Bình Thuận: Cân đối Quỹ khám, chữa bệnh BHYT năm 2012

25/01/2013 06:46 AM


Ngày 22/01/2013, Sở Y tế và BHXH tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác khám, chữa bệnh BHYT năm 2012. Với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế, BHXH các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo 21 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cùng với lãnh đạo 10 phòng khám đa khoa khu vực, 18 trạm y tế xã.

 


Đồng chí Đinh Minh, Giám đốc BHXH tỉnh trao giấy khen cho 04 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Luật BHYT

Tính đến 31/12/2012, tổng số người tham gia BHYT 651.250 người, tỷ lệ bao phủ đạt 55,6% dân số trong toàn tỉnh. Đã có 21 cở sở KCB ký hợp đồng KCB cho người có thẻ BHYT, bao gồm: 19 cơ sở KCB công lập và 2 cơ sở tư nhân. Số Trạm y tế ( TYT) xã thực hiện KCB BHYT là 113/ 127 TYT chiếm khoảng 89% tổng số TYT xã trên toàn tỉnh. Trong năm, đã có 1,8 triệu lượt người bệnh BHYT đi KCB từ tuyến xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương, chi phí hơn 315 tỷ đồng, quyền lợi người tham gia được đảm bảo. Năm 2012, đã có 15/15 cơ sở KCB áp dụng cơ chế thanh toán theo định suất, đạt tỉ lệ 100%.

Sau 3 năm thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình triển khai thực hiện KCB BHYT theo Luật BHYT, đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, người dân thiếu thông tin những quy định mới của Luật BHYT. Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện Luật  BHYT… Tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao.

Chất lượng KCB nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân nhất là ở tuyến y tế cơ sở do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Các bệnh viện đều quá tải, nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh. Tình trạng KCB vượt tuyến còn khá phổ biến dẫn tới vượt Quỹ BHYT. Thực hiện cung ứng thuốc theo Quyết định phê duyệt đấu thầu thuốc của UBND tỉnh gặp nhiều khó khăn như: kết quả đấu thầu chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc trong điều trị, kết quả đấu thầu chậm, sử dụng thuốc điều trị không có trong kết quả đấu thầu với số lượng lớn, giá thuốc cung ứng cao hơn giá phê duyệt;  Quy định trẻ em dưới 6 tuổi có thể sử dụng các giấy tờ thay thế thẻ BHYT để đi KCB (như giấy khai sinh, giấy chứng sinh) gây khó khăn cho công tác thống kê chi phí khám, chữa bệnh BHYT và quản lý KCB ban đầu…

Để công tác khám, chữa bệnh BHYT theo Luật BHYT ngày càng phát triển hoàn thiện hơn. Bộ Y tế cần sớm ban hành Danh mục bệnh mãn tính cần chữa trị dài ngày; hướng dẫn việc khám và chẩn đoán sớm một số bệnh thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, cần có quy định cụ thể thời hạn sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh của trẻ em dưới 6 tuổi;  Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam cần có chung phần mềm thống kê chi phí KCB thống nhất, dùng chung cho cơ sở KCB BHYT thuận tiện trong việc thống kê tổng hợp và báo cáo chi phí khám, chữa bệnh BHYT; việc tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại TYT xã cần được quan tâm, quy định cụ thể, tạo điều kiện để triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi người dân khi đi KCB.

Phát biểu tại Hội nghị, bác sĩ Phan Thị Song Vân, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu kết luận Hội nghị khẳng định: Sau 3 năm thực hiện Luật BHYT nói chung, năm 2012 nói riêng. Hai ngành đã thực hiện khá tốt việc triển khai KCB theo Luật BHYT; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, cùng với đó Quỹ BHYT đã được cân đối và có dự phòng. Sự phối hợp giữa hai Ngành BHXH, Y tế cũng như cơ sở KCB trong thời gian qua cơ bản rất tốt, Trung ương có chỉ đạo mới về công tác khám, chữa bệnh BHYT hai cơ quan đều phổ biến đến các cơ sở KCB kịp thời, nhanh chóng để triển khai  thực hiện vì quyền lợi người bệnh. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện tốt Luật BHYT, phấn đấu đến năm 2014, 80% dân số trong tỉnh có thẻ BHYT; trẻ em dưới 6 tuổi cần có quy định thời gian sử dụng giấy khai sinh, giấy khai sinh; tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm y tế  và bệnh viện huyện để triển khai công tác khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã được thuận lợi, bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác KCB tại y tế cơ sở để hạn chế tình trạng lạm dụng trong kê đơn thuốc, lạm dụng cận lâm sàng; tránh tình trạng gây phiền hà cho người bệnh; không phân biệt đối xử người có thẻ BHYT với người không có thẻ BHYT...

Năm 2013 để hạn chế bội chi Quỹ BHYT, nên thực hiện nghiêm Quyết định của Bộ Y tế: “ Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng 50% thuốc việt, bệnh viện tuyến huyện sử dụng 70%. Sử dụng thuốc có chi phí cao cũng là một trong những nguyên nhân gây bội chi Quỹ BHYT.

Nguồn TC BHXH