Bước đột phá trong bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người dân
04/12/2014 01:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/11/2014, Luật BHXH sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội với nhiều quy định mới liên quan trực tiếp cuộc sống, lao động của các tầng lớp nhân dân. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân dân đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thị Minh (trong ảnh), Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chung quanh bộ luật quan trọng này.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh
Phóng viên: Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, đồng chí đánh giá sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo đảm an sinh xã hội của đất nước?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của nước ta; tiến tới lộ trình bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, tiếp cận dần đến cân đối quỹ BHXH; bảo đảm công bằng xã hội và tính khả thi, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự đồng thuận của xã hội. Cùng với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc thông qua Luật BHXH lần này cụ thể hóa quyền được bảo đảm ASXH của công dân quy định tại Ðiều 34 của Hiến pháp. Luật BHXH sửa đổi đã quy định mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và song song với nó là các giải pháp để tổ chức, thực hiện. Như vậy, diện bao phủ BHXH, BHYT tăng lên, sẽ có nhiều người dân được bảo đảm ASXH hơn. Ðây chính là giải pháp phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, hơn 80% dân số tham gia BHYT như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã đề ra.
Phóng viên: Theo đồng chí, những điểm mới nổi bật trong Luật BHXH sửa đổi lần này là gì?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Luật BHXH sửa đổi lần này có nhiều điểm mới mang tính đột phá. Về đối tượng tham gia, Luật mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người đi làm việc theo quy định của pháp luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc được tham gia đóng BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Ðể khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, Luật không giới hạn trần tuổi tham gia như trước đây và bỏ quy định mức thu nhập tối thiểu đóng BHXH tự nguyện bằng mức lương tối thiểu chung; đồng thời sẽ có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện...
Về quyền của NLĐ, thay đổi cơ bản và lớn nhất là quy định NLĐ được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH, được người sử dụng lao động định kỳ cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH. Ðây là cơ sở quan trọng để NLĐ đối chiếu, giám sát trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động (quy định hiện hành giao cho người sử dụng lao động quản lý). Ngoài ra, Luật còn bổ sung một số quyền khác như quyền được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày...
Về chế độ, chính sách BHXH, nhìn chung các thay đổi đều hướng đến tính nhân văn, nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Các thay đổi lớn và cơ bản nhất chủ yếu tập trung ở hai chế độ: thai sản và hưu trí. Riêng đối với chế độ thai sản, lần đầu tiên trong chính sách BHXH, nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con với nhiều mức hưởng khác nhau tùy theo số con được sinh, phương thức sinh và cũng lần đầu tiên Luật quy định mang tính nguyên tắc về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ...
Phóng viên: Ðã có rất nhiều tranh luận trong việc sửa đổi, bổ sung chế độ hưu trí trong quá trình sửa đổi Luật BHXH lần này, đồng chí có thể cho biết rõ hơn những điểm mới của chế độ hưu trí của Luật?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Có thể nói việc sửa đổi, bổ sung chế độ hưu trí lần này thu hút nhiều luồng quan điểm khác nhau nhất. Chế độ hưu trí của chúng ta từ trước đến nay chưa bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, nếu tiếp tục duy trì thì trong tương lai không xa, quỹ BHXH sẽ không còn khả năng thanh toán, ảnh hưởng nặng nề đến các thế hệ tiếp theo.
Tôi cho rằng, trong lần sửa đổi này, chúng ta đã có những bước đi thận trọng để các thay đổi không tác động mạnh đến đời sống người nghỉ hưu. Một số điểm sửa đổi như: Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH; Ðiều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Mở rộng điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã, phường; Mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu đối với người thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Về việc tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay còn thấp có nguyên nhân từ điều kiện nghỉ hưu sớm còn khá rộng rãi, trong khi mức giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi không tương xứng. Vì vậy, Luật BHXH sửa đổi tăng tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi lên 2% là cần thiết để hạn chế việc nghỉ hưu trước tuổi và đây là một trong những giải pháp để cải thiện tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất. Một điểm mới nữa rất quan trọng là sửa đổi quy định điều kiện hưởng BHXH một lần để hạn chế tối đa việc hưởng BHXH một lần nhằm bảo đảm ASXH lâu dài... Có thể nói, các nội dung sửa đổi lần này về chế độ hưu trí đều hướng đến việc bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng xã hội và cải thiện một bước tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất, bảo đảm ASXH lâu dài cho người dân, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người nghỉ hưu có mức thu nhập tốt hơn.
Phóng viên: Cùng với những nội dung mới, Luật cũng đưa ra các quy định liên quan đến việc bảo đảm tuân thủ pháp luật BHXH, theo đồng chí, những thay đổi đó sẽ tác động thế nào đến việc thực hiện chính sách, pháp luật thời gian tới?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Tôi đặc biệt đánh giá cao việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc xây dựng cơ chế để Luật đi vào cuộc sống. Ðó chính là các giải pháp bảo đảm tính tuân thủ pháp luật về BHXH, là cơ chế quản lý, thanh tra, kiểm tra, cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan liên quan... Ðây thực chất là các quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và các chế tài xử lý vi phạm.
Riêng ngành BHXH, ngoài việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cơ quan BHXH còn được quyền yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình hồ sơ liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; quyền được cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cung cấp một số thông tin của tổ chức, cá nhân... Ðây là những nội dung rất quan trọng để chúng tôi nắm bắt được số lượng đơn vị sử dụng lao động, số lượng lao động cũng như biến động về lao động, tiền lương, tiền công làm cơ sở để tổ chức thu BHXH, giải quyết các chế độ BHXH và thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH.
Ngoài việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm làm cơ sở cho việc xây dựng các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, Luật còn quy định áp dụng mức tiền phạt lãi tính trên số tiền, thời gian chưa đóng, chậm đóng bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề (quy định hiện nay là bằng mức lãi suất đầu tư). Quy định này sẽ hạn chế được tình trạng các DN chiếm dụng số tiền đóng BHXH để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Cùng với việc giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH, Luật còn quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành... Tôi cho rằng, những công cụ hữu hiệu trên cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị sẽ giúp chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước giao cho.
Phóng viên: Ngành BHXH sẽ chuẩn bị những gì để triển khai hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Trước mắt, chúng tôi cần phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Nhiệm vụ tiếp theo và cũng hết sức quan trọng khác là công tác tổ chức thực hiện để đưa Luật vào cuộc sống. Trên cơ sở Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi và văn bản hướng dẫn thực hiện, BHXH Việt Nam, cần tập trung xây dựng các quy trình nghiệp vụ phù hợp; tập huấn, quán triệt nội dung Luật và các quy định về hồ sơ và quy trình nghiệp vụ của ngành phục vụ cho việc thực hiện Luật, bảo đảm xong trước ngày 01/01/2015 để thực hiện Luật BHYT sửa đổi và trước ngày 01/01/2016 để thực hiện Luật BHXH sửa đổi. Ngành BHXH cũng phải đổi mới về tổ chức và hoạt động; quyết liệt sang tác phong phục vụ, quán triệt và nắm chắc các quy định của pháp luật BHXH, BHYT.
Về công tác cán bộ, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành và quy chế công tác để đáp ứng được các quy trình nghiệp vụ theo quy định mới...
Về công tác tuyên truyền, phải đổi mới nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân, tập trung hơn ở cơ sở, tới các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong khu vực phi chính thức; cần phải làm cho người dân hiểu được sự thiết thực, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT nhằm ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo đảm ASXH của đất nước.
Ðẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình quản lý, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ, kết nối cơ sở dữ liệu trong toàn hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết chính sách, quản lý thu, chi BHXH, BHYT...; giảm thiểu các thủ tục hành chính tạo sự hài lòng đối với người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
Xác định công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, chúng tôi sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho cơ quan BHXH các cấp về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; phối hợp chính quyền địa phương quản lý tốt các đối tượng tham gia và thụ hưởng. Tăng cường quản lý giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT để một mặt bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đồng thời ngăn chặn các hành vi lạm dụng quỹ. Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, chú trọng đến công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra, góp phần làm giảm các trường hợp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, gian lận, giả mạo hồ sơ để trục lợi quỹ...
Theo: Báo Nhân dân
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...