Tổng kết 01 năm thí điểm quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua Bưu điện

21/11/2012 08:58 AM


Sáng 19/11, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết một năm thí điểm công tác quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý BHXH, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng chủ trì hội nghị.


Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng phát biểu kết luận Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thanh viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, đồng chí Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Vina Post), đồng chí Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo đại diện các vụ, cục thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh&Xã hội, các ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam, Vina Post và đại diện lãnh đạo UBND, BHXH, Bưu điện 12 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đúng, đủ và kịp thời

Báo cáo tổng kết 01 năm thực hiện thí điểm quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện của BHXH Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trình bày tại Hội nghị cho biết, việc thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh, trong đó có 11 tỉnh đã triển khai trên toàn bộ địa bàn, riêng tỉnh Nghệ An mới thực hiện tại 5 huyện là Anh Sơn, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò; với 124 huyện/tổng số 139 huyện (còn 15 huyện tại tỉnh Nghệ An chưa thực hiện); tại 1.649 xã/ tổng số 2.049 xã với số điểm chi trả do hệ thống Bưu điện thực hiện là 2002 điểm.

Đến tháng 10/2012, Bưu điện 12 tỉnh đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 174.374 người hưởng, chiếm 6% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của cả nước; với số tiền đã chi trả hàng tháng là 453 tỷ đồng, (số người đến nhận tiền hàng tháng đạt tỷ lệ 98,9%); tổng số phí dịch vụ cơ quan BHXH trả cho Bưu điện các tỉnh 2,3 tỷ đồng/tháng.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số điểm chi trả do Bưu điện thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt, tương đương với số điểm chi trả do Đại diện chi trả xã, phường trước đây thực hiện trên địa bàn. Tháng đầu tiên khi Bưu điện thực hiện chi trả, hầu hết các điểm chi trả đều được giữ nguyên tại địa điểm cũ để tạo thuận lợi cho người hưởng. Từ tháng thứ hai, Bưu điện thực hiện phương án di chuyển dần các điểm chi trả trước đây của cơ quan BHXH về địa điểm giao dịch của hệ thống Bưu điện đảm bảo theo nguyên tắc điểm mới thuận tiện cho người hưởng, không xa hơn điểm chi trả cũ và phải được sự đồng thuận từ phía người hưởng.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đối với vấn đề quản lý người hưởng- một công việc phức tạp ngay cả với Bảo hiểm xã hội- tại thời điểm tháng 10/2012, Bưu điện đang thực hiện quản lý 174.374 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do Bưu điện trực tiếp chi trả và trên 5.000 người hưởng nhận qua thẻ ATM. Hàng tháng, cơ quan Bưu điện đã thực hiện báo giảm số người hưởng chết, bị phạt tù giam cho cơ quan BHXH, tuy nhiên đây là công việc mới của cơ quan Bưu điện nên trong thời gian đầu triển khai vẫn còn lúng túng. Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Đình Khương, Bưu điện đã có sự phối hợp tốt với UBND các cấp, cán bộ tư pháp, các tổ hưu trí tại các khu dân cư, hoặc ký hợp đồng với các đại diện chi trả trước đây để thực hiện báo cáo tăng, giảm người hưởng nhờ đó công tác báo giảm được kịp thời. Tại các Bưu điện trung tâm có bố trí cán bộ làm đầu mối phụ trách công tác quản lý đối tượng, để phối hợp cùng cơ quan BHXH thực hiện.

Đặc biệt tại Long An, Bưu điện tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình phần mềm quản lý đối tượng hưởng lương hưu, chế độ BHXH qua hệ thống Bưu điện. Với chương trình này, đơn vị đã thu thập, quản lý và cập nhật tất cả những thông tin cần thiết, liên quan đến đối tượng như: Ngày, tháng, năm sinh, đơn vị công tác trước đây, địa chỉ cụ thể, số điện thoại…(trước đây việc quản lý đối tượng chỉ được thực hiện thủ công và chỉ theo dõi đến địa bàn xã, phường, thị trấn không có địa chỉ cụ thể cũng như không có số điện thoại nên việc liên lạc, quản lý đối tượng gặp không ít khó khăn).

Về thực hiện quy trình chi trả và thanh quyết toán, nhìn chung Bưu điện đã thực hiện đúng quy trình chi trả do BHXH quy định, chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng lịch, khi chi trả thực hiện kiểm tra các thủ tục theo đúng quy định (chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy lĩnh thay), hướng dẫn người hưởng ký tên vào Danh sách, yêu cầu người hưởng kiểm đếm lại tiền tránh nhầm lẫn; phối hợp chặt chẽ với cán bộ BHXH để giải đáp thắc mắc của người hưởng.

Hàng tháng, niêm yết công khai tại các điểm chi trả theo đúng yêu cầu của cơ quan BHXH gồm: Danh sách tăng, Danh sách giảm, Danh sách điều chỉnh, lịch chi trả và các thủ tục hành chính có liên quan đến người hưởng để người hưởng tiện theo dõi, thực hiện

Công tác tổng hợp chứng từ, báo cáo số liệu, thanh quyết toán, chuyển nộp tiền, danh sách chi trả giữa cơ quan BHXH huyện, thị xã và Bưu điện huyện, thị xã thực hiện kịp thời và đúng theo Hợp đồng đã ký kết giữa ngành BHXH và ngành Bưu điện.

Tỷ lệ chi trả bình quân đạt 98%, số chậm lĩnh thấp

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Vina Post) cho biết, trong suốt quá trình triển khai, Tổng Công ty và các Bưu điện tỉnh, Bưu điện huyện đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ phía cơ quan BHXH các cấp, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ Bưu điện thực hiện tốt công tác tổ chức chi trả và quản lý người hưởng theo đúng quy định, tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của các đối tượng hưởng và dư luận xã hội.

Tỷ lệ chi trả thành công tại các địa phương đạt mức cao, hầu hết các đơn vị đều đạt tỉ lệ chi trả bình quân trên 98%. Một số huyện luôn đạt tỉ lệ chi trả 100% như: Lạc Dương, Cát Tiên (Lâm Đồng); Bắc Bình, Phú Quý (Bình Thuận); Sông Hinh, Sông Cầu,Tuy An (Phú Yên); Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Tân Hưng, Tân Trụ, Mộc Hóa, Đức Huệ, Tân Thạnh (Long An).

Theo đồng chí Phó Tổng Giám đốc Vina Post, những trường hợp chưa nhận thường rơi vào đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp và tai nạn lao động, là do các nguyên nhân: Giấy hẹn giải quyết chi trả thường sau ngày chi trả; Một số đối tượng hưởng trợ cấp tuất, trợ cấp thất nghiệp do số tiền được hưởng hàng tháng ít nên có nguyện vọng nhận theo quý (một số huyện thuộc Bắc Kạn, Phú Yên); Đối tượng hưởng đi vắng, không đến nhận không ủy quyền cho người lĩnh thay hoặc tạm thời đi khỏi nơi cư trú; Đối tượng hưởng sống tại các thành phố có cuộc sống ổn định hơn do có nhiều nguồn thu khác nhau nên không gấp gáp trong việc nhận lương hưu.

Cũng theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, công tác bảo đảm an toàn tiền mặt và an ninh tại điểm chi trả được đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình quản lý tiền mặt đối với các dịch vụ của Tổng Công ty. Ngay khi bắt đầu triển khai, các đơn vị đã xây dựng và ban hành các quy trình tạm ứng tiền chi trả và thanh quyết toán; quy định bảo quản tiền trước và sau khi chi trả. Công tác vận chuyển, bảo vệ tiền thực hiện theo đúng phương án đã xây dựng và được BHXH Việt Nam và Tổng Công ty phê duyệt. Việc vận chuyển tiền đến các điểm chi trả sử dụng xe chở tiền hoặc xe bưu chính chuyên dụng đối với các điểm, các tuyến chi trả có số tiền lớn (trên 100 triệu). Đối với các điểm số lượng tiền ít, các đơn vị sử dụng phương tiện xe máy để vận chuyển, có nhân viên bảo vệ đi kèm. Một số địa phương phối hợp với lực lượng công an, tự vệ địa phương thực hiện công tác bảo vệ tiền trong quá trình vận chuyển và chi trả.

Các điểm chi trả là bưu cục của Bưu điện được trang bị két sắt đầy đủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn phù hợp với quy mô tiền mặt, chống trộm, chống cháy nổ. Tiền mặt chưa chi trả hết trong ngày phải lưu giữ tại kho quỹ theo đúng quy định quản lý của Tổng Công ty. Ngoài ra tùy theo tình hình thực tế tiền mặt lưu quỹ phục vụ sản xuất kinh doanh, các đơn vị đã linh hoạt điều chuyển nguồn tiền để thực hiện chi trả mà không phải thực hiện vận chuyển tiền. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, chưa xảy ra tình trạng mất an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm.

Để đảm bảo tính khách quan trong việc đánh giá về công tác quản lý người hưởng, tìm hiểu yêu cầu và mong muốn của người hưởng với mục đích phục vụ ngày càng tốt hơn, BHXH Việt Nam và Bưu Điện đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá của người hưởng về công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Bưu điện vào 2 đợt: Đợt 1 vào tháng 11/2011 tại 4 tỉnh triển khai giai đoạn 1 (Bắc Kạn, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Yên), đợt 2 vào tháng 10/2012 tại toàn bộ 12 tỉnh thí điểm. Nội dung và mẫu phiếu lấy ý kiến được BHXH Việt Nam và Tổng Công ty thống nhất ban hành. Ý kiến được lấy tại 100% số điểm chi trả với số lượng phiếu thu về đạt trên 60% tổng số người hưởng.

Xây dựng Đề án trả lương hưu qua Bưu điện theo lộ trình

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Bạch Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý BHXH, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam biểu dương những kết quả mà hệ thống Bưu điện và cơ quan BHXH 12 tỉnh, thành phố đạt được sau 1 năm thực hiện thí điểm quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Với vai trò là một doanh nghiệp công ích, Bưu điện đã tiếp cận và triển khai khá tốt công tác quản lý, chi trả lương hưu. Đồng chí Lê Bạch Hồng cũng yêu cầu Vina Post cần tiếp tục đánh giá, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để tiếp tục khắc phục tthời gian tới, hướng tới phục vụ người lương hưu ngày càng tốt hơn, đó là việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; phối hợp với BHXH các địa phương tập huấn nghiệp vụ chính sách BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ bưu điện làm công tác chi trả lương hưu, tăng cường công tác quản lý đối tượng chặt chẽ hơn nữa, hướng tới thực hiện 08 chữ: Đúng, đủ, kịp thời, thuận lợi, an toàn. Với những kết quả tích cực sau 1 năm thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam hoàn thiện báo cáo và xây dựng Đề án chi trả lương hưu qua Bưu điện theo lộ trình phù hợp trình Hội đồng quản lý BHXH và Chính phủ xem xét./.

Năm 2012, tổng số 12 tỉnh triển khai thí điểm, Bưu điện đã tổ chức 2.002 điểm chi trả/1.649 xã, phường, thị trấn, đảm bảo yêu cầu tối thiểu mỗi xã, phường có 01 điểm chi trả.

Tính đến hết kì chi trả tháng 10/2012, các đơn vị đã thực hiện chuyển dời 894 điểm chi trả về địa điểm của Bưu điện. Cụ thể, tại Bắc Cạn 67/136 điểm, Phú Yên 46/103 điểm, Đăk Nông 24/59 điểm, Lâm Đồng 97/171 điểm, Bình Thuận 27/121 điểm, Cần Thơ 45/85 điểm, Đăk Lăk 37/172 điểm, Long An 175/188 điểm, Tuyên Quang 23/341 điểm, Nghệ An 25/54 điểm, Quảng Trị 158/377 điểm, Quảng Nam 170/234 điểm.

Phản ánh của người hưởng về phương thức chi trả qua Bưu điện

Tại 12 tỉnh thực hiện thí điểm BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức lấy ý kiến đánh giá của người hưởng về công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Bưu điện. Ý kiến người hưởng được lấy tại 100% số điểm chi trả với tổng số phiếu lấy ý kiến người hưởng 119.836 phiếu (đạt 60% trên tổng số người hưởng do Bưu điện chi trả). Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết người hưởng đã có sự đồng thuận, nhất trí với công tác quản lý, chi trả của Bưu điện, nhiều người hưởng đã đánh giá cao phong cách phục vụ và cách thức tổ chức chi trả của Bưu điện:

-Về lịch chi trả của Bưu điện: Thuận tiện đạt 86%

-Về quy trình, thủ tục của Bưu điện: Phù hợp đạt 87%

-Về thái độ phục vụ của nhân viên Bưu điện khi tiếp nhận và xử lý những thông tin của người hưởng: Rất tốt đạt 67%, tốt đạt 26%

-Về thời gian chờ nhận lương hưu và các chế độ BHXH do Bưu điện chi trả: Rất nhanh đạt 60%, nhanh đạt 30%.

-Về cơ sở vật chất của các điểm chi trả của Bưu điện: Tốt đạt 80%

-Về việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH do Bưu điện đang thực hiện: Làm rất tốt đạt 68%, làm tốt đạt 25%.

Nguồn TC BHXH