Sửa đổi Luật BHXH nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động
19/10/2023 03:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
*PV: Trước đây ông từng tham gia vào quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, tạo cơ sở để Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW; vậy theo ông, các quan điểm và định hướng trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã được thể chế hóa như thế nào trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này?
- Ông Điều Bá Được:
Như chúng ta đã biết, quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH được Đảng ta chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết hết sức công phu, bài bản. Các quan điểm, nội dung cải cách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã được rút ra từ thực tiễn quá trình hình thành, phát triển chính sách BHXH của Việt Nam từ khi thành lập nước đến nay, cũng như từ những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Theo đó, Đảng ta đã chỉ đạo tổng kết một cách có hệ thống toàn bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH ở nước ta, từ cả góc độ hệ thống quy định pháp luật và tổ chức thực hiện qua các thời kỳ. Đặc biệt, quá trình này cũng kế thừa với việc tổ chức tổng kết Nghị quyết số 15/NQ-TW, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT.
Vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW được coi là một bước đột phá về lý luận cũng như trong chỉ đạo thực hiện cải cách chính sách BHXH, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH lần này phải thể chế hóa các định hướng, nội dung cải cách đã nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW thành chính sách, pháp luật cụ thể; qua đó tạo tiền đề cho công tác tổ chức thực hiện được hiệu quả hơn. Đây là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp.
Qua theo dõi, nghiên cứu các phiên bản của Dự thảo Luật BHXH được công bố, lấy ý kiến, tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc của các thành viên Ban soạn thảo. Quá trình nghiên cứu, soạn đã được thực hiện rất tích cực, cập nhật một khối lượng thông tin rất lớn, phức tạp từ nhiều mảng chính sách khác nhau, rồi kết hợp, tích hợp để tạo cơ sở sửa đổi Luật BHXH. Từ đó, đã có 5 nội dung cải cách BHXH đã được thể chế hóa.
Các nội dung dự kiến sẽ được thể chế hóa trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết; nghiên cứu thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với NLĐ trong khu vực phi chính thức...
Nhìn chung, các nội dung cần phải thể chế, luật hóa lần này đều rất khó và hết sức phức tạp, nhạy cảm. Có nội dung đã nung nấu suốt cả 30 năm, nay vẫn đang là vấn đề nóng, đơn cử như vấn đề BHXH một lần. Hay như vấn đề trợ cấp hưu trí xã hội cũng là một nội dung hoàn toàn mới, được đánh giá là một bước đột phá trong cải cách BHXH lần này.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa các nội dung này cũng không hề đơn giản, cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, khoa học nhằm bổ sung, hoàn thiện cả về mặt lý luận và thực tiễn. Các nội dung liên quan đến cải cách chế độ hưu trí là nội dung cốt lõi trong cải cách BHXH và trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần phải được thiết kế nhằm gia tăng độ bao phủ BHXH; tiền lương hưu tối thiểu phải bảo đảm đủ đời sống của người về hưu, cũng như bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.
* Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật BHXH lần này là tạo cơ chế để mở rộng diện bao phủ BHXH. Ông đánh giá thế nào về những nội dung liên quan đến vấn đề này đang được xây dựng trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)?
- Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chỉ rõ định hướng, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết.
Theo tinh thần này, các nhóm đối tượng chưa được tham gia BHXH bắt buộc theo Luật BHXH 2014 đã được đưa vào diện phải tham gia BHXH bắt buộc trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như: Chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố...
Đồng thời, để khắc phục tình trạng xuất hiện một số quan hệ lao động mới nhưng không ký kết HĐLĐ để trốn đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã quy định: Đối với trường hợp hai bên không giao kết HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì cũng thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.
Có thể thấy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là nhằm hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết, nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân.
Như vậy, theo tôi, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa nhóm lao động tự tạo việc làm (không đi làm thuê cho ai, không thuê người làm cho mình, chẳng hạn như thợ cắt tóc, làm đẹp, thợ sửa chữa các loại, buôn bán nhỏ…) có nơi làm việc ổn định, có thu nhập tương đối ổn định không trái với quy định của pháp luật sẽ thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Để nắm chắc được nhóm đối tượng này cũng như để khi tổ chức thực hiện được thuận lợi, cần bổ sung các quy định, chế tài quản lý lao động, khai trình lao động chặt chẽ, đồng bộ, áp dụng số hóa để quản lý, cập nhật dữ liệu.
* Theo ông, ngoài các vấn đề đã nêu, quá trình sửa đổi Luật BHXH lần này cần phải lưu ý đến nội dung gì để chính sách BHXH tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn?
- Theo tôi, các nội dung cần bổ sung, sửa đổi lần này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên cần phải được chú trọng đồng đều. Tuy nhiên, nếu được chọn ra một nội dung để bàn, thì tôi chọn BHXH một lần. Bởi, BHXH một lần là vấn đề rất nóng, được NLĐ hết sức quan tâm trong suốt 30 năm qua. Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, BHXH một lần cũng là nội dung tiếp tục được NLĐ rất quan tâm, có rất nhiều ý kiến tham gia, bàn luận rất sôi nổi.
Để đưa ra được phương án tối ưu nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ về tâm tư, nguyện vọng từ phía NLĐ. Theo đó, cần lưu ý đến các yếu tố tác động. Đơn cử như, tình trạng việc làm thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh, tay nghề thấp làm cho NLĐ không thể duy trì hoặc tìm kiếm được việc làm mới để đóng tiếp BHXH.
Hoặc như, với NLĐ từ 40 tuổi trở lên, không có nghề nghiệp hoặc tay nghề thấp, năng suất lao động thấp nên dễ bị DN sa thải, không có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Trường hợp NLĐ đã có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị sa thải, không tìm kiếm được việc làm mới, không nhận BHXH một lần, muốn chọn bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu thì cũng còn băn khoăn, lo lắng; thời gian chờ đợi cho đến khi được nhận lương hưu là quá dài.
Những vấn đề mang tính thực tế như trên cần được nghiên cứu, tiếp thu với thái độ cầu thị, nhằm đưa ra phương án tổng thể, giải quyết tận gốc vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập… của NLĐ. Đây là vấn đề mấu chốt liên quan đến tình trạng rút BHXH một lần.
* Cụ thể hơn, ông sẽ đóng góp, đề xuất như thế nào cho Ban soạn thảo sửa đổi Luật BHXH lần này?
- Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phiên bản mới nhất lần này đã có nhiều điểm mới, tích cực, cụ thể hóa hơn tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, để hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền lợi của NLĐ cùng với việc bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn, thực hiện được nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí, Ban soạn thảo và Tổ biên tập còn rất nhiều việc phải làm.
Tôi xin tham gia đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:
Về giải thích cụm từ BHXH, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cần làm rõ hơn khi xuất hiện thành tố mới: “trợ cấp hưu trí xã hội”. Theo đó, khái niệm BHXH cần phải được định nghĩa mang tính toàn diện hơn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bổ sung đầy đủ hơn lý luận về BHXH trong điều kiện thực tế của Việt Nam và bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cần giải thích cụ thể cụm từ “Bảo hộ quỹ BHXH” là gì? Để NLĐ yên tâm, tin tưởng, chúng ta nên đưa khái niệm này vào ngay phần giải thích từ ngữ.
Cần làm rõ nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí? Sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng và chia sẻ như thế nào? Làm rõ được nguyên tắc chia sẻ và sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng và chia sẻ trong chế độ hưu trí là nội dung rất cần thiết, nhằm phản ảnh rõ hơn bản chất của BHXH.
Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách công phu, khoa học, cùng với việc tiếp thu, học tập kinh nghiệm quốc tế, từng bước hoàn thiện pháp luật BHXH của Việt Nam, đặc biệt là quy định về chế độ bảo hiểm hưu trí với mục tiêu gia tăng độ bao phủ, chất lượng cuộc sống của người về hưu ngày một nâng cao, hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.
* Trân trọng cảm ơn ông!
http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...