Đoàn giám sát về BHYT của Quốc hội làm việc với BHXH Việt Nam

09/04/2013 04:19 AM


Sáng ngày 04/4/2013, tại Hà Nội, Đoàn giám sát về BHYT của Quốc hội có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về kết quả thực hiện chính sách BHYT giai đoạn 2009 -2012. Đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đồng chí Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và Bộ Y tế.

Đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì buổi làm việc

Báo cáo cùng Đoàn giám sát về BHYT của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã nêu khái quát một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện hiện chính sách BHYT giai đoạn 2009 -2012. Theo đó, trong giai đoạn 2009 -2012 số người tham gia BHYT tăng từ 39,7 triệu người lên 59,3 triệu người; tỷ lệ bao phủ đạt 67% tổng dân số. Quỹ BHYT ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ người dân; chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện. Đã có 20% người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại tuyến xã, 61% đăng ký tại tuyến huyện, 19% đăng ký tại tuyến tỉnh và trung ương. Mỗi năm có khoảng 25% bệnh nhân ngoại trú và 56% bệnh nhân nội trú được điều trị bệnh bằng BHYT. Trong 3 năm đã có 338 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh theo quy định của Luật BHYT; số tiền thanh toán lên đến gần 75.000 tỷ đồng. Riêng năm 2012 , số chi khám, chữa bệnh BHYT đạt trên 32.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2009. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Hàng năm BHXH Việt Nam đã ký kết phối hợp tuyên truyền với 11 Bộ, Ngành, 12 cơ quan truyền thông, phát hành nhiều loại ấn phẩm tuyên truyền phù hợp với các đối tượng...

Bên cạnh những kết quả đạt được một số vấn đề tồn tại, vướng mắc cũng được chỉ rõ. Vẫn còn một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT còn hạn chế như lao động khu vực doanh nghiệp, đối tượng thuộc hộ cận nghèo…Chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm chưa đủ mạnh, vẫn còn doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHYT. Mức hỗ trợ từ ngân sách với các đối tượng thuộc gia đình hộ cận nghèo, học sinh sinh viên còn thấp, chưa có sự ưu đãi với khu vực nông thôn. Chính quyền một số tỉnh,thành phố chưa thực sự chỉ đạo sâu sát, chưa kiên quyết xử lý vi phạm sau thanh tra, kiểm tra. Chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới còn thấp, dẫn đến tình trạng vượt tuyến, gây quá tải tại nhiều bệnh viện ở tuyến trên.

BHXH Việt Nam cũng nêu ra một số kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi Luật BHYT như: có thể bảo đảm quyền lợi tham gia và cân đối quỹ theo nguyên tác đóng - hưởng; nên kết cấu lại các nhóm đối tượng theo trách nhiệm đóng (có thể chia thành nhóm người lao động, nhóm phụ thuộc và nhóm hộ gia đình). Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm các Bộ, Ngành và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, tổ chức tham gia BHYT; kinh phí cho tuyên truyền, đầu tư phát triển công nghệ thông tin cũng cần được xác định rõ. BHXH Việt Nam cần được giao quyền thanh tra, xử phạt đối với các đối tượng vi phạm Luật BHYT.

Với các địa phương cần được giao chỉ tiêu phát triển BHYT cụ thể; tăng mức hỗ trợ với các đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Thực hiện thí điểm đầu thầu thuốc quốc gia; ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh; quy định biện pháp quản lý và kiểm soát việc đầu tư sử dụng trang thiết bị y tế.

Với các cấp Uỷ Đảng, HĐND các tỉnh thành phố cần chỉ đạo giao trách nhiệm cụ thể các cấp thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vừa được Chính phủ phê duyệt.

Các đại biểu thuộc Đoàn giám sát về BHYT của Quốc hội đã trao đổi và yêu cầu BHXH Việt Nam, đại diện Bộ Y tế làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến số liệu thống kê tham gia BHYT của các nhóm đối tượng, giải pháp thực mở rộng độ bao phủ BHYT tự nguyện, nâng cao chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh; vai trò của các Bộ, Ngành liên quan cũng như chính quyền các cấp thể hiện ra sao…


Đống chí Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trả lời làm rõ một số vấn đề thắc mắc của các đại biểu

Trả lời một số đại biểu thuộc Đoàn giám sát về BHYT của Quốc hội, đồng chí Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định tính chính xác của số liệu thống kê các đối tượng tham gia BHYT. Liên quan đến vai trò của các Bộ, Ngành, cũng như chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách BHYT, đồng chí Tổng Giám đốc cho rằng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng như các ngành có liên quan, sự tham gia của chính quyền các cấp tại một số tỉnh thành còn thiếu hiệu quả, mang tính hình thức, chưa sâu sát. Về giải pháp mở rộng diện bao phủ BHYT trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ công tác cấp thẻ, công tác giám định BHYT. Cùng với đó Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như Đề án Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng sẽ là nguồn động lực to lớn để phát triển chính sách BHYT.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Qua 3 năm đầu tiên được đưa vào áp dụng, Luật BHYT khó tránh khỏi những tồn tại vướng mắc. Qua thực tế giám sát của Đoàn giám sát về BHYT của Quốc hội cũng như qua ý kiến đánh giá đóng góp của các chuyên gia, chắc chắn Luật BHYT sẽ được sửa đổi theo hướng khoa học và hợp lý hơn. Với thẩm quyền, trách nhiệm của mình, Bộ Y tế cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện một số giải như pháp: thực hiện Đề án giảm tải tại các bệnh viện, xây dựng các bệnh viện vệ tinh, nâng cao tinh thần phục vụ và y đức của cán bộ, bác sỹ…Các giải pháp này sẽ có tác động tích cực đến việc phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHYT trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo chi tiết kết quả thực hiện chính sách BHYT giai đoạn 2009-2012 của BHXH Việt Nam. Đồng chí cho rằng, không chỉ thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế tồn tại, BHXH Việt Nam cũng đã thể hiện được quan điểm độc lập trong việc chủ động đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi Luật BHYT. Qua báo cáo của BHXH Việt Nam và qua thực tế giám sát tại một số tỉnh, thành phố, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam cũng như Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan. Một số hạn chế tồn tại xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng đã được chỉ rõ; giải pháp khắc phục cũng được BHXH Việt Nam, các Bộ, Ngành liên quan đưa ra thực hiện và bước đầu cho thấy hiệu quả. Cùng với Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đề án Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vừa được Chính phủ phê duyệt, các giải pháp của BHXH Việt Nam, của Bộ Y tế đưa ra có thể sẽ tạo bước phát triển mới cho việc thực hiện chính sách BHYT.

Nguồn TC BHXH