Ngành chè Lâm Đồng hội nhập sâu rộng hơn

17/10/2023 08:15 AM


Trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, ngành chè Lâm Đồng tiếp tục nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu cạnh tranh hiệu quả hơn nữa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dây chuyền chế biến chè Ô long xuất khẩu của Công ty Cổ phần Long Đỉnh tại Cụm công nghiệp Phát Chi, Đà Lạt

“Thông qua các đề án chuyển đổi giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao hàng năm, các huyện, thành trong tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi diện tích chè giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang trồng mới giống chè đạt năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ như các giống chè TB14, Ô long, tứ quý, kim tuyên, ngọc thúy…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết. Theo đó, tổng diện tích chè chất lượng cao, chè cao sản ứng dụng sản xuất công nghệ cao toàn tỉnh đạt gần 3.560 ha (chiếm gần 32%). Trong đó sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã hội đủ các tiêu chí công nhận 1 vùng chè 376 ha tại huyện Bảo Lâm, tiếp tục công nhận thêm 1 vùng chè 600 ha tại TP Bảo Lộc. Riêng 315,4 ha diện tích chè của 51 nông hộ, hợp tác xã và 7 doanh nghiệp được chứng nhận VietGAP, ước sản lượng 6.416,5 tấn. Ngoài ra, còn có 5 ha chè chứng nhận hữu cơ; nhiều diện tích chè khác sản xuất theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và được các đơn vị thu mua kiểm soát thường xuyên về quy trình canh tác và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tiêu biểu toàn tỉnh có Công ty Cổ phần chè Long Đỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Chứng nhận Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 70 ha, trong đó 50 ha công ty liên kết sản xuất với 40 hộ nông dân, công suất chế biến 4 tấn trà búp tươi/ngày. Hàng năm, doanh nghiệp này sản xuất và xuất khẩu trên 100 tấn chè Ô long sấy và 1,2 tấn chè Ô long bột đến các thị trường Đài Loan, Trung Quốc... 

Báo Lâm Đồng