Chi trả lương hưu qua bưu điện: được sự đồng thuận từ người hưởng

15/11/2013 03:15 AM


Chương trình hợp tác chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện được thí điểm theo hình thức thông qua một đơn vị cung cấp dịch vụ là Bưu điện được bắt đầu từ tháng 9/2011 với mục tiêu dựa vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẵn có của ngành bưu điện để chi trả các chế độ đúng thời gian, nhanh chóng, hiệu quả và tiện lợi cho người dân.

61 tỉnh, thành phố đã triển khai chi trả qua bưu điện

Từ 1/9/2011, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện việt Nam (VNPost) đã thực hiện chương trình thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện tại 12 tỉnh: Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Phú Yên, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Long An, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Tuyên Quang.


Điểm chi trả tại Phường Trần Tế Xương, TP. Nam Định

Từ ngày Chính phủ cho phép triển khai trên toàn quốc, BHXH Việt Nam và VNPost đã tích cực phối hợp triển khai và đến tháng 11/2013 đã thực hiện tại 61 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 40 tỉnh đã triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Việc chi trả trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đại diện của VNPost cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất, nhân lực cũng như hình thức chi trả sao cho tiện ích nhất. VNPost và BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị 2 thành phố cho thực hiện thí điểm ở ngoại ô trước khi triển khai rộng rãi.

Trong quá trình thực hiện, BHXH Việt Nam và VNPost thường xuyên khảo sát để nắm bắt tình hình chi trả, đặc biệt là các địa phương mới thực hiện để đảm bảo kịp thời phục vụ tốt nhất cho người dân. Việc khảo sát được thực hiện ở các địa phương mới triển khai hình thức này theo chỉ đạo của Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam thực hiện mở rộng việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua hệ thống bưu điện trên phạm vi toàn quốc.

Theo chương trình hợp tác giữa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện sẽ thực hiện chi trả cho 2,9 triệu người với gần 100.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đảm bảo an toàn về tiền mặt

Để đảm bảo công tác chi trả tiền mặt được an toàn, phục vụ cho người dân tốt hơn, bà Trần Thị Ngọc, Phó Giám đốc bưu điện tỉnh Nam Định cho biết, Bưu điện tỉnh đã có công văn đề nghị Công an tỉnh cùng vào cuộc theo hệ thống để đảm bảo an toàn ở các điểm chi trả. Lực lực công an phường, xã thường xuyên quan tâm, giám sát tại các điểm chi trả nhằm đảm bảo công tác an toàn tiền mặt tốt hơn.

Ông Đỗ Khắc Chất, Giám đốc Bưu điện Thành phố Hải Phòng cho biết: Đây là tháng thứ 2, Bưu điện thành phố triển khai công tác này và đã triển khai được 5/15 quận huyện. Trong thời gian triển khai thí điểm, công tác an toàn tiền mặt đã được đặc biệt chú trọng. Công tác vận chuyển, bảo vệ tiền thực hiện theo đúng phương án đã xây dựng.

Bác Nguyễn Ngọc Hanh, Ban Liên lạc Hưu trí ở thị trấn An Dương, Hải Phòng cho biết: Thị trấn có gần 800 đối tượng hưởng với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng một tháng, mặc dù có trang bị két đặt tại trụ sở ủy ban để bảo quản tiền nhưng an toàn tiền mặt nhiều khi vẫn không được đảm bảo. Chi trả bằng hình thức này bác thấy an toàn hơn.

Nhiều thuận lợi trong công tác chi trả

Tham gia công tác khảo sát tại Nam Định và Hải Phòng chúng tôi nhận thấy, việc chi trả qua bưu điện đa phần nhận được sự ủng hộ của người dân. Các điểm chi trả đều được đặt ở Ủy ban nhân dân xã hoặc Nhà văn hóa thôn nên rất rộng rãi, sạch sẽ. Các điểm chi trả đều có dán thông báo ngày trả, địa điểm trả, tăng giảm của người hưởng, có báo để đọc và nước uống đầy đủ.

Khi được hỏi về ý kiến khi nhận tiền hưu qua nhân viên bưu điện, Bác Phạm Thị Hòa ở Phường Trần Tế Xương, TP. Nam Định cho biết trước kia bác lĩnh lương hưu theo tổ hưu cũ thì thất thường, khi gia đình có công việc gì thì không thuận lợi. Bây giờ bưu điện trả cố định vào hai ngày mùng 05 và 06 hàng tháng, kể cả là vào thứ 7 hay chủ nhật, bác chủ động sắp xếp được công việc và thấy rất tiện lợi.

Được biết Bưu điện tỉnh Nam Định cố định lịch chi trả vào ngày 05 và 06 hàng tháng, chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Tính đến tháng 10/2013, Bưu điện tỉnh đã tổ chức chi trả cho 75.585 người hưởng tại 314 điểm chi trả với hơn 201 tỷ đồng. Để đảm bảo được lịch chi trả cố định vào hai ngày này, Bưu điện tỉnh đã phải rất cố gắng từ bố trí người đi chi trả, nhận tiền, sắp xếp tiền,…

Khi được hỏi về thái độ của nhân viên chi trả, bác Dũng, 61 tuổi đang hưởng chế độ mất sức lao động ở xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết: đây là tháng thứ 2 bác nhận tiền từ các nhân viên bưu điện, các cô ấy rất nhiệt tình và bác không hề bị gây phiền phức gì, thời gian chi trả lại nhanh hơn.

Bác Nguyễn Văn Cường, Trưởng ban Hưu trí xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết, trước kia bác làm đại diện chi trả lương hưu cho mọi người trong xã, khi nhận tiền về bác cũng rất lo lắng làm sao để an toàn, phân chia tiền không sai sót và trả kịp thời cho mọi người. Giờ có cán bộ bưu điện làm cho việc ấy rồi. Việc đi lấy lương hưu và một ngày, một chỗ như thế này các cụ gặp nhau chuyện trò, có cụ còn sinh hoạt tổ thơ ở đây luôn nên rất vui.

Bác Nguyễn Xuân Hoạt, cán bộ về hưu thị trấn An Dương, Hải Phòng chia sẻ: Lúc đầu thấy thông báo là lương hưu bên bưu điện trả nên nghĩ là khó khăn, phiền hà hơn nhưng đến lúc thấy bưu điện trả nhanh chóng, thuận tiện, thái độ lại rất vui vẻ nên bác ủng hộ cho việc này.

Khi được hỏi có khó khăn gì trong công việc chi trả trực tiếp cho đối tượng, chị Hoàng Thị Tuyết, cán bộ bưu điện huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: Khó khăn lúc đầu do chưa quen đối tượng nhưng bưu điện vẫn được sự hỗ trợ của BHXH huyện và các bác trong tổ hưu trí nên công tác chi trả rất thuận lợi. Nhân viên bưu điện đã quen giao dịch với khách hàng nên rất nhanh thạo việc và không thấy có khó khăn gì.

Chặt chẽ trong quản lý người hưởng

Về công tác quản lý người hưởng, ngành Bưu điện đã chỉ đạo Bưu điện huyện thiết lập các kênh thông  tin thu thập, cung cấp thông tin qua cán bộ trực tiếp chi trả, qua bưu tá, nhân viên của Bưu điện - Văn hóa xã. Bưu điện có thuận lợi trong công tác thu thập thông tin là nhân viên bưu điện văn hóa xã đều là những người sống trên cùng phường xã, thông thuộc về địa bàn nên nắm rõ hoàn cảnh và các đối tượng chi trả.

Tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, khi đến điểm chi trả nào chúng tôi cũng thấy cán bộ của BHXH huyện phối hợp, hỗ trợ cùng cán bộ bưu điện trong công tác nắm đối tượng và các nghiệp vụ chi trả. Bên cạnh đó, Bưu điện vẫn phối hợp với Trưởng ban Hưu trí tại các địa bàn cụ thể để hỗ trợ thêm cho công tác nắm đối tượng, đảm bảo chi trả đúng người, quản lý người hưởng một cách chính xác.

Ông Nguyễn Văn Triển, Giám đốc BHXH huyện Tiên Lãng cho biết: Việc nắm đối tượng khó khăn nhất vẫn là các đối tượng hưởng tuất, nhất là những người hưởng tuất cao tuổi, nếu không quản lý tốt sẽ rất khó thu hồi. Trước khi triển khai chi trả qua bưu điện, BHXH huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện tập huấn cho các cán bộ chi trả, nhất là khâu kiểm tra danh sách, quản lý đối tượng.

Vẫn còn những khó khăn

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, ông Mạc Đình Nguyên, Giám đốc Bưu điện huyện Tiên Lãng chia sẻ, một số người hưởng đang quen được nhận tiền tại nhà, chưa quen đi nhận tiền tại điểm nên có ý kiến, một số người hưởng khác lại chưa quen với các thủ tục ủy quyền cho người khác nhận thay.


Chị Phạm Thị Quỳnh, Kế toán trưởng BHXH huyện Vĩnh Bảo hướng dẫn người dân khai Giấy ủy quyền

Thực tế, khi người dân bị thay đổi thói quen trong việc lĩnh tiền cũng có ít nhiều thắc mắc. Nhất là với các bác đã về hưu, nhiều bác còn ốm đau dẫn đến việc đi lại khó khăn. Cán bộ ngành bưu điện cần kiên nhẫn giải thích cho người dân hiểu làm những việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trong quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thủ tục nếu đi nhận hộ, nhận thay thì phải có ủy quyền nhằm mục đích lớn nhất là để bảo vệ quyền lợi của người được hưởng và quản lý đối tượng hưởng một cách chính xác.

Ông Đỗ Khắc Chất, Giám đốc Bưu điện TP Hải Phòng cho biết, ngành bưu điện và BHXH cùng thực hiện chủ trương của Chính phủ về chi trả qua bưu điện. Hai ngành đã thống nhất nguyên tắc phải giữ nguyên cách thức chi trả và địa điểm chi trả như cũ để không gây xáo trộn nhiều, còn việc cải tiến các điểm chi trả sẽ triển khai dần. Bước đầu triển khai cũng không tránh khỏi những thiếu sót, ngành Bưu điện sẽ khắc phục dần dần nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người hưởng như: cải tiến địa điểm chi trả, thái độ của nhân viên bưu điện…

Có thể nói việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện sẽ đảm bảo kiểm soát được đối tượng hưởng, trả đúng, đủ số tiền cho người nhận, tránh được các trường hợp sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng hưởng, làm thất thoát nguồn tiền của Nhà nước. Đây là bước cải cách hành chính công theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn