Bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự sửa đổi

10/06/2014 08:20 AM


Ngày 06/6/2014, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự sửa đổi. Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp, các thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo một số Ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH 15 tỉnh, thành phố miền Bắc, Trung bộ.

 


Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ, trong những năm gần đây các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, việc xử lý những hành vi vi phạm về BHXH, BHYT còn hạn chế, chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe, do đó việc đặt ra vấn đề hình sự hoá một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT là hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn Quốc hội đang xem xét sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự.

Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT

Báo cáo của BHXH Việt Nam chỉ rõ: Các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT rất đa dạng, xảy ra ở tất cả các khâu, như: lập tờ khai cấp sổ lần đầu, quy trình cấp lại sổ BHXH, ghi và xác nhận thời gian công tác, thời gian tham gia BHXH; thu, nộp BHXH, BHYT; quản lý hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, sử dụng các khoản tiền đóng góp vào quỹ BHXH, BHYT không đúng quy định... và chủ thể vi phạm đa dạng, bao gồm: người tham gia BHXH, BHYT (người lao động, người sử dụng lao động), người thụ hưởng BHXH, BHYT (người lao động) hoặc cán bộ làm công tác BHXH, các cơ sở khám chữa bệnh…

Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT liên quan đến quá trình thu, chi và quản lý quỹ tài chính được sử dụng chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động nên khả năng xảy ra vi phạm và tội phạm về lĩnh vực BHXH không nằm ngoài quá trình thu, chi, giải quyết chính sách và quản lý quỹ BHXH, BHYT. Căn cứ vào thực tế vi phạm, có thể chia những vi phạm về BHXH thành 3 nhóm chính: Nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT;  Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT; Nhóm hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT.

Về nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT gồm ba dạng hành vi: Hành vi của người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, hành vi của người sử dụng lao động tuy tham gia BHXH cho người lao động nhưng không nộp tiền cho cơ quan BHXH đúng thời hạn mặc dù họ đã khấu trừ tiền đóng BHXH từ tiền lương của người lao động và hành vi của người sử dụng lao động không đóng BHXH đúng tiền lương, tiền công theo quy định cho người lao động.

Minh chứng cho điều này thì tính từ năm 2007 đến hết năm 2013,  số nợ BHXH, BHYT tăng cao. Nếu như năm 2007 số nợ là 1.734 tỷ đồng thì đến hết năm 2013 tổng số nợ đã là trên 6,4 nghìn tỷ và tính đến 31/3/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã trên 11 nghìn tỷ. Việc này dẫn đến quyền lợi của rất nhiều lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT bao gồm: vi gian lận BHXH, tổ chức gian lận BHXH và các hành vi tạo điều kiện cho người khác gian lận BHXH. Những hành vi gian lận này, trước hết gây thiệt hại cho quỹ BHXH và qua đó gián tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của người lao động tham gia BHXH. Qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện không ít trường hợp người lao động, người sử dụng lao động có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm sai lệch, giả mạo hồ sơ để hưởng BHXH, BHYT như: người lao động mượn tên hoặc hồ sơ của người khác để làm việc và đăng ký tham gia BHXH; đề nghị cấp lại sổ để tính lại thời gian đã hưởng trợ cấp BHXH một lần; kê khai, xác nhận khống để bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH, đặc biệt là thời gian trước năm 1995.

Nhóm các hành vi liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT xảy ra trong lĩnh vực giải quyết hưởng chế độ BHXH, các hành vi vi phạm từ phía cán bộ BHXH như: Nhập không đúng dữ liệu đã ghi trên sổ BHXH để giải quyết chế độ, điều chỉnh lại mức hưởng lương hưu sai quy định, sửa chữa cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, sửa chữa cơ sở dữ liệu xét duyệt hưởng BHXH một lần, trợ cấp tuất một lần, giải quyết hưởng BHXH không có sổ BHXH…; trong lĩnh vực BHYT có các hành vi vi phạm như: Hành vi câu kết, móc nối để bán thẻ cho người có nhu cầu khám, chữa bệnh; đưa người nhà vào danh sách cấp thẻ BHYT; …

Ngoài ra, còn có các hành vi gián tiếp tạo cơ hội để người khác lạm dụng như: Tiếp tay cho cơ sở khám chữa bệnh là sai để hưởng lợi cá nhân; thông đồng với cơ sở KCB để trục lợi.

Phát hiện nhiều, xử lý ít

Ông Phan Văn Mến, trưởng ban Pháp chế, BHXH Việt Nam cho biết: Tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT mặc dù diễn ra ngày càng phức tạp và xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước nhưng việc xử phạt, khởi kiện các đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên trong thực tế số đơn vị vi phạm nhiều nhưng số vụ việc được xử lý còn quá ít và chậm trễ.

Theo thống kê cho thấy: từ năm 2007 – 2013, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra 41.460 đơn vị, số tiền phải thu hồi là 82.455,6 triệu đồng nhưng chỉ thu hồi được 33.972,6 triệu đồng. Từ năm 2008 – 2013, thông qua các đợt thanh kiểm tra liên ngành, số đơn vị BHXH Việt Nam đề nghị xử phạt vi phạm hành chính là 5.289 nhưng số đơn vị đã xử phạt chỉ có 949.

Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ngành BHXH đã áp dụng các giải pháp nhưng hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam chỉ dừng lại ở việc phát hiện, đề nghị, kiến nghị xử lý, không có thẩm quyền xử phạt nên hiệu quả chưa cao.

Các vi phạm pháp luật BHXH, BHYT xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao; pháp luật quy định về BHXH, BHYT còn nhiều kẽ hở; việc quy định các chế tài xử phạt các vi phạm chưa đủ sức răn đe khiến việc lợi dụng pháp luật để trục lợi càng trở nên phổ biến và ngày càng nghiêm trọng.

Luật BHXH, BHYT đều quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên trong Bộ luật Hình sự hiện hành lại không có quy định tội danh cụ thể đối với hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nên còn có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, các chế tài hành chính và dân sự với mức xử phạt thấp đã không còn đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Từ thực trạng này, BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung 02 tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự, bao gồm: Tội trốn đóng BHXH, BHYT và Tội chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động.


Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều thống nhất cao, việc hình sự hoá các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT là hết sức cần thiết. Cần có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hai loại tội danh này, các hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đền quyền lợi của người lao động, vi phạm nghiêm trọng quyền được đảm bảo An sinh xã hội của mọi công dân đã được Hiến pháp 2013 bảo vệ, gây nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn xã hội.

Các đại biểu cũng đề cập, đây mới chỉ là những tổng hợp, nghiên cứu ban đầu. Để có thể cụ thể hoá các tội danh vi phạm pháp luật BHXH, BHYT cần được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành làm rõ hơn hình sự hoá các hành vi vi phạm pháp luật BHXH ở lĩnh vực nào, mức độ vi phạm nào để vừa đảm bảo không để lọt tội phạm, vừa không vi phạm nguyên tắc hình sự hoá các quan hệ dân sự. Hình sự hoá các hành vi vi phạm pháp luật BHXH phải được đặt trong tổng thể các yêu cầu của Luật Hình sự, đảm bảo tính đồng bộ giữa hình sự và hành chính, của hệ thống pháp luật….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo toàn ngành rà soát lại các quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác thanh kiểm tra để hạn chế các hành vi vi phạm. BHXH Việt Nam nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện các đề nghị của mình nhằm bảo vệ tối đã quyền lợi của người lao động.

Sau Hội nghị tại khu vực phía Bắc, Hội nghị tại khu vực phía Nam sẽ được tổ chức ngày 13/6./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn