Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa lợi ích và tính ổn định của chính sách
24/11/2023 09:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 23/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) khẳng định, Luật BHXH lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của NLĐ và người SDLĐ, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Quan tâm tới quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, ĐB cho biết, Điều 20 Dự thảo quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028; 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Mặt khác, khoản 1 Điều 21 dự thảo quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Theo đó, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi mà NLĐ tham gia BHXH bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động... “Quy định như vậy vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi; mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho NCT chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện nên gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sửa lại “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ”- ĐB Huế đề nghị.
ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn)
Góp ý về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ĐB Phạm Thị Kiểu (Đắk Nông) cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố cho thấy Dự thảo luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28 của Trung ương là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, hiện phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần NSNN chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Do đó, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.
Về các đối tượng quy định tại điểm l, m, khoản 1 Điều 3 của Dự thảo luật, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này. Các đối tượng này không phải là người hưởng tiền lương và chưa chắc chắn là “có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên” mà bắt buộc phải tham gia BHXH. Nên quy định hình thức khuyến khích tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này để bảo đám tính tương thích, thống nhất với quy định tại khoản 4, Điều 4 dự thảo luật “BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ có quyền tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình”.
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên)
Đồng tình với việc mở rộng diện bao phủ BHXH tại Dự thảo Luật, ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) khẳng định, việc mở rộng này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH, song cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH. Theo phân tích của ĐB, việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả NLĐ và người SDLĐ. Do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia BHXH bắt buộc của các nhóm đối tượng này; tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.
“Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong Dự án Luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể. Thực tiễn, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý và xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như Dự thảo Luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…”- ĐB Mai phân tích.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Khẳng định nhận BHXH một lần là quyền lợi của NLĐ, song ĐB cho rằng, NLĐ hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân. Cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút BHXH một lần để có giải pháp căn cơ. Cần xem xét điều kiện rút BHXH một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ.
Góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ĐB Sùng A Lềnh (Lào Cai) tán thành sự cần thiết phải sửa đổi quy định về BHXH một lần trong Dự thảo Luật để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Tuy nhiên, để khắc phục được tình trạng số lượng người nhận BHXH một lần tăng lên hàng năm như thời gian gần đây, Ban soạn thảo cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về BHXH.
ĐB Sùng A Lềnh (Lào Cai)
Đánh tác tác động kỹ quy định BHXH một lần
Liên quan đến trợ cấp hưu trí tại Dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho biết, Dự thảo Luật đã giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28, cụ thể hóa quy định về bảo đảm an sinh xã hội của Hiến pháp, phù hợp với Công ước số 102 và xu hướng hiện nay về BHXH đa tầng như nhiều quốc gia trên thế giới; đồng thời kế thừa và phát triển quy định hiện hành về trợ giúp người cao tuổi. Đây là quy định đáp ứng mong mỏi của đông đảo cử tri cả nước, đặc biệt NCT, thể hiện sự quan tâm, tính ưu việt, nhân văn trong chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước.
ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang)
“Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, việc giảm độ tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000- 1 triệu người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT. Với cách thiết kế hiện nay để mở quy định về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, khả năng của NSNN từng thời kỳ và kết hợp với việc huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, để NCT có mức hưởng cao hơn. Thể hiện cách thức thực hiện rất linh hoạt, huy động sự chung tay của toàn xã hội để chăm lo cho NCT, lấy quyền lợi của NCT làm trung tâm, trong bối cảnh Việt Nam ngày một già hóa dân số”- ĐB Cầm khẳng định.
Về hưởng BHXH một lần, ĐB Nguyễn Thanh Cầm đánh giá rất cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã rất cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng khi nhận định đây là vấn vấn lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp và đã đưa ra nhiều phương án, ý kiến khác nhau, được thể hiện và phân tích kỹ cả về ưu điểm và hạn chế của từng phương án. Đồng thời, kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới, để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của NLĐ về việc hưởng BHXH một lần. “Tôi ủng hộ phương án NLĐ được rút BHXH một lần và được rút một mức thỏa đáng nhất có thể được. Bên cạnh đó, đề nghị có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng, vốn vay ưu đãi cho NLĐ kèm theo công tác vận động, truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện”- ĐB Cầm nhấn mạnh.
ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn)
Liên quan đến quy định BHXH một lần, ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ NLĐ tham gia thay vì hạn chế quyền rút NLĐ của NLĐ. ĐB dẫn chứng: “Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã trả lời chất vấn về nguyên nhân NLĐ rút BHXH một lần và đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH dễ dàng như Việt Nam”.
Cũng theo ĐB Thái, nhiều DN, đặc biệt DN kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng. NLĐ bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt và trên thực tế tại các KCN chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18- 40, quá tuổi lao động trên hầu hết NLĐ phải đi xin việc làm các công việc tự do khác, mặt khác công nhân nhiều tuổi cũng sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc và thực tế ở Việt Nam.
Tham gia thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, Dự thảo Luật đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng BHXH, thấp hơn 5 năm so với Luật BHXH 2014. Quy định này sẽ giúp thu hút được nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng BHXH, đồng thời tạo điều kiện thêm cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay mà đồng thời giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu sẽ có thể dẫn đến việc NLĐ lợi dụng chính sách nhiều lần rút “BHXH một lần”, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những NLĐ tham gia đóng BHXH từ sớm. Ngoài ra, việc giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn tới tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng BHXH ngắn. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ khi nghỉ hưu. Do đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hoá sự thay đổi này, vừa mở rộng các đối tượng được hưởng lương hưu, vừa đảm bảo mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo cơ bản đời sống của NLĐ khi nghỉ hưu.
Về BHXH một lần (điểm d khoản 1 điều 70 và điểm đ khoản 1 điều 102), ĐB Việt Nga khẳng định, rút BHXH một lần là một thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân. Thực tế, dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nhưng trong những năm qua, việc rút BHXH một lần vẫn chưa có xu hướng giảm. Đây là một vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân, đặc biệt những trường hợp cần rút BHXH một lần đều là những trường hợp thường có khó khăn về kinh tế, vì vậy sẽ rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Nếu không có những quy định triệt để thì rất khó có thể dần xoá bỏ tình trạng rút BHXH một lần, nhưng đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thì dường như việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút BHXH một lần từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) là chưa thực sự phù hợp. “Để hạn chế tình trạng này, các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh khác nhau. Cụ thể, trao quyền lựa chọn cho NLĐ bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân NLĐ trong hệ thống BHXH; quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH một lần, từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH một lần”- ĐB Nga đề xuất.
Tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là điều cần thiết. So với luật hiện hành, Dự thảo Luật đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cổ phần vốn nhà nước… Theo ĐB, quy định này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri thường kiến nghị nội dung tham gia BHXH bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ở tổ dân phố. “Việc tham gia BHXH của chủ hộ kinh doanh trong thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đương nhiên sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ BHXH, đây là cái đích chúng ta đang hướng đến, tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả”- ĐB Nga nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)
Đánh giá cao việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) thống nhất cao với Ban soạn thảo về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 3. Bởi quy định này rất khó triển khai thực hiện và không thể áp dụng một cách triệt để, hiệu quả. Vì thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù mà không có giao kết HĐLĐ, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng để làm cơ sở cho việc đóng BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của NLĐ.
Đồng tình với nhiều nội dung tại Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) khẳng định, Dự thảo Luật lần này tiếp tục có những quy định để mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần của Nghị quyết số 28 và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để NLĐ có thể làm việc dài hạn, khi triển khai, người SDLĐ phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng BHXH cho họ.
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam)
“Việc tham gia cũng trên cơ sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân tay từ 03 đến 06 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, NLĐ lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng BHXH, kể cả là tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, Ban Soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép một số trường hợp cụ thể nên trao quyền cho NLĐ được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần BHXH để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng BHXH bắt buộc”- ĐB Hiền phân tích.
Ngành BHXH đang làm rất tốt việc được giao
Đồng tình với việc sửa đổi Luật BHXH, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho biết, tại khoản 1 Điều 15 quy định “Cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước do Chính phủ thành lập, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc; BHXH tự nguyện; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, BHYT và nhiệm vụ khác theo quy định của luật này”. Vấn đề này theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật BHXH năm 2014 “cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và nhiệm vụ khác theo quy định của luật này.
ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An)
“Với vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ nêu trên, thời gian qua, cơ quan BHXH đã và đang đảm nhận rất tốt nhiệm vụ này. Thể hiện qua kết quả ứng dụng CNTT trong phát triển đối tượng, mở rộng diện bao phủ, tổ chức giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giảm thiểu tối đa thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn qua môi trường mạng. Do vậy, Chính phủ quán triệt quan điểm kế thừa những quy định tại Điều 93 của Luật BHXH năm 2014 đang phát huy hiệu quả, tránh những sửa đổi không cần thiết, không trọng tâm, trọng điểm. Sửa luật lần này cần tập trung cao vào việc mở rộng diện bao phủ BHXH; xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, BHXH một lần. Tăng cường CCHC để người dân dễ tiếp cận và thụ hưởng được chính sách”- ĐB Uyên nhấn mạnh.
ĐB Tráng A Dương (Hà Giang)
Liên quan đến chi phí quản lý BHXH tại Dự thảo Luật, ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, ĐB chọn phương án 1. Theo đánh giá của ĐB, ngành BHXH đã thực hiện đồng thời các nhiệm vụ phát triển đối tượng quản lý và nhiệm vụ giải quyết chế độ chi trả chế độ quản lý người thụ hưởng. Theo đó, phương án 1 có ưu điểm là phối hợp thực tiễn quản lý thu chi chế độ BHXH gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của BHXH Việt Nam, thực hiện đồng thời cả nhiệm vụ thu, chi phát triển đối tượng và nhiệm vụ chi phục vụ đối tượng thụ hưởng đối tượng tham gia với hiệu quả sử dụng chi phí quản lý. Đồng thời, nếu mức chi phí quản lý chỉ tính trên số thu thì không có cơ sở xác định chi phí quản lý BHXH hoạt động bộ máy của cơ quan BHXH; trường hợp trong năm cơ quan BHXH không thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo chính sách của Nhà nước hoãn hoặc ngừng đóng BHXH nhưng cơ quan BHXH vẫn phải thực hiện thanh toán các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ.
Bảo vệ tối đa quyền lợi NLĐ
Làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc sửa đổi luật có sơ sở chính trị vững chắc. Đó là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; gần đây Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục bàn về chính sách xã hội. Do đó, những vấn đề Ban soan thảo đưa ra, Chính phủ trình Quốc hội góp phần thể chế hóa theo nguyên tắc phấn đấu, tiến tới BHXH đa tầng, BHXH toàn dân; khắc phục cơ bản những vướng mắc khó khăn hiện nay.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW để thảo luận, cân nhắc và trình với Quốc hội. “Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo cho NLĐ ở các độ tuổi là NCT, không có lương hưu, không có BHXH hằng tháng. Trước mắt kỳ này Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75 và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế- xã hội và khả năng NSNN. Việc điều chỉnh thời điểm nào, mức nào sẽ do Quốc hội và Ủy ban TVQH xem xét, quyết định. Đồng thời, để linh hoạt quy định mức hỗ trợ kinh phí cho trợ cấp hưu trí xã hội, dự thảo sẽ giao cho Chính phủ quy định mức này”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Liên quan đến quy định BHXH một lần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc đưa ra phương án BHXH một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản. Cụ thể, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được rút BHXH; phải phấn đấu để giữ chân NLĐ trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống. “Khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm. Song qua thảo luận của Quốc hội hôm nay và ý kiến của NLĐ, việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục theo hướng NLĐ có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau sau khi luật có hiệu lực”- Bộ trưởng khẳng định.
Trước ý kiến một số ĐBQH nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, Bộ trưởng làm rõ, Ban Soạn thảo đưa ra phương án 2, thì ở đây 50-50 là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Để lại 50% là để lại cho NLĐ và được ghi nhận trong sổ BHXH để NLĐ tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH. Khi NLĐ quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng. Giải trình về tỷ lệ đóng BHXH, vừa qua 13 hiệp hội có đề xuất giảm mức đóng và các ĐBQH cũng đề cập. Mức đóng BHXH của các quốc gia rất khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia. Nêu rõ mức đóng hiện nay của chúng ta là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng BHXH, Bộ trưởng khẳng định, về cơ bản mức này tương thích với các quốc gia trong khu vực. Ví dụ, Trung Quốc hiện nay là 33%, Nhật Bản là gần 30%, Malaysia là 26,7%, Bồ Đào Nha là một nước rất tiên tiến về BHXH là 35%. Một số quốc gia có thể thấp hơn như Malaysia 26,7%, thấp hơn Việt Nam 0,8%. Tuy nhiên, họ lại quy định người SDLĐ phải chịu trách nhiệm lo cho NLĐ khi gặp rủi ro, tai nạn hoặc chế độ ốm đau, thai sản thì người SDLĐ phải trực tiếp chi trả cho NLĐ, do đó rất nhiều bất cập và vì vậy các quốc gia đang đi theo hướng là phải chuyển trở lại vào cho BHXH. “Mức đóng BHXH hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp”- Bộ trưởng Dung khẳng định lại.
Kết luận nội dung Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, nghiêm túc, khẩn trương đã có 27 ý kiến phát biểu, 8 ý kiến tranh luận. Các ý kiến phát biểu rất phong phú, sâu sắc, toàn diện, chi tiết từng nội dung điều, khoản với tinh thần xây dựng trách nhiệm cao với rất nhiều nội dung, nhiều vấn đề có liên quan, có những vấn đề chung, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và nhiều ý kiến cụ thể xuất phát từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở. Ủy ban TVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia, đồng thời sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi trong thực hiện.
http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...