Hội thảo đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thực hiện BHYT cho người lao động tại doanh nghiệp tư nhân

11/10/2013 03:27 AM


Ngày 9/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện BHYT đối với người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân. Tham dự hội thảo có đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế; Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo BHXH tỉnh Thái Nguyên, Kiên Giang, Quảng Nam, BHXH thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. TS.Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì buổi hội thảo.

 


Nghiên cứu, tổng hợp của Ban Thu, BHXH Việt Nam cho thấy chỉ khoảng 15-16% doanh nghiệp tư nhân thực hiện Luật BHYT cho người lao động. Thống kê năm 2011 có 7.824/48.930 doanh nghiệp tư nhân thực hiện đóng BHYT cho người lao động; con số năm 2012 là 8.012/51.222 doanh nghiệp. Số lao động trong các doanh nghiệp tư nhân được đóng BHYT cũng rất hạn chế; năm 2011 chỉ đạt 13.8% (76.523/556.300; năm 2012 đạt 12% (72.374/558.647).

Nghiên cứu, khảo sát thực hiện tại 06 tỉnh, thành phố của Ban Thu, BHXH Việt Nam đã chỉ rõ nguyên nhân của hạn chế nói trên. Theo đó, công các quản lý với doanh nghiệp tư nhân chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành Luật BHYT của doanh nghiệp cũng như của người lao động chưa cao; công tác năm bắt đối tượng, kiểm tra đôn đốc trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT tại các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa được quan tâm đúng mức; vai trò của chỉ đạo của các cấp uỷ chính quyền, sự phối hợp giữa các ngành chức năng cũng chưa thực sự hiệu quả.

Để việc thực hiện Luật BHYT của các doanh nghiệp tư nhân được tích cực hơn, một số kiến nghị cũng đã được đưa ra thảo luận như: đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHYT; tăng mức phạt với các hành vi vi phạm luật BHYT; điều chỉnh Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2005, quy định rõ trách nhiệm cơ quan thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh; quy định cơ quan Thuế khi quyết toán thuế phải có xác nhận việc đóng BHXH, BHYT của cơ quan BHXH; quy định các doanh nghiệp khi đăng kí kinh doanh phải bắt buộc tham gia BHXH, BHYT mới được phép hoạt động…Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các ngành chức năng tại các địa phương trong khai thác quản lý nắm bắt số doanh nghiệp tư nhân, số lao động phải được tăng cường thực hiện, việc quản lý thông tin; thanh, kiểm tra giữa các doanh nghiệp cũng phải được tăng cường hơn nữa.

Liên quan đến nội dung này, tham luận của các đồng chí lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố cũng đưa ra một số kinh nghiệm như về quản lý nắm bắt số lao động tại các doanh nghiệp tư nhân; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương; sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và các ngành chức năng tại các tỉnh thành phố…

BS.Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng: để tăng tỷ lệ tham gia BHYT của người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp uỷ chính quyền. Đây cũng là yêu cầu thực hiện được nêu ra trong Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, và Đề án Thực hiện BHYT toàn dân theo Quyết định 538 của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ý kiến phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tăng cường sự liên thông, trao đổi số liệu thống kê giữa cơ quan BHXH với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Chi cụ Thuế.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh việc thực hiện Luật BHYT của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế; BHXH các tỉnh, thành phố phải tăng cường quan tâm đến nhóm đối tượng này nhiều hơn. Phải nắm cụ thể hơn số doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này, từ đó có biện pháp tuyên truyền cũng như rà soát thanh tra, kiểm tra hiệu quả hơn. Các giải pháp đưa ra tại hội thảo rất thiết thực nhưng để thực hiện cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan BHXH cũng như sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Với các loại hình doanh nghiệp khác, cũng phải sớm có thống kê làm rõ tình hình thực hiện Luật BHYT, chỉ rõ những hạn chế và sớm có biện pháp khắc phục kịp thời./.

Nguồn TC BHXH