Toàn ngành nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ

31/12/2014 03:20 AM


Năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng BHXH Việt Nam đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nên kết thúc năm, toàn Ngành đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đây là những cơ sở quan trọng để toàn Ngành tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2015 - năm đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Ngành BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho biết:

dvSinh 311214.JPG

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Ước hết tháng 12/2014, cả nước có 64,7 triệu người tham gia BHXH, BHYT, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc là 11,5 triệu người, BH thất nghiệp 9 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện là 200.000 người; tham gia BHYT 64,5 triệu người. Toàn Ngành đã thu 195.300 tỷ đồng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đạt 101% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cơ quan BHXH đã giải quyết cho 8.054.435 trường hợp hưởng các chế độ BHXH, tăng 481.552 lượt người (6,4%) so với năm 2013. Trong đó, 118.091 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, 642.239 lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần, 722.523 người hưởng trợ cấp BH thất nghiệp, 6.571.582 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức- phục hồi sức khỏe.

Về công tác KCB BHYT, cơ quan BHXH đã thanh toán chi phí cho 138.962.579 lượt người đi KCB BHYT, tăng 10.l687.280 lượt người (8,3%) so với năm 2013.

* PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc, năm 2014 hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến công tác thu BHXH, BHYT. Tuy nhiên, toàn Ngành đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thu được Thủ tướng Chính phủ giao. Vậy những giải pháp nào đã giúp ngành BHXH thực hiện tốt nhiệm vụ này?

- Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh: Trong năm 2014, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật BHXH (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Bên cạnh đó, Ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, thực hiện hiệu quả các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của đất nước; đồng thời, đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ DN, NLĐ và người dân.

Trong công tác thu, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thu, các ban nghiệp vụ liên quan và BHXH các địa phương tăng cường công tác thu, nhất là đôn đốc thu hồi nợ. Theo đó, đối với DN nợ đến 2 tháng, cơ quan BHXH phải cử cán bộ hoặc Tổ thu nợ trực tiếp đến để đôn đốc, đối chiếu thu nộp và lập biên bản, sau đó 15 ngày 1 lần gửi văn bản đôn đốc. Nếu DN vẫn tiếp tục nợ đến 3 tháng thì cơ quan BHXH gửi văn bản báo cáo UBND cùng cấp và cơ quan thanh tra để tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật. Nếu DN nợ kéo dài đến 4 tháng, hoặc 3 tháng đối với DN có quy mô lớn, số tiền nợ lớn, mà cơ quan có thẩm quyền chưa thanh tra, xử lý vi phạm thì cơ quan BHXH lập hồ sơ khởi kiện DN ra tòa.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố có số nợ BHXH, BHYT lớn đề nghị quan tâm đôn đốc, chỉ đạo giảm nợ đọng, nhất là khoản ngân sách địa phương đóng BHYT cho những đối tượng chính sách.

Bên cạnh đó, trong quý III, quý IV, Thanh tra Chính phủ cũng đã trực tiếp chủ trì đợt thanh tra thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT tại một loạt các DN trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố. Những địa phương còn lại, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu Thanh tra tỉnh, thành phố chủ trì triển khai các đợt thanh tra toàn diện về BHXH đối với nhiều DN trên địa bàn.

Trong năm 2014, BHXH Việt Nam cũng đã ký và triển khai chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam…, để cùng các bộ ngành tham gia giám sát công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Những tháng cuối năm vừa qua, Tổng LĐLĐ đã tổ chức đoàn đi giám sát tại 4 tỉnh, cũng giúp cho ngành BHXH tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, giúp tăng thu, giảm nợ đọng.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác thu, thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với các ngân hàng TMCP nhà nước như BIDV, Vietcombank, Vietinbank; ký hợp đồng thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của đối tượng tự đóng với Tổng Công ty Bưu điện. Trên cơ sở đó BHXH các địa phương và chi nhánh ngân hàng, Bưu điện các tỉnh, thành phố đã ký hợp tác cụ thể để triển khai thực hiện. Bước đầu, việc hợp tác này đã thu được những kết quả tốt.

Đặc biệt trong năm qua, công tác tuyên truyền đã được Ngành làm rất tốt, bài bản. Từ công tác tuyên truyền do Ban Tuyên truyền tham mưu, tổ chức, rồi Báo BHXH, Tạp chí BHXH, Website của Ngành, BHXH các địa phương cũng vào cuộc tích cực. BHXH Việt Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học với Ban Kinh tế Trung ương ở khu vực phía Bắc, phía Nam; 1 cuộc hội thảo với Báo Nhân dân; 1 cuộc hội thảo với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. BHXH Việt Nam cũng tham gia nhiều cuộc hội thảo, đối thoại, tham vấn về chính sách BHXH, BHYT do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức. Tất cả những hoạt động này đều nhận được sự quan tâm, tuyên truyền sâu, rộng của các cơ quan truyền thông, có tác động rất lớn đối với nhận thức của xã hội, giúp người dân hiểu về chính sách hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong tháng 5 xảy ra sự cố nhiều DN ở Bình Dương, Đồng Nai bị các phần tử xấu lợi dụng tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam để đập phá. Cơ quan BHXH địa phương đã chủ động, kịp thời hỗ trợ DN bảo vệ hàng trăm ngàn cuốn sổ BHXH của NLĐ. Ngay sau sự cố, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành địa phương để nắm bắt tình hình và chỉ đạo tạm ứng kinh phí giúp BHXH tỉnh giải quyết chế độ cho NLĐ, cấp lại sổ BHXH bị cháy và phối hợp giải quyết BH thất nghiệp cho NLĐ. Việc xử lý kịp thời của cơ quan BHXH đã được Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng, dư luận đánh giá cao.

* PV: Trong năm qua, ngành BHXH đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách TTHC nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ giao dịch nộp BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ và Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Tổng giám đốc có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh: Cải cách TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ quan trọng được BHXH Việt Nam thực hiện quyết liệt trong nhiều năm qua. BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát và cắt giảm từ 263 TTHC xuống còn 111 thủ tục; cơ quan BHXH các địa phương đã thực hiện giao dịch theo cơ chế “Một cửa” liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng công việc theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN khi giao dịch với cơ quan BHXH.

BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm giao dịch trên mạng internet tại 36 BHXH tỉnh, thành phố, đã đem lại những hiệu quả tốt như: Giúp đơn vị SDLĐ, DN có được công cụ lập thủ tục BHXH, BHYT đúng quy định, hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai; giảm thiểu thời gian đi lại giao dịch với cơ quan BHXH. Ứng dụng này chính là một kênh kết nối thông tin giữa cơ quan BHXH với NLĐ, người SDLĐ theo định hướng của Chính phủ về phát triển các giao dịch điện tử, tăng tiện ích trong hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ công…

Ngày 10/10/2014, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 1018/QĐ-BHXH về sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi BHXH, BHYT. Theo đó, đã loại bỏ biểu mẫu, công văn, đơn đề nghị của đơn vị SDLĐ và NLĐ; loại bỏ nhiều tiêu thức không cần thiết trong mẫu biểu đăng ký tham gia và hưởng chế độ BHXH, BHYT, góp phần giảm thiểu thời gian DN giao dịch với cơ quan BHXH. Theo Quyết định 1018, cơ quan BHXH phải cử cán bộ nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại đơn vị SDLĐ, DN. Trường hợp không bố trí được cán bộ thì ký hợp đồng với Bưu điện để thực hiện.

Ngày 10/11/2014, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 84-CV/BCS yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP, Chỉ thị số 24/CT-TTg và Quyết định 1018/QĐ-BHXH. Trong đó, yêu cầu CCVC BHXH nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách BHXH, BHYT; tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ, kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu đối với DN và người dân. Đến cuối năm 2014, thời gian giao dịch nộp BHXH của DN với cơ quan BHXH đã giảm xuống còn 108 giờ.

Mới đây, ngày 18/12, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận phần mềm kê khai hồ sơ tham gia BHXH, BHYT qua mạng internet (iBHXH) từ Công ty Cổ phần TS24, sau quá trình thực hiện thí điểm đáp ứng được yêu cầu. Việc giao dịch qua iBHXH sẽ giảm phiền hà và những chi phí không cần thiết cho các cơ quan, DN. Sắp tới BHXH Việt Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về giao dịch điện tử; đồng thời, tiến hành đăng ký và thực hiện chữ ký số cho tất cả những cán bộ có trách nhiệm trong toàn Ngành.

Ngày 27/12, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế cũng đã ký Quy chế phối hợp công tác. Thực hiện Quy chế này, các DN được nhiều điểm lợi. Đầu tiên là việc sử dụng chữ ký số. Nếu sử dụng chữ ký số chung để giao dịch với cơ quan Thuế, cơ quan BHXH thì DN chỉ phải trả 1 lần phí cho giao dịch chữ ký số. Thứ hai, năm 2015 sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành KH-ĐT, Thuế, BHXH để sử dụng chung một mã số DN trong đăng ký DN, khai thuế, khai BHXH. DN chỉ cần khai báo đối với 1 cơ quan là sẽ được sử dụng chung, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch cho DN và người dân. 

hdnv 311214.jpg

* PV: Năm 2015 là năm bản lề, đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của ngành BHXH, đồng thời, cũng là thời điểm Ngành triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Vậy ngành BHXH sẽ tập trung vào các mảng công tác nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

- Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh: Về triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, đến nay cơ bản các bước chuẩn bị đã được hoàn tất. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 105/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Cuối tháng 12 vừa qua, Ngành cũng đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật cho BHXH các địa phương.

Đối với Luật BHXH (sửa đổi), những điểm mới của Luật đã khẳng định vị thế, vai trò rất quan trọng của ngành BHXH như: Được tham gia quản lý nhà nước, có chức năng thanh tra đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; có cơ chế quản lý tài chính đặc thù… Do đó, trong năm 2015, BHXH Việt Nam sẽ xây dựng trình Chính phủ cơ chế tài chính hoạt động theo Luật, phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngành.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH để  tham gia xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam cũng sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản thực hiện, văn bản quản lý trong Ngành sao cho phù hợp 2 Luật, từ công tác thu, sổ thẻ, chính sách BHXH, chính sách BHYT, tài chính kế toán, dược, vật tư y tế… Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, bởi phải có một hệ thống văn bản, quy trình thực hiện chính sách đồng bộ thì chúng ta mới có thể triển khai thực hiện tốt.

Một nhiệm vụ rất quan trọng và xuyên suốt của năm 2015 là tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt vấn đề cải cách TTHC. Trên cơ sở 2 Luật, phải rà soát toàn bộ thủ tục, quy trình cũ, ban hành quy trình mới phù hợp theo hướng đơn giản, rút gọn nhất. Đồng thời với đó là triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT. Theo lộ trình đến quý II/2015 sẽ triển khai toàn bộ xong về hạ tầng kỹ thuật (hệ thống mạng, phần cứng, phần mềm) và tổ chức tập huấn cho cán bộ trong Ngành, đơn vị SDLĐ để thực hiện giao dịch điện tử. Tuy nhiên, đối với mảng nghiệp vụ chưa thực hiện giao dịch điện tử được, vẫn tiếp tục cử cán bộ xuống tiếp nhận hồ sơ tại DN, hoặc thuê Bưu điện giao nhận. Đây là một sự chuyển biến căn bản về mặt nhận thức và tổ chức thực hiện, những việc trước đây DN làm thì nay chúng ta nhận lấy trách nhiệm đó.

Chúng ta cũng sẽ tăng cường đào tạo đội ngũ cộng tác viên Bưu điện, đại lý phường xã. Đặc biệt trong 2015, cơ quan BHXH địa phương phải phối hợp chặt chẽ với cán bộ làm chuyên trách về BHXH ở UBND các phường, xã, thị trấn, trong việc lập danh sách tham gia BHXH, BHYT. Nếu không phối hợp chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ. Đây là việc được Ngành hết sức quan tâm, trước hết là ban hành hệ thống văn bản, sau đó sẽ xây dựng phần mềm CNTT, cung cấp miễn phí cho các phường xã, giúp 2 bên trao đổi thông tin kịp thời điều chỉnh tăng- giảm đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

Một vấn đề nữa là, năm 2015 sẽ kết thúc 3 năm Ngành thực hiện cơ chế thí điểm thu nhập do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho phép. Do đó, cùng với việc xây dựng một cơ chế tài chính trình Chính phủ, chúng ta cũng cần tổng kết đánh giá lại cơ chế quản lý biên chế, lao động và tiền lương của Ngành trong 20 năm qua, đề xuất mô hình cho phù hợp với chức năng hoạt động của Ngành, tạo cơ chế để Ngành tự chủ được về mặt quản lý biên chế, tổ chức, tài chính, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ nhân dân, NLĐ ngày càng tốt hơn.

Xin cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!