THỰC HIỆN TỐT CÁC CHÍNH SÁCH BHXH, BHYT, GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
14/02/2014 03:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong hệ thống ASXH, chính sách BHXH, BHYT giữ vai trò trụ cột chính, bền vững nhất. Các chế độ BHXH, BHYT có diện bao phủ rộng khắp, tạo thành tấm lưới che chắn vững chắc bảo vệ cuộc sống, sức khỏe cho con người. Thông qua các chế độ trợ cấp BHXH, BHYT giúp cho người dân nâng cao khả năng phòng chống, vượt qua khó khăn, hạn chế tác động tiêu cực trước những rủi ro trong cuộc sống và “bẫy nghèo” trong y tế. Phát triển BHXH, BHYT là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách ASXH, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, là nhân tố quan trọng giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Ở nước ta, BHXH, BHYT là những bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống chính sách ASXH, đã được thể chế hóa bằng Luật BHXH, được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 09 thông qua ngày 29/06/2006 và Luật BHYT, được Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 04 thông qua ngày 14/11/2008.
Kể từ khi BHXH Việt Nam được thành lập (16/02/1995), nhất là sau khi Luật BHXH và Luật BHYT được ban hành, có hiệu lực thi hành, tình hình thực hiện các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu quan trọng. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng cao qua các năm. Nếu như năm 2009 có 10.001.170 người tham gia BHXH bắt buộc thì đến 31/12/2013 số người tham gia BHXH bắt buộc là 10.879.266 người, tăng 878.096 người, tăng trên 8% so với năm 2009; số người tham gia BHYT năm 2009 là 50.068.611 người (chiếm 58,4% dân số) thì đến 31/12/2013 số người tham gia BHYT là 62.959.825, tăng 11.750.021 người (tăng 22,9%) so với năm 2009, chiếm gần 68% dân số; trong đó có nhiều tỉnh cơ bản đạt được BHYT toàn dân, như Bắc Kạn (gần 100%), Lai Châu (99%), Hà Giang (96%), Lào Cai (95%), Hòa Bình (93%), Sơn La (92%)… Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2013 đạt 173.462 người, tăng 3,14 lần so với năm 2009; số đối tượng tham gia BHTN năm 2013 đạt 8.675.021 người, tăng gần 43% so với năm 2009.
Ước đến hết 31/12/2013, toàn Ngành giải quyết cho 7.165.332 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 642.745 lượt người (9,9%) so với cùng kỳ năm 2012, trong đó 119.014 người hưởng BHXH hàng tháng; 669.590 lượt người hưởng trợ cấp 01 lần; 511.313 người hưởng chế độ BHTN, tăng 47.760 người (10,3%); 5.865.415 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tăng 642.404 lượt người (12,3%). Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 125.143.130 lượt người, tăng 3.390.416 lượt người (2,78%). Việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho người lao động được thực hiện kịp thời, đúng quy định với thủ tục hành chính được rút gọn; công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH được đổi mới mạnh mẽ thông qua việc phối hợp chi trả qua hệ thống Bưu điện từ năm 2011, đến nay đã triển khai rộng khắp trên cả nước, được người hưởng chế độ đồng tình, ủng hộ. Công tác điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH cho hơn 2,5 triệu người theo mức lương tối thiểu chung (nay là lương cơ sở) được triển khai thực hiện kịp thời. Công tác đầu tư quỹ thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và đạt hiệu quả cao, ước tính lãi năm 2013 đạt trên 19.000 tỷ đồng.
Hệ thống BHXH hợp tác chặt chẽ với 2.111 cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước cung ứng dịch vụ y tế, trong đó có 302 cơ sở tuyến xã, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT. Năm 2013, chi từ Quỹ BHYT cho 125.143.130 lượt người khám, chữa bệnh với số tiền 48.000 tỷ đồng, tăng 71,3% so với năm 2012 và tăng 2,1 lần so với năm 2009. Sau nhiều năm Quỹ BHYT mất cân đối, từ năm 2010 đến 2013, đặc biệt là sau khi Luật BHYT có hiệu lực, mặc dù giá dịch vụ y tế tăng cao nhưng Quỹ BHYT đã đảm bảo cân đối và có dự phòng. Người tham gia BHYT có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Năm 2009, bình quân khám, chữa bệnh là 1,84 lượt/thẻ/năm, đến năm 2012, đã tăng lên 2,04 lượt/thẻ/năm. So với lịch sử ra đời, phát triển BHYT trên thế giới hàng trăm năm thì chặng đường 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật BHYT ở Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tiếp cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, thực tiễn qua 06 năm thực hiện Luật BHXH và 04 năm thực hiện Luật BHYT cũng đã bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tình hình nợ đọng tiền đóng BHXH bắt buộc xảy ra hầu hết ở các địa phương, nên khó khăn trong thực hiện quyền lợi cho về BHXH, BHYT cho người lao động. Số nợ đến 31/12/2013 là 6.448,9 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng số phải thu. Đối tượng tham BHXH tự nguyện còn hạn chế, đại đa số là người đã đóng BHXH bắt buộc nghỉ việc, đóng tiếp để đủ điều kiện nghỉ hưu; số người tham gia từ đầu chiếm tỷ lệ thấp. Với các chính sách hiện hành, quy định tuổi nghỉ hưu còn thấp, điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi quá rộng nên số người nghỉ hưu ngày càng tăng, mức hưởng lương hưu chưa hợp lý sẽ dẫn đến Quỹ BHXH, nhất là Quỹ hưu trí, tử tuất mất cân đối trong tương lai. Chi phí quản lý BHXH tính theo mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước là chưa phù hợp với tình chất và nhiệm vụ đặc thù của hoạt động BHXH…
Qua 04 năm thực hiện Luật BHYT, bên cạnh những kết quả to lớn, cũng xuất hiện những hạn chế, bất cập, thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Trong khi tỷ lệ bao phủ bình quân cả nước gần 68% thì vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn, kỹ thuật y tế đã gây nên tình trạng quá tải, chờ đợi lâu ở các bệnh viện tuyến trên; tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm được cải thiện, ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền, vận động mở rộng và phát triển đối tượng. Các hình thức lạm dụng quỹ, nhất là tại các bệnh viện ngày càng phức tạp; vẫn còn chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, giữa các tỉnh, giữa bệnh viện với thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý còn hạn chế; chậm áp dụng công nghệ thông tin để cải tiến thủ tục khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT; tình trạng sai thông tin trên thẻ, cấp chậm, trùng thẻ BHYT còn tồn tại ở nhiều địa phương…
Trước những vấn đề đặt ra đối với công tác BHXH, BHYT và yêu cầu đổi mới của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 đã khẳng định quan điểm: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, cần phải phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT ở địa phương. Nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng Quỹ. Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Đi cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, BHYT kết hợp với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT…
Là trụ cột chính của hệ thống ASXH, BHXH Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, nhất là quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, cùng những nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt được Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành BHXH, chắc chắn công tác BHXH, BHYT sẽ ngày càng được thực hiện tốt hơn, góp phần bảo đảm ASXH, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh./.
Lê Bạch Hồng
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...