Hiệu quả từ công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội

22/04/2014 07:32 AM


Kể từ khi Luật BHXH và Luật BHYT được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Đến năm 2013, số người tham gia BHXH đạt gần 11 triệu người, số người tham gia BHYT đạt gần 63 triệu người chiếm khoảng 70% dân số cả nước.


Lễ ký thoả thuận tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội năm 2013

Đạt được nhiều kết quả

Đạt được những kết quả trên chính là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/11/2012 của Bộ Chính trị về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp đã góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT. Năm 2013, BHXH Việt Nam đã ký thoả thuận với 13 Bộ, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội đó là: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Cục văn hoá cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức các hoạt động tuyền truyền về Luật BHXH, BHYT.

Nhằm thống nhất từ Trung ương tới cơ sở về lựa chọn đối tượng, nội dung, hình thức tuyên truyền, các đơn vị đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên. Các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 18 lớp tập huấn dưới các hình thức độc lập ở cơ sở hoặc lớp lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT trải dài ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam.

Với mục đích đưa chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến gần hơn với người lao động, chủ sử dụng lao động, học sinh – sinh viên và các thành phần lao động khác. Trong năm 2013, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng với các đơn vị tổ chức các cuộc đối thoại, toạ đàm, tư vấn tại cơ sở, cụ thể: Bộ LĐ – TB&XH tổ chức 02 hội thảo tuyên truyền về chính sách BHXH, BH thất nghiệp đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh; Bộ Y tế tổ chức 03 cuộc đối thoại chính sách BHYT tại Tiền Giang, Lạng Sơn và Hà Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 04 cuộc tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT tự nguyện với nông dân được thực hiện ở 4 huyện tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang; Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức 04 cuộc đối thoại tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho công nhân các khu công nghiệp tại các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và tại Thủ đô Hà Nội; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức 02 lớp tập huấn tại Trường Trung học phổ thông ở Bắc Giang; Liên minh HTX Việt Nam tổ chức 06 cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp tại các HTX, doanh nghiệp thành viên  tại Vĩnh Phúc, Nghệ An và thành phố Cần Thơ; Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức 02 cuộc đối thoại chính sách BHXH, BHYT tại tỉnh Hưng Yên; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền Luật BHXH, Luật BHYT tại các khu công nghiệp của thành phố Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương; Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại cơ sở của hội viên từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2013. Tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật  cho hơn 200 cán bộ, CNV, học sinh, sinh viên của trường Cao đẳng nghề LADEC về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức tập huấn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tại tỉnh Lai Châu về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện.

Để thống nhất nội dung tuyên truyền, Ban Tuyên truyền đã phối hợp với Ban THCS BHXH, Ban THCS BHYT (BHXH Việt Nam) biên tập các tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”, tờ rơi những điều cần biết về BHYT cho học sinh, sinh viên, tờ gấp tuyên truyền về BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo, tờ gấp BHXH bắt buộc, tờ gấp BHXH tự nguyện, sách hỏi đáp về BHYT, sổ tay BHXH… Trên cơ sở nội dung tuyên truyền do BHXH Việt Nam cung cấp các cơ quan tự tổ chức in và phát hành các ấn phẩm trên. Ngoài ra, còn có thể đăng ký mua các tài liệu tuyên truyền của BHXH Việt Nam thông qua NXB.

Ngoài ra các đơn vị phối hợp đều sử dụng báo viết, báo điện tử và website của Ngành để tuyên truyền về BHXH, BHYT với các hình thức chuyên đề, chuyên trang, mở các mục giải đáp với bạn đọc vào các vị trí cố định của nhật báo, tuần báo với nội dung chính là chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Có thể nói năm 2013, việc phối hợp tổ chức tuyên truyền với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã đạt kết quả tích cực, tạo được quy mô rộng về địa bàn, đa dạng về nội dung và hình thức. Phạm vi tuyên truyền đến với mọi đối tượng trong xã hội nhất là nhóm đối tượng: học sinh, sinh viên, nông dân, người lao động trong các làng nghề, hợp tác xã, người thuộc hộ cận nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp. Nhiều đối tượng đã thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân khi tham gia BHXH, BHYT, thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những chính sách này nên đã tích cực tham gia thực hiện.

Ngày càng đổi mới công tác phối hợp tuyên truyền

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giữa BHXH Việt Nam và các đơn vị phối hợp cũng bộc lộ những hạn chế đó là một vài chương trình phối hợp vì được lồng ghép vào những hoạt động xã hội khác nên việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT chỉ là nội dung phụ chưa được nhiều người chú ý dẫn đến hiệu quả chưa cao. Chưa có nhiều ấn phẩm tuyên truyền được đánh giá cao về hình thức, nội dung còn dài chưa cô đọng. Có đơn vị khi tổ chức tuyên truyền tại cơ sở chỉ sử dụng cán bộ của hệ thống mình chưa phát huy khả năng của BHXH các tỉnh, huyện, thị để phối hợp nên không giải thích được những vướng mắc từ thực tế hoặc chỉ phổ biến theo những tài liệu in sẵn nên việc tuyên truyền chưa có sức hấp dẫn và thuyết phục. Ở một số cơ sở khi tổ chức đối thoại chưa đi đúng chủ đề mà còn nặng về báo cáo thành tích, không đi thẳng vào nội dung trọng tâm các vấn đề cần giải quyết. Mặt khác, lại chưa tranh thủ được khả năng của cán bộ tư vấn có trình độ nghiệp vụ để trả lời những vấn đề cụ thể của người được tuyên truyền.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp, trên 80% dân số tham gia BHYT. Chính vì vậy việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu đúng và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về BHXH, BHYT có một ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành BHXH.

Trong năm 2014 công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới về cả nội dung và hình thức. Tập trung tuyên truyền về Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”; Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2013 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tuyên truyền về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam trong thời gian qua hướng tới chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2015); Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Tuyên truyền những nội dung cơ bản và những nội dung sửa đổi của Luật BHXH, BHYT; Tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Tuyên truyền những kinh nghiệm, mô hình thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Đấu tranh với những hành vi vi phạm, lạm dụng chính sách BHXH, BHYT hiện nay./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn