Nghiệm thu Đề án thực trạng đời sống người nghỉ hưu, những giải pháp về cung cấp các dịch vụ xã hội

22/12/2014 06:56 AM


Sáng 19/12, BHXH Việt Nam tổ chức hội đồng nghiệm thu Đề án thực trạng đời sống người nghỉ hưu, những giải pháp về cung cấp các dịch vụ xã hội nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người nghỉ hưu. TS Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch hội đồng khoa học.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Phạm Đình Thành, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày nội dung chính của Đề án: Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về An sinh xã hội, nhất là hệ thống chính sách BHXH, BHYT cho người lao động, người nghỉ hưu. Tuy nhiên, chính sách đối với người nghỉ hưu thức tế mới chú ý đến tăng mức trợ cấp bù trượt giá là chủ yếu. Theo kết quả điều tra 02 năm (2012-2013) của Viện Khoa học BHXH cho thấy chỉ có 06 – 07 % số người về hưu sống bằng lương hưu, còn lại sống dựa vào gia đình, con cái và có tới trên 50% các cụ nghỉ hưu vẫn phải làm việc để đảm bảo cuộc sống. Dự báo dân số người cao tuổi tại Việt Nam sẽ tăng từ 10 triệu người năm 2015 lên 12,717 triệu người năm 2020 với tốc độ bình quân 4,8%/năm; tỷ lệ dân số cao tuổi (những người từ 60 tuổi trở lên) sẽ đạt ngưỡng 13.2% tổng số dân vào năm 2020. Theo dự báo của Quỹ dân số thế giới (UNFPA-2012) năm 2025 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già. Trong bối cảnh nước ta “cơ câu dân số già” đến trước khi nền kinh tế giầu có thì việc xử lý đảm bảo cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích càng gặp nhiều khó khăn, nên việc định hướng chiến lượng người cao tuổi Việt Nam rất cần được xem xét, lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu, thì cần có những nhu cầu, dịch vụ thiết yếu như, việc làm để bổ sung thu nhập; tư vấn chăm sóc sức khỏe tại gia; trợ cấp phục vụ cho người không tự phục vụ sinh hoạt cá nhân; trợ cấp dịch vụ dụng cụ sinh hoạt và phục hồi sức khỏe; xây dựng trung tâm nuôi dưỡng nghỉ hưu cô đơn… Các nhu cầu và các dịch vụ xã hội trên, nhất là các dịch vụ xã hội giành cho người nghỉ hưu, người cao tuổi sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người nghỉ hưu nhưng chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, hệ thống. Từ phần tích trên việc nghiên cứu đề tài “Thực trạng đời sống người nghỉ hưu, những giải pháp về cung cấp các dịch vụ xã hội nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người nghỉ hưu” là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách An sinh xã hội của đất nước.

Từ những thực tiễn đề ra, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách và phát triển dịch vụ xã hội nhằm cải thiện đời sống cho người nghỉ hưu như: tiếp tục phát triển số người tham gia BHYT, thực hiện BHYT toàn dân. Đối với BHXH cần có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu; thực hiện toàn bộ mức thu nhập từ người lao động làm căn cứ đóng BHXH… nghiên cứu và sớm đưa các loại hình bảo hiểm hưu trí bổ sung vào thực hiện; xây dưng mới và thực hiện chính sách BHXH chăm sóc; có các chính sách phúc lợi xã hội dành cho người nghỉ hưu nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần; ưu tiên việc làm cho người nghỉ hưu; phát triển hệ thống khám, chữa bệnh BHYT tại chỗ theo hình thức phòng khám bác sĩ gia đình và nâng cao năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tuyến y tế cấp xã, phường; từng bước cải thiện lương hưu gắn với khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu của Đề án nhằm tập trung nghiên cứu thực trạng đời sống vật chất và tinh thần của người nghỉ hưu, nghiên cứu hệ thống chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội giành cho người cao tuổi. Từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp về cung cấp dịch vụ xã hội nhằm cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của người nghỉ hưu cả về trước mắt và lâu dài.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính cấp thiết của việc nghiên cứu Đề án, có tính thực tiễn cao. Nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa các chính sách và chương trình hành động người cao tuổi ở Việt Nam; tổng hợp được những mô hình chăm sóc sức khỏe của các nước trên thế giới; tổ chức đánh giá, phân tích và tổng hợp để đưa ra những kết luận khá đầy đủ về tình trạng đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, người nghỉ hưu. Đề xuất nhiều giải pháp tổng hợp, cụ thể phù hợp với thực tế đặc điểm người cao tuổi, người nghỉ hưu ở nước ta. Tuy nhiên, các thành viên trong hội động cũng cho rằng, nhóm nghiên cứu cần nêu rõ thực trạng về chính sách của thời kỳ trước năm 1995, từ đó đưa ra kiến nghị sửa đổi chính sách BHXH cho phù hợp; bổ sung kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của các nước, cần rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; làm rõ nhân tố ảnh hưởng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi nói chung và người nghỉ hưu nói riêng…

TS Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao những kết quả của nhóm nghiên cứu. Đề án đã hệ thống, đánh giá được thực trạng đời sống của người nghỉ hưu, đề xuất những giải pháp hoàn thiện chính sách và phát triện hệ thống dịch vụ xã hội nhằm góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghỉ hưu. Đề án rất cần thiết trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu nhóm nghiên tiếp thu các ý kiến góp ý, đánh giá, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung nghiên cứu đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ hơn.Các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua Đề án./.

Nguồn TC BHXH