Sơ kết 03 năm phối hợp giữa Bộ LĐ TB&XH và BHXH Việt Nam

30/09/2013 12:49 AM


Ngày 19/9, tại Hà Nội, Bộ LĐ TB&XH phối hợp cùng BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện công tác phối hợp giữa 02 cơ quan. Dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Phạm Minh Huân cùng Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng.

 


Thực hiện Chương trình phối hợp số 1901/CTPH-BLĐTBXH-BHXHVN, trong 03 năm qua Bộ LĐ TB&XH và BHXH Việt Nam đã phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan đến thực hiện chính sách BHXH.

Cụ thể về công tác nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về BHXH, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ LĐ TB&XH nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung từng bước hoàn thiện chính sách BHXH. Hai bên đã cùng đóng góp ý kiến xây dựng Luật Lao động sửa đổi năm 2012; đánh giá tình hình thực hiện Luật BHXH, đề xuất các nội dung nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật; tham gia Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Luật BHXH; tham gia các ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và Luật Lao động sửa đổi.

Hàng năm, BHXH Việt Nam với Bộ LĐ TB&XH thực hiện ký thỏa thuận phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH cho người lao động, người sử dụng lao động. Từ năm 2010 – 2012, đã tổ chức 08 cuộc hội thảo tuyên truyền Luật BHXH, tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đồng Nai, Long An, Phú Thọ. Mỗi buổi hội thảo đều có sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, người lao động ; phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền như: Sổ tay BHXH”, “Sổ tay phổ biến pháp luật lao động”, sách “Hỏi đáp về chính sách BHXH”; sách “216 câu hỏi - đáp và văn bản quy định về BHTN”, tờ gấp “Thông tin cần biết về chính sách BHXH”...

Về công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHXH Việt Nam thường xuyên trao đổi, xin ý kiến Bộ LĐ TB&XH về việc ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ. Các nội dung vướng mắc, phát sinh trong thực tế cũng được BHXH Việt Nam tổng hợp và báo cáo để Bộ có hướng dẫn cụ thể. Cục Việc làm (Bộ LĐ TB&XH) và Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) đã ký Chương trình phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHTN, tạo điều kiện thực hiện thuận lợi tại các địa phương.

Trong năm 2011, 2012, BHXH Việt Nam thực hiện phối hợp với Bộ LĐ TB&XH thanh tra và khảo sát việc thực hiện chính sách BHXH tại 18 tỉnh, thành phố. Riêng năm 2012, hai bên đã phối hợp thanh tra tập trung tình hình nợ đọng tại 58 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Bắc Ninh; xử phạt vi phạm hành chính 38/58 đơn vị, với tổng số tiền phạt là 907 triệu đồng. Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, BHXH Việt Nam tổng hợp báo cáo xin ý kiến Bộ LĐ TB&XH giải quyết các trường hợp phức tạp liên quan đến khoảng thời gian trước năm 1995. Kết quả Bộ LĐ TB&XH và BHXH Việt Nam đã phối hợp giải quyết 373 đơn thư khiếu nại, 16 thư tố cáo.

Để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa 02 cơ quan, BHXH Việt Nam đưa ra một số kiến nghị như: tích cực tuyên truyền theo hướng tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động, chú trọng đến nhóm đối tượng có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện; đề nghị Bộ sớm nghiên cứu và giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài. Bên cạnh đó việc phối hợp thanh tra liên ngành với BHXH Việt Nam cần được tăng cường; Bộ cần chỉ đạo Sở LĐ TB&XH các tỉnh, thành phố tăng cường trong việc thanh tra và phối hợp thanh tra với cơ quan BHXH trên địa bàn, giao chỉ tiêu phối hợp thanh tra, kiểm tra hàng năm; xây dựng quy trình phối hợp thanh tra, kiểm tra về BHXH. Đề nghị Cục Việc làm (Bộ LĐ TB&XH) chủ trì việc xây dựng phần mềm liên thông với cơ quan BHXH trong việc quản lý đối tượng, giải quyết chế độ cho đối tượng tham gia BHTN. Nghiên cứu, trình Chính phủ thí điểm giao tổ chức BHXH thẩm quyền xử phạt vi phạm về BHXH, BHYT để tăng cường lực lượng xử lý và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm; sửa đổi mức phạt hiện nay theo hướng tăng mức tiền phạt hoặc phạt tiền theo tỷ lệ % so với số tiền vi phạm hoặc phạt theo lũy tiến. Nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh sau như: trốn đóng BHXH, BHYT, lạm dụng chiếm đoạt tiền đóng BHXH, BHYT, gian lận, lập hồ sơ giả trục lợi BHXH, BHYT.

Đánh giá về công tác phối hợp giữa Bộ LĐ TB&XH và BHXH Việt Nam, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng cho rằng: sự phối hợp thực hiện giữa 02 cơ quan đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách BHXH. Tuy nhiên sự phối hợp cần phải được tăng cường hơn để ngăn chặn tình trạng lạm dụng hưởng chính sách BHXH, giảm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Đặc biệt là trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa 02 ngành cần có sự đổi mới tích cực hơn, hiệu quả hơn. Để có thể thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Bộ LĐ TB&XH và BHXH Việt Nam phải phát huy vai trò chủ đạo của mình một cách tích cực hơn, tăng cường các nội dung phối hợp thiết thực hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động khi tham gia BHXH.

Tại hội nghị, đại diện Sở LĐ TB&XH, BHXH một số tỉnh, thành phố cũng đã phát biểu nhiều ý kiến chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất liên quan đến các nội dung như: phối hợp thanh tra, kiểm tra, trao đổi thông tin giữa Sở LĐ TB&XH và cơ quan BHXH; phối hợp thực hiện chính sách BHTN; phối hợp quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN;phối hợp phòng chống lạm dụng quỹ BHXH, BHTN; phối hợp công tác tuyên truyền, giải quyết vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện chế độ BHXH….


Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Phạm Minh Huân phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Phạm Minh Huân nhấn mạnh: mục tiêu quan trọng mà 02 ngành cùng phải hướng tới là tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là nội dung quan trọng được đề ra trong Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Công tác phối hợp giữa Bộ LĐ TB&XH và BHXH là việc cần thiết và cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng của 02 cơ quan đã được Chính phủ giao. Công tác phối hợp giữa 02 cơ quan vì thế phải được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp cần phải phát huy; hạn chế yếu kém còn tồn tại phải khẩn trương được khắc phục trong thời gian tới.

Nguồn TC BHXH