Đối thoại trực tuyến: “BHXH - An toàn quỹ vì người lao động”
29/05/2014 08:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ 9h30 sáng nay (thứ Tư, 28/5), Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chương trình Đối thoại trực tuyến với chủ đề: “BHXH-An toàn quỹ vì người lao động”. Tham dự cuộc đối thoại có Thứ trưởng, TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng lãnh đạo một số ban chuyên môn của BHXH Việt Nam.
Thứ trưởng, TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh (ngồi giữa) cùng lãnh đạo một số ban chuyên môn của BHXH Việt Nam tham gia Đối thoại trực tuyến “BHXH - An toàn quỹ vì người lao động”
Cuộc Đối thoại tập trung thảo luận, trao đổi nhằm cung cấp thông tin chính xác, cụ thể về những vấn đề thuộc lĩnh vực BHXH mà dư luận đang quan tâm.
Nợ BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động
Tình trạng nợ BHXH, BHYT xảy ra tại hầu hết các địa phương. Tính đến hết tháng 12/2013, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó: nợ BHXH trên 4,7 nghìn tỷ đồng; nợ BHTN trên 0,3 nghìn tỷ đồng và nợ BHYT trên 1,4 nghìn tỷ đồng). Tính đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 11 nghìn tỷ đồng (trong đó: nợ BHXH trên 7,4 nghìn tỷ đồng; nợ BHTN trên 0,5 nghìn tỷ đồng và nợ BHYT trên 3,1 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH như thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ BHXH...
Sở dĩ tình trạng nợ BHXH ngày càng gia tăng là do hiện nay số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là khoảng trên 500 nghìn doanh nghiệp, nhưng thực tế có khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH, như vậy có đến 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH. Theo thống kê của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm.
Mặt khác, BHXH còn thất thu số tiền 24 nghìn tỷ đồng/năm do nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH. Hiện nay, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia BHXH của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước khoảng 2,8 triệu đồng; theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng.
Từ thực trạng trên, cơ quan BHXH đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục như: phối hợp kiểm tra liên ngành, thành lập tổ thu nợ liên ngành, đăng lên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đơn vị nợ tiền BHXH và thực hiện việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa án dân sự... nhưng kết quả còn hạn chế.<
Cần tăng cường chức năng thanh tra xử phạt cho ngành BHXH
Theo ý kiến trao đổi, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra như vậy có một trong những nguyên nhân là việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được kịp thời. Theo quy định hiện nay, ngành BHXH không được giao chức năng thanh tra xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này. Hai ngành được giao chức năng này là Lao động – Thương binh và Xã hội có khoảng 500 cán bộ thanh tra; Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra mà thực hiện chức năng thanh tra rất nhiều lĩnh vực, thanh tra về BHXH chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Số doanh nghiệp hai ngành tiến hành thanh tra được rất ít, chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT.
Với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có kiến nghị tăng cường thêm chức năng thanh tra, xử lý vi phạm cho BHXH Việt Nam. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 20.500 cán bộ (trong đó có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra) thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thu, nộp BHXH, BHYT đối với các đơn vị ít nhất 01 năm/1lần. Những năm gần đây, công tác kiểm tra của tổ chức BHXH đã được tăng cường, từng bước đi vào nề nếp và trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý của ngành. Các năm vừa qua, cơ quan BHXH các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về BHXH nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm chưa được xử lý ngay mà kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Với lực lượng cán bộ đông đảo theo 3 cấp từ trung ương đến cấp huyện, ngành BHXH đủ khả năng đảm nhiệm thêm chức năng này.
Hiện nay, một số nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Xingapore, Malaysia… tuy tổ chức BHXH được gọi với nhiều tên khác nhau nhưng đều được trao quyền vừa thu, vừa chi, quản lý đầu tư quỹ và thanh tra xử phạt như cơ quan Nhà nước. Tổ chức BHXH có quyền thanh tra tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động, nếu cố tình không khai báo, trốn đóng, chậm đóng BHXH thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Pháp luật BHXH. Sau khi xử lý xử phạt vi phạm hành chính tổ chức BHXH có quyền yêu cầu tòa án cưỡng chế và khởi tố dân sự, hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH tùy theo mức độ để áp dụng và yêu cầu các tổ chức liên quan tiến hành các hoạt động kiểm toán, tòa án, tịch thu và bán tài sản của doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phải tuyên bố phá sản, để thu hồi tiền trốn, nợ tiền đóng BHXH vào quỹ BHXH.
Về vấn đề này, Thứ trưởng, TGĐ Nguyễn Thị Minh cho biết: Từ thực tế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ở Việt Nam và kinh nghiệm quản lý, thanh tra xử lý vi phạm ở các nước, BHXH Việt Nam đề nghị sửa khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật BHXH theo hướng trao quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng hưởng BHXH. Trong thời gian tới, nhất là trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra hàng loạt giải pháp thì tình trạng nợ đọng BHXH chắc chắn sẽ không còn như hiện nay, quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo hơn.
Chi phí quản lý của ngành BHXH sẽ giảm
Trước khi Luật BHXH ban hành năm 2006 thì mức dự toán trên số thu BHXH hàng năm là 4,5% trên tổng số thu và giảm dần đến năm 2006 là 3,6%. Sau khi Luật BHXH ban hành, căn cứ quy định của Luật và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam; dự toán thu chi của BHXH được giao trên số thu BHXH hàng năm dao động ở mức 3 – 3,43% một năm. Chi phí bộ máy của Ngành BHXH tập trung vào hai nội dung lớn: Chi phục vụ quản lý, phát triển đối tượng tham gia; quản lý, lệ phí chi trả cho người hưởng hàng năm và Chi trực tiếp cho hoạt động bộ máy của Ngành. Những năm qua ngành BHXH luôn thực hành tiết kiệm trong chi phí quản lý theo đúng quy định của Chính phủ.
Trên thế giới, hiện nay chi phí quản lý bộ máy ở một số nước là Phần Lan là 3,4%, Thái Lan là 6,3%, Áo là 4,9%, Bỉ là 6,1%... trên tổng số chi; Indonexia là 11,7%, Philippin từ 6,5 – 11%, trên tổng số thu. Nếu so sánh về khoa học công nghệ, phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý thì các nước Pháp, Nhật, Niu Di-lân, Ai-xơ-len, Ai Cập có sơ sở hạ tầng và phương thức quản lý hiện đại hơn hẳn Việt Nam mà chi phí quản lý ở mức tương đương.
Theo Thứ trưởng, TGĐ Nguyễn Thị Minh, để xác định chi phí quản lý BHXH một cách đơn giản, chặt chẽ, chính xác, đầy đủ có sự giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và tạo điều kiện cho Ngành BHXH chủ động về nguồn kinh phí hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi và quản lý quỹ BHXH thì cần được giao linh hoạt và ổn định hơn. BHXH Việt Nam kiến nghị sửa đổi, bổ sung về chi phí quản lý theo hướng lấy từ nguồn sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ BHXH tính trên số thực thu hàng năm; mức chi cụ thể do Chính phủ quy định sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội định kỳ 3 – 5 năm 1 lần.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: Thời gian tới, chiến lược phát triển của Ngành BHXH là tăng độ bao phủ BHYT, tăng đối tượng tham gia BHXH. Với yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin và phát triển đối tượng yêu cầu Ngành phải tăng cường chi phí đầu tư. Khi chính sách BHXH ngày càng ổn định, tốc độ phát triển đối tượng đáp ứng yêu cầu và hiện đại hóa được việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sẽ dẫn tới giảm biên chế một số vị trí làm việc và chi phí quản lý sẽ giảm.
Để khắc phục được những bất cập hiện nay, nhằm bảo đảm thực hiện quyền lợi cho người lao động ngày càng tốt hơn thì việc sửa đổi Luật BHXH hiện hành là rất cần thiết, nhất là vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc; sửa độ tuổi nghỉ hưu và mức lương đóng BHXH; tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH; tập trung vào đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH; bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH…/.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...