Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh tiếp đoàn Ngân hàng Thế giới (WB)

06/06/2014 02:04 AM


Ngày 04/06/2014, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc tiếp đón và làm việc với đoàn chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Xiaoqing Yu, Giám đốc lĩnh vực phát triển con người, Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu, cùng các chuyên gia cao cấp của (WB).


Trình bày về quản lý BHXH thông lệ quốc tế và bài học cho Việt Nam, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích những nội dung về chỉ số thành tích về quản lý BHXH, xu thế cải cách trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo cho công tác quản lý BHXH Việt Nam… Ông Philip O’Keefe cho rằng, sẽ rất khó để có thể đánh giá chỉ số thành tích các cơ quan BHXH trên thế giới do có sự khác nhau giữa các nước về mức thu nhập, chính sách BHXH, quy mô quỹ, quá trình phát triển chế độ bảo hiểm, và các yếu tố khác. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nước cho thấy thường sử dụng các chỉ số sau: Tỉ lệ chi phí hoạt động; Chi phí nhân sự trên chi phí hoạt động; Chi phí quản lý tài sản; Chi phí cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA) thực hiện năm 2010, tại hơn 50 cơ quan BHXH trên thế giới, trong đó có 11 nước Châu Á - Thái Bình Dương, có 05 yếu tố được xem là quan trọng nhất trong một cơ quan BHXH hoạt động hiệu quả là: quy trình nghiệp vụ; công nghệ; quản lý nhân sự; quản lý rủi ro; quản trị tổ chức. Trong đó, yếu tố chính giúp tăng hiệu suất quản lý An sinh xã hội là cải cách về quy trình nghiệp vụ, đây phải là nền tảng chính cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở hạ tầng. (70% các cơ quan được khảo sát xếp quy trình nghiệp vụ là yếu tố quan trọng nhất trong tối ưu hóa công tác cung cấp dịch vụ BHXH).

Rút ra bài học quốc tế cho công cuộc cải cách quản lý BHXH của Việt Nam, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế cao cấp (WB) cho rằng khung chính sách và hướng cải cách BHXH của Việt Nam ngày càng rõ ràng nhưng triển khai vẫn còn có những vướng mắc. Ông O’Keefe đề xuất: BHXH Việt Nam cần phải có một cấu trúc thể chế rõ ràng. Cải cách đòi hỏi phải có một kế hoạch dài hạn (05-10 năm) và công tác triển khai cũng mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc nâng cấp công nghệ thông tin phải đi đôi với việc không thay đổi quy trình nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ. Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của cải cách hành chính là nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng và điều này cần được giám sát (đo lường) thường xuyên.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chào mừng đoàn chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đến thăm và làm việc tại BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh: thời gian qua hai bên đã sự phối hợp chặt chẽ, nhất là việc hợp tác thực hiện khảo sát, tư vấn hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH Việt Nam. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang quản lý nhiều chính sách khác nhau như BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… nên chi phí quản lý sẽ khác với các nước có cơ quan quản lý riêng về hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, khó khăn của BHXH Việt Nam hiện nay là hệ thống công nghệ thông tin còn hạn chế; việc đầu tư trang thiết bị còn thấp, dấn đến hoạt động của BHXH Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh chia sẻ: Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện cải cách hướng tới khách hàng là trung tâm, đồng thời cải cách toàn bộ thủ tục hành chính (rút từ 236 quy trình nghiệp vụ xuống 115 quy trình nghiệp vụ). BHXH Việt Nam cũng đang thực hiện thí điểm giao dịch trực tuyến giữa cơ quan BHXH với các đơn vị sử dụng lao động tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu cho kết quả tích cực, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai tại các tỉnh, thành phố khác… Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: một nhu cầu cấp bách của Ngành BHXH là phải xây dựng mã định danh cho trên 61 triệu đối tượng tham gia BHXH, BHYT, lấy đó làm căn cứ xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của toàn Ngành, phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ. Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo thực hiện cơ sở dữ liệu dân cư, quan trọng cấp mã định danh công dân mục tiêu hoàn thành vào năm 2020. BHXH Việt Nam đang trong quá trình thực hiện cơ sở dữ liệu tập trung từ nay đến năm 2016, sau đó sẽ phải đảm bảo có thể tích hợp được vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Đây là nội dung mà BHXH Việt Nam cần các chuyên gia của (WB) tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ BHXH Việt Nam hoàn thành vào năm 2016 như kế hoạch đã đặt ra. Phó Tổng Giám đốc mong muốn thời gian tới Ngân hàng thế giới (WB) tiếp tục phối hợp trong việc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình thực hiện An sinh xã hội trên thế giới; hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ BHXH Việt Nam đẩy mạnh ứng dung công nghệ thông tin; đào tạo nguồn nhân lực, tham gia nghiên cứu tư vấn, truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Xiaoqing Yu, Giám đốc lĩnh vực phát triển con người, Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cảm ơn sự tiếp đóng nồng hậu của BHXH Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong thời gian qua. Bà Xiaoqing Yu cũng cho biết, từ những định hướng phát triển của BHXH Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cử chuyên gia hỗ trợ BHXH Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời sẽ tiếp tục hợp tác với BHXH Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống BHXH./.

Nguồn TC BHXH