BHXH Việt Nam: Tổng kết nghiên cứu khả thi triển khai hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ
26/11/2012 08:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 22/11/2012, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị tổng kết Dự án nghiên cứu khả thi triển khai hệ thống thông tin bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh. Tham dự có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng; ông ShinTae Shik, Phó Chủ tịch Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (COMWELL); ông Kim Nam Gyu, Giám đốc dự án, Cơ quan Thúc đẩy Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA) và đại diện một số ban nghiệp vụ trực thuộc BHXH Việt Nam.
Ông Kim Nam Gyu, Giám đốc dự án, Cơ quan Thúc đẩy Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA), đại diện phía Hàn Quốc công bố Dự án nghiên cứu khả thi triển khai thực hiện hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ cho BHXH Việt Nam. Được tiến hành từ tháng 06 – 10/2012, với sự phối hợp của NIPA, COMWELL, Đại học Soongsil Vietnam và BHXH Việt Nam, dự án nhằm nghiên cứu khả thi thực hiện hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ thông qua phân tích môi trường CNTT và truyền thông (ICT) của BHXH Việt Nam; quy trình thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động; hiệu quả kinh tế, hiệu quả mong đợi; thiết kế mô hình thí điểm, cấu trúc của hardware (phần cứng) - software (phần mềm) - network (hệ thống mạng) cho chế độ TNLĐ… Ngoài ra, còn giới thiệu chương trình đào tạo cho cán bộ nghiệp vụ bảo hiểm TNLĐ/ICT, cũng như đề xuất hệ thống thí điểm bảo hiểm TNLĐ. Sau khi tiến hành thu thập dữ liệu, khảo sát, phỏng vấn, phân tích, đánh giá… các bên tham gia dự án thống nhất định hướng của hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ trong tương lai ở Việt Nam là hướng tới phục vụ đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ; tập trung vào quy trình công việc; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất; tham mưu, bổ sung, chỉnh sửa luật, quy định cho phù hợp với thực tế; thiết lập vận hành tổ chức, quản lý CNTT và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Theo đó, mô hình đề xuất hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ sẽ gồm các nghiệp vụ như hỗ trợ đăng ký; hỗ trợ thanh toán; quản lý nợ; dịch vụ chăm sóc y tế; đền bù; phục hồi chức năng; yêu cầu về lương; quản lý đánh giá và quản lý khiếu kiện (hành chính, dân sự). Đồng thời, đại diện NIPA cũng cho biết, muốn mô hình này vận hành một cách trơn tru thì yếu tố con người rất quan trọng. Ở Hàn Quốc, một nhân viên mới thường phải học khóa đào tạo cơ bản (04 tuần) về chế độ, chính sách và kỹ năng thực tế sử dụng máy tính. Sau đó, trong quá trình làm việc, tùy theo vị trí đảm nhận, họ tiếp tục được theo các khóa tổng quát (06 tuần, về đền bù, dịch vụ chăm sóc y tế, phục hồi) và khóa chuyên sâu (04 tuần, tiêu chuẩn tính toán chế độ đền bù cho người lao động, thẩm định TNLĐ, chi trả phục hồi nghề nghiệp, chi trả các chế độ mất khả năng lao động vĩnh viễn…). Đồng thời, để hiện đại hoá quy trình quản lý hồ sơ - từ thủ công, tiến đến tự động hoá và hiện tại là hoàn toàn tự động hoá - cần phải có thời gian, hạ tầng cơ sở tốt cũng như sự tin tưởng của người dân.
Thay mặt BHXH Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm CNTT, đánh giá Dự án nghiên cứu khả thi triển khai thực hiện hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ, với 03 “sản phẩm” chính gồm tài liệu dự án - sản phẩm chạy thử demo quy trình nghiệp vụ - một số máy chủ, software (phần mềm)... thực sự là những tư liệu quý đối với cán bộ quản lý cũng như cán bộ nghiệp vụ của BHXH Việt Nam. Mặc dù việc áp dụng hệ thống thông tin bảo hiểm TNLĐ theo mô hình Hàn Quốc chưa thể tiến hành trong tương lai gần do Việt Nam còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực, hạ tầng máy móc, cơ sở dữ liệu… song Trung tâm CNTT nói riêng và BHXH Việt Nam nói chung sẽ học hỏi kinh nghiệm để từ đó tiếp tục nghiên cứu mô hình phù hợp và hiệu quả.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...