Luật Căn cước bắt đầu đi vào cuộc sốngNiềm vui của người dân khi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức tăng mới

08/07/2024 07:28 AM


Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới, phù hợp tình hình thực tế, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Để đảm bảo phục vụ người dân đến làm các thủ tục về căn cước, công an các huyện, thành phố trong toàn tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tăng cường cán bộ chiến sĩ phục vụ, chuẩn bị mọi điều kiện, hướng dẫn người dân đảm bảo nhanh gọn, đúng quy trình, với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”.

 

Lấy vân tay cho trẻ em trên 6 tuổi

Để chuẩn bị các điều kiện triển khai Luật Căn cước từ ngày 1/7/2024, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, với vai trò, nhiệm vụ được giao, công an các huyện, thành phố đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai bộ luật này trên địa bàn huyện; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đội công tác, công an xã, thị trấn; trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung quy định của Luật Căn cước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Triển khai Cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Căn cước trong Công an Nhân dân”; Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam” đến cán bộ, chiến sĩ và người dân trên địa bàn; tuyên truyền trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, hệ thống truyền thanh, in phát tờ rơi tại các thôn, tổ dân phố… 

Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, giúp người dân hiểu được các quy định của Luật Căn cước. Bên cạnh đó, đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, máy móc, thiết bị và cử cán bộ tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật thu nhận thông tin về mống mắt của công dân theo quy định; rà soát, dự kiến số lượng cấp căn cước cho công dân có nhu cầu và người thuộc diện phải cấp, cấp đổi, cấp lại...

Thượng tá Trần Quốc Hội - Trưởng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một số người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...). Thẻ căn cước có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân. Với công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước.

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc... Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân..., góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội.

Có mặt tại Trung tâm Hành chính Công tỉnh Lâm Đồng ngày 1/7, ngày đầu triển khai, phóng viên ghi nhận rất đông người dân đưa con nhỏ đến tham gia làm thẻ căn cước, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng được cấp căn cước cho các trường hợp từ 0 đến 6 tuổi và từ 6 đến 14 tuổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính nên người dân đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với việc triển khai Luật Căn cước. Nhiều phụ huynh chia sẻ khi có căn cước sẽ thuận lợi hơn khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động trong sinh hoạt đời thường, cũng như trong học tập.

Luật Căn cước là dự án luật thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, không chỉ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước. Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ.

Với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các lực lượng trong Công an tỉnh, nên ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Luật Căn cước, mặc dù số lượng công dân đến làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước rất đông. Song việc thực hiện các quy trình, thủ tục đều được lực lượng công an tận tình hướng dẫn, bảo đảm thu nhận thông tin, dữ liệu cấp căn cước chính xác, nhanh chóng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân; góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, quản lý dân cư, bảo đảm quyền công dân, hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

Sẽ thu thập sinh trắc học mống mắt khi công dân làm thẻ căn cước

Theo khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước. Trong đó, có nêu rõ: Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. Như vậy, từ ngày 1/7/2024, khi công dân thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ được thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt.

Theo đó, việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...). Việc thu thập mống mắt để bổ sung cho thẻ căn cước, Điều 46 Luật Căn cước 2023 cũng nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Thẻ căn cước công dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết 30/6/2024.

Thẻ căn cước công dân vẫn được sử dụng bình thường nếu thời hạn trên thẻ vẫn còn mà không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung cho thẻ này. Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt.

https://baolamdong.vn/