Công an Đà Lạt tăng cường tuyên truyền Luật Căn cước 2023

13/05/2024 08:15 AM


Từ ngày 1/7 tới đây, Luật Căn cước 2023 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân nên công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước đang được Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tại TP Đà Lạt, các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an thành phố đang khẩn trương, chủ động đổi mới phương thức tuyên truyền Luật Căn cước, tạo được sự đồng thuận cũng như ủng hộ của người dân.

Công an TP Đà Lạt phát tờ rơi tới tận tay người dân trên địa bàn để tăng cường tuyên truyền các điểm mới của Luật Căn cước 2023
Công an TP Đà Lạt phát tờ rơi tới tận tay người dân trên địa bàn để tăng cường tuyên truyền các điểm mới của Luật Căn cước 2023

Tại địa bàn Phường 8 có số lượng người dân thường trú, tạm trú khá đông đúc tại thành phố, Thiếu tá Chu Anh Quang - Trưởng Công an Phường 8 cho biết, thống kê mới nhất đầu tháng 5/2024, địa phương có số hộ thường trú 4.944 hộ với 21.631 nhân khẩu và số hộ tạm trú là 2.161 hộ với 4.008 nhân khẩu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP Đà Lạt, Công an Phường 8 đã tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cụ thể, những ngày qua, Công an Phường 8 đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như trực tiếp tuyên truyền tại trường học, chia sẻ bài viết trên facebook; trên zalo; loa phát thanh; tại các cuộc họp hệ thống chính trị... Đồng thời, in 2.000 tờ rơi 10 điểm mới của Luật Căn cước để hướng dẫn, phát xuống các tổ dân phố, cho người dân trên địa bàn.

“Để Luật Căn cước đi vào đời sống xã hội, Công an Phường 8 sẽ tiếp tục chủ động, tăng cường công tác phối hợp với các đoàn thể chính trị của phường đẩy mạnh các buổi tuyên truyền, phát tờ rơi, thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ tính năng, công dụng của thẻ căn cước trong công việc thường ngày cũng như các giao dịch, xử lý các vụ việc dân sự liên quan”, Thiếu tá Chu Anh Quang chia sẻ.

Tương tự tại địa bàn Phường 8, hệ thống chính trị của các phường, xã và lực lượng công an cơ sở đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước trên trang thông tin điện tử địa phương, trang fanpage của công an các đơn vị. Đồng thời, phát các tài liệu liên quan đến Luật Căn cước tới người dân để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn.

Theo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Đà Lạt, có nhiều điểm mới về Luật Căn cước 2023 người dân rất quan tâm, như: Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16, Điều 23). Việc thu nhận thông tin về sinh trắc học ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước (kể cả thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói). Ngoài ra, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 cũng quy định: Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ; chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024;…

Thống kê tới cuối tháng 4/2024, 100% công an các phường, xã trên địa bàn đã đăng bài tuyên truyền 10 điểm mới của Luật Căn cước 2023 trên nhiều nền tảng của mạng xã hội. Công an các phường, xã đã in 133 pano, gần 10.000 tờ rơi tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng Luật Căn cước, định danh và xác thực điện tử với đời sống xã hội, đặc biệt là tính ưu việt của Luật Căn cước (trong đó có ý nghĩa của việc thu thập sinh trắc học ADN, mống mắt, giọng nói...). Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tập trung đa dạng các hình thức, trong đó khuyến khích tuyên truyền về các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, cách làm sáng tạo, hiệu quả, các mô hình hay trong công tác cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử.

Tính đến cuối tháng 4/2024, toàn TP Đà Lạt đã cấp căn cước công dân cho 184.414 trường hợp, đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 154.209 trường hợp. Để thực hiện có hiệu quả Luật Căn cước và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng và Công an tỉnh, Công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở đẩy mạnh hoàn thành các chỉ tiêu về thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đảm bảo các điều kiện cần thiết, sẵn sàng triển khai thực hiện Luật Căn cước.

UBND TP Đà Lạt ngày 7/5 cũng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước và giao cho Công an thành phố và Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng UBND phường, xã, các cơ quan, đơn vị với chỉ tiêu tuyên truyền cụ thể, như: 100% địa điểm tiếp dân, địa điểm công cộng, các tuyến đường chính được treo pano, áp phích tuyên truyền 10 điểm mới của Luật Căn cước và các nội dung có liên quan; 100% các đơn vị, địa phương đăng tải đầy đủ các nội dung tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, fanpage của đơn vị quản lý; 100% hệ thống chính trị ở cơ sở lồng ghép tuyên truyền về Luật Căn cước trong các hội nghị, các buổi họp dân, trên loa phát thanh do địa phương quản lý...

Thời gian tới, để Luật Căn cước đi vào đời sống xã hội, Công an TP Đà Lạt cũng như các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các buổi tuyên truyền nhằm lan tỏa sâu rộng quy định mới của Luật Căn cước 2023 đến cụ thể từng người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.    

Báo Lâm Đồng