Không gian hội tụ của nghệ thuật và bản sắc văn hóa
01/08/2024 09:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khúc cua lãng mạn trên đường Lý Tự Trọng (Phường 2, TP Đà Lạt) những ngày này đang mang trên mình diện mạo mới. Cung đường nghệ thuật với chủ đề “Ánh sáng nghệ thuật” được mở ra tạo không gian kết nối trong cộng đồng, một nơi giao lưu độc đáo, sáng tạo cho cả người dân địa phương và du khách.
Trên cung đường rợp bóng cây xanh với những khúc cua uốn lượn bên gốc thông già mang đặc trưng Đà Lạt, vẻ đẹp của đa dạng các thể loại của nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật thị giác được phô diễn như: nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa, biểu diễn âm nhạc; nghệ thuật sắp đặt. Ở đó là hình ảnh con người, phong cảnh, các nét tinh hoa Việt Nam, với điểm nhấn là phố núi Đà Lạt; nhấn mạnh vị thế đặc biệt về văn hóa - nghệ thuật của TP Đà Lạt; xây dựng Đà Lạt hướng đến trở thành Thành phố Di sản thế giới.
Trên những lối đi quanh co, ven những bậc đá, bờ đất, trên sườn đồi, công chúng dễ dàng tiếp cận thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, mỹ thuật trong không gian mở rộng lớn, thiên nhiên tươi đẹp. Tranh, ảnh khắc họa hình ảnh đất nước, con người cùng những sinh hoạt đời thường, lao động sản xuất trên khắp mọi miền, càng làm cho Đà Lạt thêm lãng mạn.
Với tên gọi “Ánh sáng nghệ thuật”, bên cạnh sự giao thoa đa dạng từ nhiếp ảnh, nghệ thuật ánh sáng, Cung đường nghệ thuật đã gây ấn tượng bởi những hiện vật văn hoá Tây Nguyên của người K'Ho và nghệ thuật sắp đặt được trưng bày ngoài trời, tạo nên một không gian nghệ thuật đặc sắc để người xem có thể tiếp cận trực tiếp với tác phẩm qua nhiều góc độ và cung bậc ánh sáng ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày.
Đặc biệt, nhà sưu tầm hiện vật văn hóa Nguyễn Quốc Dũng đã mang đến cung đường nghệ thuật một không gian trưng bày độc đáo với hơn 100 chiếc gùi của đồng bào K’Ho với nhiều kích cỡ lớn nhỏ, công dụng khác nhau, cùng 25 cái trống da trâu với màu đen xám chồng lên những lớp thời gian đã được đưa đến công chúng. Bộ sưu tầm hạt cườm trang sức của phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên đã làm nên nét đặc sắc cho không gian, phô diễn vẻ đẹp trong bản sắc. Tất cả các hiện vật văn hóa đó là tâm huyết của nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng, với tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa dân tộc, hơn 20 năm qua, anh đã dành cả thanh xuân đời mình đi khắp các buôn làng Tây Nguyên để tìm kiếm, mua về, bảo tồn, nâng niu, gìn giữ như những báu vật quý giá.
Trong không gian hội tụ nghệ thuật và đậm sắc màu văn hóa trên cung đường mộng mơ đó, hàng tuần có nhiều hoạt động luân phiên diễn ra như: trình diễn âm nhạc, biểu diễn thời trang đường phố, cuộc thi âm nhạc, trình diễn nghi thức đội theo chủ đề, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, trình diễn nghệ thuật đường phố, trình diễn những bài ca về Đà Lạt, tham quan các tác phẩm nhiếp ảnh, điêu khắc, hiện vật văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, thưởng lãm không gian nghệ thuật sắp đặt, tọa đàm giao lưu với các nghệ sĩ thành danh trên cả nước.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên giãi bày: “Người nghệ sĩ sinh ra để làm đẹp cho đời và mong muốn mang cái đẹp đến với nhiều người. Cung đường “Nghệ thuật ánh sáng” đã mở ra không gian đẹp đa sắc màu để nghệ sĩ chúng tôi góp sức đưa tác phẩm của mình đến với công chúng”. Gặp gỡ trò chuyện cùng người xem, nói về hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Thái Phiên đã làm thay đổi quan niệm, cái nhìn của mọi người về ảnh nude, nghệ thuật nude bởi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông, làm bật lên cái đẹp của tạo hóa, cái đẹp của hình thể con người, vô cùng thanh thoát, không gợn chút dung tục.
Để có cung đường nghệ thuật phong phú, đa dạng các loại hình, các nghệ sĩ có tên tuổi và tầm ảnh hưởng trong giới nghệ thuật Việt Nam đã góp sức triển lãm tác phẩm của mình như: Nguyễn Như Huy, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Lý Hoàng Long, Thịnh Lê, Thái Phiên, Nguyễn Đức Tú, Phan Quang, XEM Collective Group, Lê Đăng Ninh... Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những nghệ sĩ trẻ mang đến nhiều điều mới mẻ, bất ngờ cho người thưởng lãm.
Nghệ sĩ Phan Quang, người sáng lập Stop And Go Art Space và chủ trì tổ sáng tạo Cung đường nghệ thuật mong muốn nơi đây sẽ là một không gian nghệ thuật cởi mở, là nơi trải nghiệm văn hóa nghệ thuật đầy màu sắc và phi lợi nhuận cho tất cả mọi người, thúc đẩy Đà Lạt không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng mà còn là nơi hội tụ, giao lưu đa lĩnh vực cho các nghệ sĩ thị giác và là trung tâm nghệ thuật ở phía Nam.
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng khẳng định: “Cung đường nghệ thuật đã trải qua một mùa thử nghiệm, ở mùa thứ hai này có nhiều yếu tố về nghệ thuật xứng đáng để chào mừng TP Đà Lạt được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo về âm nhạc. Sắp tới, Đà Lạt tố chức Festival Hoa lần thứ X. Hoạt động của Cung đường nghệ thuật là cách thức khởi xướng tạo cảm hứng lan tỏa từ Đà Lạt cho các địa phương trong tỉnh.
Đà Lạt sẽ tiếp tục nở hoa và lấp lánh hơn không chỉ về cảnh quan môi trường mà đó còn là nơi phát xuất các ý tưởng sáng tạo về mỹ thuật, về nhiếp ảnh, về các không gian nghệ thuật sắp đặt, không chỉ là nơi để đến mà còn là nơi để trở về của du khách trong nước và quốc tế. Từ một cung đường nghệ thuật, sắp tới Đà Lạt sẽ có thêm nhiều cung đường nghệ thuật hơn nữa không chỉ ở trong mặt vật lý mà còn trong tâm thức của người Đà Lạt. Ở đâu, con dốc nào, quãng đường nào cũng là nghệ thuật, và ở đó chúng ta có thể tìm thấy tình yêu đất nước, quê hương Việt Nam qua tình yêu Đà Lạt”.
Cung đường “Ánh sáng nghệ thuật” sẽ diễn ra từ nay đến tháng 6/2025.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...