Thảo luận một số nội dung về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

14/04/2014 09:34 AM


Ngày 10/04/2014, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tới dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh. Tham dự có các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Đình Khương, Đỗ Thị Xuân Phương cùng đại diện lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng trực thuộc BHXH Việt Nam.


Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ngày 31/10/2013, BHXH Việt Nam có văn bản số 4319/BHXH-CSXH gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Tuy nhiên, một số vấn đề đưa vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau, nổi bật tập trung 02 vấn đề về thanh tra chuyên ngành chính sách BHXH và chi phí quản lý BHXH.

Trong vấn đề thanh tra chuyên ngành chính sách BHXH, Dự thảo Luật (Điều 21) quy định tổ chức BHXH thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi Thanh tra Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền. Quy định này nhằm tăng cường lực lượng xử lý vi phạm về pháp luật BHXH, khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, diện bao phủ BHXH sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn có ý kiến cho rằng quy định này không thống nhất với Luật Thanh tra, Luật dân sự và Luật xử lý vi phạm hành chính. Vì cho rằng tổ chức BHXH là đơn vị sự nghiệp nên không có chức năng thanh tra.

Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Điều Bá Được cho rằng, tổ chức BHXH vừa có chức năng quản lý nhà nước, như ban hành các quyết định giải quyết hưởng chế độ BHXH, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ban hành các quy trình thực hiện chính sách kèm theo các biểu mẫu để áp dụng… vừa có chức năng của đơn vị sự nghiệp và chức năng tổ chức dịch vụ công phục vụ cho con người, nên BHXH thực chất là một tổ chức đặc biệt. Vì vậy, việc giao chức năng thanh tra cho tổ chức BHXH là có cơ sở. Mặt khác, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH diễn ra phổ biến, đặc biệt nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, lực lượng thanh tra Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quá mỏng, phạm vi thanh tra rất rộng nên công tác thanh tra, xử lý vi phạm về BHXH chưa đáp ứng được yêu cầu nên cần có giải pháp phù hợp.

Đồng chí Điều Bá Được phân tích: hiện nay xảy ra tình trạng vi phạm Luật BHXH lại có lợi hơn là việc chấp hành pháp luật, vì chế tài quy định xử phạt quá nhẹ. Chính vì vậy, cần sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt; bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội danh trốn đóng BHXH, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm; nghiên cứu bổ sung phương án giao thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH cho tổ chức BHXH thanh tra theo ủy quyền.

Theo Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Trần Thị Thúy Nga nhận định: lực lượng Thanh tra Ngành Lao động mỏng, kiêm nhiệm nhiều nội dung thanh tra, khó đáp ứng kịp thời nhiệm vụ. Vì vậy, việc giao cơ quan BHXH có chức năng xử phạt vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay để sửa Luật BHXH theo hướng giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH sẽ có nhiều khó khăn. Đồng chí Trần Thị Thúy Nga đề nghị: BHXH Việt Nam cần đưa ra giải pháp, phân tích chức năng đặc thù Ngành BHXH; đưa ra phương án thuyết phục khi giao cho BHXH chức năng thanh tra trước khi trình Quốc hội thông qua.

Về chi phí quản lý BHXH: theo quy định tại Điều 95, Điều 101 của Luật BHXH thì chi phí quản lý của cơ quan BHXH bằng mức chi phí quản lý hành chính. Tuy nhiên, tại Khoản 01, Điều 106 của Luật BHXH lại quy định “Tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các Quỹ BHXH theo quy định của Luật này”. Như vậy, Luật BHXH quy định về chi phí bộ máy của BHXH Việt Nam chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tính chất đặc thù của Ngành BHXH do hoạt động của Ngành là trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH. Dự thảo Luật BHXH quy định mức chi quản lý BHXH được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số thực thu BHXH hàng năm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; mức cụ thể do Chính phủ quy định, tối đa không quá 03%.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính Đỗ Thị Thúy Hằng lập luận: Việc quy định mức chi quản lý BHXH tối đa không quá 03% sẽ rất khó khăn cho Ngành BHXH thực hiện nhiệm vụ. Khi tính tổng mức chi quản lý BHXH cho các hoạt động sẽ cao hơn 03%. Vì vậy, cần phân tích chức năng, nhiệm vụ đặc thù của Ngành BHXH để xác định mức thu, chi cho hợp lý.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật BHXH, do đó cần có sự thống nhất của các Bộ, ngành trước khi trình Quốc hội thông qua. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị: các Ban chuyên môn cần có báo cáo đánh giá, tính toán giải trình chi phí quản lý bộ máy BHXH Việt Nam. Nêu rõ thực trạng chi phí ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ… của BHXH Việt Nam hiện nay là rất thấp, vì vậy cần có đề nghị nâng tỷ lệ % so với mức trình ban đầu; có báo cáo trình Chính phủ quy định theo tỷ lệ chi theo mức thu 05 năm so với quy định. Nêu rõ thực trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH lớn, mức xử phạt nhẹ; bộ máy Thanh tra Lao động – Thương binh và Xã hội mỏng, kiêm nhiệm nhiều nội dung thanh tra… để giải trình sự cần thiết giao chức năng thanh tra giao cho Ngành BHXH../.

Nguồn TC BHXH