn so với các ngành khác trong hệ thống các cơ quan nhà nước, nhưng với sự phù hợp về mặt chính sách- cụ thể là chính sách BHXH, BHYT, cũng như sự phù hợp về cải cách hành chính nhà nước (tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng tổ chức thực hiện), hệ thống BHXH ở nước ta đã không ngừng lớn nhanh, lớn mạnh về mọi mặt. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi các nội dung để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội hiện nay.

Nếu như năm 1995, Ngành BHXH mới chỉ quản lý 2,2 triệu lao động, thì đến cuối năm 2014, số người tham gia BHXH, BHYT đã lên tới trên 64 triệu người; số thu vào Quỹ BHXH, Quỹ BHYT tính đến năm 2014 lần lượt tăng hơn 160 lần và 50 lần so với năm 1995. Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn lao động, hàng triệu người dân được được bảo vệ các quyền lợi an sinh cơ bản nhất thông qua các chế độ BHXH, BHYT và góp phần từng bước đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới mục tiêu công bằng xã hội.

Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức nhà nước đã chuyển sang thực hiện cho mọi NLĐ theo hai hình thức: BHXH bắt buộc đối với NLĐ có quan hệ lao động với người sử dụng lao động; và BHXH tự nguyện đối với NLĐ làm việc tự do, lao động là nông- lâm- ngư nghiệp… từ đó nhằm tiến tới thực hiện BHXH, đảm bảo sự bình đẳng cho mọi NLĐ trong xã hội, trên cơ sở quan hệ đóng- hưởng. Chế độ, chính sách BHXH ngày càng đi vào hoàn thiện về mặt chuyên môn kỹ thuật. Về mặt quy phạm pháp luật cũng đã cho thấy, chính sách BHXH từ chỗ chỉ là các Nghị định, Điều lệ tạm thời về BHXH nay đã được nâng cấp lên cơ sở pháp lý cao hơn cụ thể là Luật BHXH ban hành năm 2006 và tiếp tục được hoàn thiện vào năm 2014 khi Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi. Tính từ năm 1995 đến nay, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 67,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH (các chế độ BHXH hàng tháng, các chế độ BHXH một lần, các chế độ ngắn hạn (bao gồm: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe), chế độ BH thất nghiệp…. Nhìn chung, việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp đã được Ngành BHXH đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ cũng như đơn vị sử dụng lao động. Công tác quản lý đối tượng hưởng và quản lý, lưu trữ hồ sơ đảm bảo khoa học, an toàn và chặt chẽ.

Chính sách BHYT cũng không ngừng được thay đổi, từ năm 1992 cho đến khi Luật BHYT năm 2008 đi vào cuộc sống và gần đây nhất- năm 2014 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đánh dấu sự hoàn thiện về mặt pháp lý đối với chính sách này, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, với mục tiêu BHYT toàn dân, xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Công tác KCB BHYT trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến theo hướng thuận lợi hơn với người bệnh, trung bình mỗi năm có trên 100 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi KCB với chi phí hàng chục ngàn tỷ đồng; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong 20 năm qua, trong khi nguồn chi trả từ Quỹ BHXH, Quỹ BHYT không ngừng tăng lên thì nguồn chi từ NSNN cho lương hưu và trợ cấp BHXH,... đang ngày một giảm dần, điều này đã giúp cho Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác. Ngoài ra, nguồn tiền được tích lũy từ hai Quỹ này đã được dùng để đầu tư vào các dự án phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, dân sinh, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, qua đó đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, đây là điều hết sức có ý nghĩa.

Bước vào giai đoạn phát triển mới: cơ hội và thách thức

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cũng cho biết, sau 20 năm hình thành và phát triển, để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nêu trên của Ngành BHXH, phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan, và sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, CCVC Ngành từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra cho Ngành BHXH, phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động (LLLĐ) tham gia BHXH, 35% LLLĐ tham gia BH thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT là những thách thức rất lớn.

Vì trên thực tế, công tác BHXH, BHYT trong những năm qua vẫn cho thấy một số hạn chế, yếu kém chưa được  khắc phục triệt để, theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2014: diện bao phủ BHXH mới đạt khoảng trên 20% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 70% dân số. Số người tham gia BHXH, BHYT tuy có tăng nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững và vẫn chủ yếu là các nhóm đối tượng trong diện bắt buộc. Việc mở rộng đối tượng tham gia các loại hình BHXH, BHYT tự nguyện còn rất khó khăn. Vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động, NLĐ lạm dụng, chiếm dụng bất hợp pháp nguồn Quỹ BHXH, Quỹ BHYT. Đặc biệt, tình trạng DN nợ và trốn đóng BHXH, BHYT đang ngày một phổ biến và trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh cơ bản, thiết thân của hàng ngàn NLĐ, đồng thời gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Trong bài tham luận của mình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng đã khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có ba dự án Luật quan trọng về lĩnh vực an sinh xã hội được Quốc hội thông qua: Luật Việc làm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật BHXH sửa đổi. Về cơ bản, ba đạo luật này đã tạo khung pháp lý nhằm điều chỉnh các chính sách BH thất nghiệp, BHYT và BHXH trong giai đoạn hiện nay; và đều hướng tới hai mục tiêu quan trọng là: mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Đây được coi là cơ hội lớn với Ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận, ý kiến trao đổi, đánh giá, nhận định về 20 năm hình thành và phát triển của BHXH Việt Nam, cũng như những cơ hội, thách thức trong thời gian tới từ các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đại diện một số bộ, ban, ngành. Các ý kiến cơ bản đều ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực Ngành BHXH đã đạt được trong 20 năm qua. Và hội thảo, cũng chỉ ra những nội dung cốt lõi để Ngành BHXH có thể vượt qua những thách thức nêu trên, nhằm triển khai thành công công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị thời gian tới, đó là: đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về quyền, lợi ích cho người dân, người lao động, các đơn vị, tổ chức và vận động người dân chủ động tham gia, bảo vệ quyền lợi an sinh của bản thân, đồng thời nâng cao tính tự nguyện khi tham gia các loại hình BHXH tự nguyện, BHYT cho đối tượng tự đóng; xây dựng chỉ tiêu tăng nhanh tỷ lệ đối tượng tham gia hằng năm để các địa phương phấn đấu thực hiện; phải đổi mới công tác quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử chung nhằm cải cách hiệu quả thủ tục hành chính, thống nhất quản lý đối tượng tham gia một cách kịp thời, chính xác; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức và bộ máy của Ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hiệu quả quản lý; nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong quá tình đóng BHXH, BHYT cho NLĐ theo đúng quy định nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH đang dần phổ biến hiện nay...

Phát biểu kết luận buổi hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương thay mặt Ban Tổ chức, ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu và khẳng định, các ý kiến đóng góp của các đại biểu mang tính thực tiễn cao và đây sẽ là một trong những cơ sở để Ngành BHXH bổ sung và cụ thể hóa trong hoạt động của Ngành trong thời gian tới. Bà Phương cũng khẳng định, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhằm tiến tới thực hiện BHXH cho mọi NLĐ, BHYT toàn dân, Ngành BHXH sẽ gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống 20 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành, BHXH Việt Nam sẽ tận dụng mọi cơ hội cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các bộ, ban ngành và sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc của toàn thể đội ngũ cán bộ, CCVC, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đưa Ngành BHXH Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước giao phó./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn