Phải xử lý hết sức có trách nhiệm vướng mắc về thủ tục hành chính
18/03/2024 10:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận mà phải xử lý vướng mắc về thủ tục hành chính (TTHC) một cách hết sức có trách nhiệm.
Ngày 26/2, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Tổ công tác cải cách TTHC và Hội đồng tư vấn Cải cách TTHC.
Phiên họp thứ ba của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Hải Minh
Báo cáo cho biết, đến nay, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC đã đạt được những kết quả nổi bật như hơn 2.700 quy định kinh doanh và 561 trên 1.086 thủ tục theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ được cắt giảm, đơn giản hóa...
Việc đổi mới thực hiện, giải quyết TTHC được chú trọng, đã có hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4%, tăng 1,4 lần so với năm 2022; địa phương đạt 37,4%, tăng 3,7 lần so với năm 2022.
Tại phiên họp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu một số bất cập, vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu tại chỗ, bảo hiểm xã hội, lãi suất các khoản vay cũ, bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Tổ công tác và Hội đồng tư vấn về những kết quả đã đạt được trong cải cách TTHC trên các lĩnh vực trong năm 2023, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương.
Bên cạnh đó, vẫn còn những quy định không phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của đất nước và xu thế phát triển chung, trong khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào luật chơi chung của thế giới.
Đặc biệt, có sự "chông chênh" giữa các quy định trong luật, thông tư, nghị định; giữa các cơ quan Trung ương; giữa cơ quan Trung ương với địa phương; thậm chí giữa các địa phương.
Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm có nguyên nhân từ TTHC nội bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương. Một số việc xử lý chưa hiệu quả do mới chỉ dừng lại ở mức độ "ghi nhận" phản ánh, kiến nghị khi đi họp.
Đối với TTHC trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo…, Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải coi đây là cơ hội thay vì than khó. Bởi, nếu than khó, chắc chắn sẽ thất bại chứ chưa nói đến phát triển.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu các thành viên của Tổ công tác tiếp tục duy trì cơ chế tiếp nhận bằng nhiều hình thức, bao gồm cả đối thoại trực tiếp và xử lý thông tin, phản ánh một cách hết sức có trách nhiệm, trước hết là thông tin, phản ánh, đề xuất từ Hội đồng tư vấn cải cách TTHC.
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...