Đoàn công tác BHXH Việt Nam tưởng niệm, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

20/04/2024 08:12 AM


Ngày 18/4, ông Vũ Quốc Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan BHXH Việt Nam cùng Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ; viếng các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 và tham quan, tìm hiểu tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Di tích lịch sử Đồi A1, hầm Đờ-Cát...

Đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một kỳ tích vẻ vang, mốc son chói lọi, bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, tác động mạnh mẽ tới phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Với lòng quả cảm, tinh thần anh dũng hi sinh, qua suốt 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn", các Anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.

Để làm nên chiến thắng đó, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Đoàn công tác tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Đã 70 năm trôi qua, song ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, Đoàn công tác đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Được xây dựng năm 1958 và nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, cách điểm di tích lịch sử đồi A1 khoảng 100 m về phía Nam, là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó hầu hết là liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi. Tại nghĩa trang A1 có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can.

Sau khi tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, Đoàn đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng từ năm 2012, khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2014 với tổng diện tích hơn 18.000m2. Nhà trưng bày có diện tích 1.250m2, gồm 5 phần, với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, những cảnh quan, cảnh tượng được trưng bày khoa học, trực quan sinh động tái hiện lại cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất hào hùng của quân và dân Việt Nam.

Đoàn công tác tại Trung tâm của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đặc biệt tại không gian tầng II, bức tranh Panorama phác họa những khoảnh khắc tiêu biểu nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 gây ấn tượng mạnh. Bức tranh là một tác phẩm đặc biệt, có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật, là kiệt tác hội họa độc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, mang tầm thế giới, đem đến cho công chúng một cách tiếp cận mới khi tìm hiểu, nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là "địa chỉ đỏ" tổ chức các sự kiện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử và trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cùng ngày, Đoàn đã tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, TP.Điện Biên Phủ). Đây là vị trí làm việc 105 ngày của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy…

Trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954), tại căn cứ ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2. Nơi đây được người dân địa phương trìu mến gọi là “rừng Đại tướng”.

Hành trình về nguồn có ý nghĩa hết sức to lớn đối với Đoàn công tác BHXH Việt Nam. Hoạt động này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ người trồng cây," tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, vừa tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ về tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, vượt gian khó vươn lên xây dựng chiến trường xưa của các thế hệ cha ông đi trước...

https://baohiemxahoi.gov.vn