BHXH Việt Nam: Phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21
26/08/2013 08:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/8/2013, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành văn bản số 3268/BHXH-TĐKT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phát động Phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị.
Phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 21 do BHXH Việt Nam phát động là phong trào thi đua dài hạn, có ý nghĩa quan trọng (Ảnh minh họa)
Với mục tiêu quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020; Kế hoạch số 47- KH/BCS ngày 03/4/2013 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và kết hợp với phong trào thi đua “Cả n¬ước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, BHXH Việt Nam phát động Phong trào thi đua giai đoạn từ năm 2014 đến hết năm 2020 với chủ đề:
“Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”
Đây là Phong trào thi đua dài hạn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Ngành BHXH tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Phong trào thi đua này có nội dung và chỉ tiêu phấn đấu rõ ràng, được Nghị quyết của Bộ Chính trị, cũng như “Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới” xác định. Phong trào thi đua được tổ chức thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm nhưng sẽ được kiểm điểm, đánh giá theo từng năm, đặc biệt kiểm điểm đối với các chỉ tiêu có định lượng, đồng thời sẽ tổ chức đợt sơ kết giữa kỳ, tổng kết cuối kỳ.
Đối tượng của Phong trào thi đua
Các tập thể người lao động và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong Ngành BHXH.
Mục đích của Phong trào thi đua
Động viên, khích lệ các tập thể người lao động và công chức, viên chức, người lao động trong Ngành phát huy tinh thần thi đua yêu nước, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được ghi trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT tại địa bàn nông thôn theo Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các yêu cầu trong Kế hoạch số 47-KH/BCS ngày 03/4/2013 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Yêu cầu cụ thể của Phong trào thi đua
- Cấp uỷ đảng, Thủ trưởng đơn vị, Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong Ngành quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị; nội dung và tiêu chí Quốc gia của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Kế hoạch số 47- KH/BCS của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam. Từ đó, mỗi tập thể người lao động, mỗi công chức, viên chức, người lao động trao đổi, thảo luận và xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung nêu trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Kế hoạch cần được xây dựng thật cụ thể về các chỉ tiêu, các giải pháp thực hiện theo từng chuyên đề được xác định cho từng năm và cho cả giai đoạn đến năm 2020.
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh), BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là BHXH huyện) tổ chức phát động Phong trào thi đua trong phạm vi được giao quản lý, giúp tập thể người lao động, công chức, viên chức, người lao động nhận thức được đầy đủ quan điểm, mục tiêu của Đảng, cña Chính phủ trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; vị trí, chức năng của Ngành trong hệ thống an sinh xã hội, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, phấn đấu đạt hiệu quả công tác chuyên môn cao nhất trong lĩnh vực công tác được phân công, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và chỉ tiêu, kế hoạch được Đảng, Nhà nước giao.
- Phong trào thi đua cần thiết được duy trì thường xuyên, liên tục, bên cạnh những mục tiêu cuối cùng phải đạt được, các tập thể người lao động cần xác định những yêu cầu cụ thể cho từng giai đoạn, cho từng năm, nhằm khắc phục ngay những mặt công tác, những công việc chưa đạt yêu cầu. Thông qua Phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để kịp thời biểu dương, khen thưởng, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng, xây dựng các tập thể, cá nhân đặc biệt xuất sắc của Ngành để đề nghị Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ngành (vào năm 2015), Đại hội thi đua yêu nước của Ngành, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Ngành (vào năm 2020).
4. Mục tiêu của Phong trào thi đua
Phong trào thi đua hướng đến việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn và hải đảo; hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được ghi trong Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị và tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, cụ thể đến năm 2020 phấn đấu:
4.1. Đối với toàn Ngành
- Có trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH;
- Có trên 35% lực lượng lao động tham gia BHTN;
- Có trên 80% dân số tham gia BHYT, trong đó khu vực nông thôn có trên 70% dân số tham gia BHYT;
- Xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
4.2. Đối với các Ban, Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam: trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cụ thể:
- Nắm vững định hướng phát triển Ngành; chủ động tham mưu với Lãnh đạo Ngành để phối hợp với các Bộ, Ngành ở Trung ương không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với hệ thống chính trị ở địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, BHTN theo định hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định;
- Kịp thời tham mưu với Lãnh đạo Ngành ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình nghiệp vụ, phù hợp với yêu cầu quản lý và thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN; chủ động xây dựng các đề án, dự án khả thi trong chương trình phát triển Ngành, từng bước đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác quản lý, cũng như tổ chức thực hiện nghiệp vụ chuyên môn theo quy định.
- Luôn sâu sát và nắm vững tình hình tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của BHXH tỉnh. Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích các vấn đề về chính sách, chế độ, về phương thức quản lý và tổ chức thực hiện để đề đạt, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Hiệu quả hoạt động của các Ban, Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam gắn chặt với kết quả thực hiện các chỉ tiêu và nhiệm vụ trên từng mặt nghiệp vụ công tác của BHXH tỉnh, vì vậy việc đánh giá kết quả hoạt động và bình xét công tác thi đua, khen thưởng của các Ban, Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp thuộc BHXH Việt Nam sẽ được đối chiếu với mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác của BHXH tỉnh.
4.3. Đối với BHXH tỉnh
Căn cứ Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động hoặc Kế hoạch triển khai của tỉnh uỷ, thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị để xây dựng hệ thống chỉ tiêu và giải pháp phấn đấu cho từng năm từ nay đến 2020, cụ thể:
- Tổ chức trao đổi, thảo luận trong nội bộ BHXH tỉnh về các chỉ tiêu định lượng phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN của từng năm, các mục tiêu định lượng này đến năm 2020 không thấp hơn mục tiêu chung do Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Đối với các nhóm chỉ tiêu không có định lượng cần xác định các yêu cầu hay giải pháp và tiến độ thực hiện, coi đây là những tiền đề, những cơ sở để có thể đạt được các mục tiêu mang tính định lượng.
- Với một số BHXH tỉnh đã hoàn thành ít nhất một chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, vẫn cần phải xem xét, phân tích, xây dựng các phương án tính đến sự thay đổi về cơ chế chính sách liên quan đến chuẩn nghèo và cận nghèo, đến sự vận động, phát triển của cuộc sống khi người dân thoát nghèo, để từ đó chủ động trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, giữ vững tỷ lệ đã đạt được theo mục tiêu chung.
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Công tác chuẩn bị, đăng ký thi đua và phát động thi đua
5.1.1. Đối với BHXH tỉnh và BHXH huyện: đây là lực lượng trực tiếp thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời cũng là mục tiêu cơ bản của Phong trào thi đua giai đoạn 2014-2020 do Ngành phát động, vì vậy công tác chuẩn bị tài liệu, đăng ký thi đua và phát động thi đua cần được thực hiện chu đáo, cụ thể và khả thi.
- Tài liệu đăng ký và Phát động thi đua: quan trọng nhất của tài liệu là việc xác định hệ thống chỉ tiêu phấn đấu về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN và giải pháp thực hiện của từng năm cho đến hết năm 2020. Đây là một công việc khó, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, xem xét nghiêm túc của BHXH tỉnh, BHXH huyện. Trong quá trình xây dựng dự thảo, BHXH tỉnh, BHXH huyện cần tranh thủ xin ý kiến tham gia của các cơ quan, ban, ngành tại địa phương, đặc biệt là của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp. Sau đó BHXH tỉnh trao đổi, thống nhất với các Ban chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan thuộc BHXH Việt Nam để chính thức xác định các chỉ tiêu phấn đấu của từng năm. Bản đăng ký thi đua và phát động thi đua được gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua- Khen thưởng BHXH Việt Nam trước ngày 30/11/2013.
- Lễ phát động thi đua, ký giao ước thi đua được thực hiện tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2014 của BHXH tỉnh. BHXH tỉnh hướng dẫn cho BHXH huyện tổ chức phát động thi đua, đăng ký thi đua tại BHXH huyện và lưu giữ tài liệu cũng như theo dõi việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua tại BHXH huyện.
5.1.2. Đối với các Ban, Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp thuộc BHXH Việt Nam
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kế hoạch số 47-KH/BCS ngày 3/4/2013 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam, các đơn vị tổ chức nghiên cứu sâu về dự báo phát triển Ngành, về khối lượng công việc, về nhu cầu nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2013-2020 và yêu cầu hiện đại hoá hệ thống, để từ đó xác định những việc cần phải làm cho từng năm và cho từng giai đoạn. Bản đề xuất của từng đơn vị, sau khi được Lãnh đạo ngành phê duyệt sẽ trở thành mục tiêu thi đua, phấn đấu của đơn vị, thể hiện trong Bản đăng ký thi đua và gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành trước ngày 30/11/2013.
- Các Ban nghiệp vụ liên quan đến hệ thống chỉ tiêu phấn đấu được ghi trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, có trách nhiệm thẩm định số liệu, làm việc với BHXH tỉnh để xác định tiến độ thực hiện các chỉ tiêu nêu trên của từng năm cho đến hết năm 2020, giúp BHXH tỉnh xây dựng mục tiêu chính xác và khả thi trong tổ chức thực hiện.
5.1.3. Đối với các Cụm thi đua
Cụm Trưởng Cụm thi đua năm 2014 có trách nhiệm tổng hợp Đăng ký thi đua giai đoạn 2014-2020 của các đơn vị trong Cụm, tổ chức ký giao ước thi đua giữa các đơn vị vào dịp tổng kết phong trào thi đua của Cụm năm 2013 và gửi kết quả về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam.
5.1.4. BHXH Việt Nam sẽ chính thức phát động Phong trào thi đua giai đoạn 2014-2020, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trên Hội nghị bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2014.
5.2. Công tác, sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua
5.2.1. Hàng năm, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác và tổ chức Phong trào thi đua, đối chiếu với các chỉ tiêu đã đăng ký, các đơn vị trong Ngành kiểm điểm đánh giá những chỉ tiêu, những mặt công tác đã đạt được, đồng thời phân tích những chỉ tiêu, những mặt công tác chưa đạt yêu cầu để từ đó rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp khắc phục cho năm tiếp theo.
5.2.2. BHXH Việt Nam sơ kết Phong trào thi đua giai đoạn 2014-2020 vào cuối năm 2015, nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện chỉ tiêu thi đua, xác định các yêu cầu, giải pháp, định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
5.2.3. BHXH Việt Nam tổng kết Phong trào thi đua giai đoạn 2014-2020 vào cuối năm 2020, kết thúc đợt thi đua dài hạn này.
5.3. Công tác khen thưởng
Phong trào thi đua gắn chặt với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành trong giai đoạn này là cơ hội để Ngành phát triển và khẳng định vị thế quan trọng của Ngành là cơ quan được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT là 2 chính sách quan trọng đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Với mục tiêu phát triển vô cùng lớn, đối tượng tham gia BHXH tăng gấp hơn 2 lần so với hiện tại, BHYT cơ bản thực hiện với toàn dân, đây thật sự là một thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác BHXH, BHYT, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng không ngừng, sự sáng tạo và trách nhiệm rất cao của các tập thể người lao động, của công chức, viên chức trong Ngành. Để khuyến khích và động viên đúng mức các tập thể, cá nhân trong Ngành nỗ lực phấn đấu, công tác khen thưởng những năm tới sẽ được gắn với kết quả thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2014 - 2020, cụ thể:
5.3.1. Khen thưởng hàng năm: các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng vẫn được thực hiện theo quy định chung, vẫn đòi hỏi đủ điều kiện và tiêu chuẩn, tuy nhiên trong số các tập thể, cá nhân đủ điều kiện và tiêu chuẩn chung, sẽ ưu tiên lựa chọn để khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hơn trong thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn 2014 - 2020.
5.3.2. Khen thưởng dịp sơ kết vào năm 2015: đây là năm Ngành tổ chức Đại hội thi đua yêu nước của Ngành lần thứ IV, tiến tới đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. BHXH Việt Nam sẽ tổ chức lựa chọn các tập thể, cá nhân đủ điều kiện và đạt thành tích xuất sắc nhất trong Phong trào thi đua của các đơn vị, của Ngành để vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước của Ngành và của toàn quốc, với các tập thể về đích trước thời hạn, với các cá nhân có những đóng góp đáng kể, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ và Nhà nước khen thưởng. Toàn Ngành phấn đấu nhân dịp sơ kết phong trào thi đua vào năm 2015 có ít nhất 01 tập thể được xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới; có ít nhất 03 cá nhân được công nhận “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”.
5.3.3. Khen thưởng dịp tổng kết vào năm 2020
Năm kết thúc Phong trào thi đua cũng là năm tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, toàn Ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; phấn đấu có thêm các tập thể được xét tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”, có cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” và có thêm nhiều tập thể, cá nhân được nhận các hình thức khen thưởng cao quý của Nhà nước.
BHXH Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH tỉnh nghiêm túc tổ chức thực hiện văn bản này./.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...