Mít tinh kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam
08/07/2013 02:24 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 01/07/2013, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy tiến trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân”.
Toàn cảnh Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam
Tới dự Lễ mít tinh có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; BHXH 16 tỉnh, thành phố và 29 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội...
Sau hơn 20 năm hoạt động, nhất là gần 04 năm thực hiện Luật BHYT, công tác này đã trở thành chính sách tài chính y tế quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năm 2012, cả nước đã có trên 60,5 triệu người tham gia BHYT, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT trên tổng dân số của nước ta lên tới gần 67%, đặc biệt 100% người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 06 tuổi đã được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT; số thu BHXH, BHYT ngày càng tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Công tác BHYT luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chăm lo phát triển. Điều đó được thể hiện qua việc ban hành hàng loạt văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao, hoàn thiện chính sách và pháp luật về BHYT. Sau 20 năm hoạt động, chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu trong hệ thống chính sách An sinh xã hội của đất nước.
Để thực hiện mục tiêu Đề án tiến tới BHYT toàn dân vừa được Chính phủ phê duyệt, Phó Thủ tướng đề ra 03 nhóm giải pháp chính. Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BHYT, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá, tổng kết sau 05 năm triển khai Luật BHYT để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi những hạn chế, bất cập để chính sách BHYT ngày càng phù hợp với đòi hỏi thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Đối với nhóm cơ chế, chính sách mở rộng diện tham BHYT, cần chú ý quan tâm đến những đối tượng như nông dân, ngư dân, người có thu nhập dưới mức trung bình, người lao động tự do; cải cách về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ, y đức và chất lượng khám, chữa bệnh. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa chính sách thu BHYT với chính sách viện phí, giá thuốc và cơ chế tài chính các cơ sở khám, chữa bệnh; qua đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chất lượng khám, chữa bệnh, cân đối Quỹ BHYT và khả năng chi trả của người dân.
Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trốn đóng, cố tình nợ đọng, lạm dụng hoặc trục lợi Quỹ BHYT. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và đối xử như nhau giữa bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân tự thanh toán trực tiếp, qua đó nâng cao tính hấp dẫn của BHYT.
Thứ ba, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT phải đổi mới, lồng ghép để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT, về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng phát biểu tại Lễ mít tinh.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng khẳng định: BHXH, BHYT là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống An sinh xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sự ổn định, tiến bộ và công bằng xã hội. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, toàn Ngành BHXH đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt chế độ BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân. Những năm qua, công tác phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHYT giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành có liên quan ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, là điều kiện giúp Ngành BHXH tổ chức thực hiện tốt chế độ BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân. Tại các địa phương, việc tổ chức triển khai kịp thời Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đã nâng cao nhận thức của người dân và của các cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống, bảo đảm, An sinh xã hội trên địa bàn. Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại, trong thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tổ chức khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi của người dân ngày một tốt hơn, góp phần bảo đảm An sinh xã hội của đất nước. Trong năm 2013, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ mít tinh.
Phát biểu tại Lễ mít tinh Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện chính sách BHYT. Chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khoẻ của bản thân. Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã được Bộ Y tế tăng cường thực hiện thời gian qua, BHYT đã trở thành một phần trong nhu cầu đời sống xã hội của nhân dân và dành được sự quan tâm của mọi đối tượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra một số thách thức như: vẫn còn trên 30% dân số chưa tham gia BHYT, vấn đề tuân thủ pháp luật về BHYT và phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong tổ chức thực hiện Luật BHYT còn hạn chế. Bên cạnh công tác tuyên truyền chưa hiểu quả, khả năng đáp ứng, tiếp cận dịch vụ y tế và chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ dẫn tới chi từ tiền túi người dân còn cao. Ngành Y tế cũng chưa có cán bộ chuyên trách về BHYT, tất cả đầu mối mới chỉ dừng lại ở các Sở Y tế.
Một trong những hoạt động cụ thể triển khai Nghị quyết 21 là Bộ Y tế đã phối hợp với các ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020”. Đề án được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu bao phủ BHYT trên cả 03 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi người dân; đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần tạo nguồn tài chính y tế ổn định theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Với quyết tâm thực hiện hiệu quả chính sách BHYT và nhằm mục tiêu BHYT toàn dân. Ngày BHYT Việt Nam năm nay có chủ đề là “Thúc đẩy tiến trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân”. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam mong rằng chủ đề hành động này sẽ được tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả trong các cấp, các ngành và toàn thể xã hội, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể./.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Sau hơn 20 năm thực hiện, chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính trong chính sách An sinh xã hội của đất nước. Với gần 67% dân số cả nước có thẻ BHYT, trên 121 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT trong năm 2012, BHYT đã có những đóng góp to lớn, thiết thực và hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân; đóng góp trên 70% nguồn tài chính trực tiếp dành cho khám, chữa bệnh, trong đó năm 2012 là trên 33.000 tỷ đồng, BHYT đã trở thành chính sách tài chính y tế quốc gia quan trọng. Với nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác BHYT của chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...