Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam: Tăng cường phối hợp phát triển BHYT HSSV
13/09/2023 09:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
* PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác phối hợp giữa ngành GD-ĐT và BHXH Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT đến HSSV?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh:
Do có sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn, nên trong những năm qua BHYT HSSV luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách BHYT HSSV. Trong đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển BHYT HSSV. Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV thông qua một loạt các giải pháp cụ thể. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cụ thể cho ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025, giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện BHYT cho HSSV, đồng thời phối hợp với BHXH Việt Nam tăng cường thông tin, truyền thông, vận động HSSV, nhất là SV tham gia BHYT.
Là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực GD, Bộ GD-ĐT đã xác định việc chăm sóc sức khỏe cho các em HSSV thông qua chính sách BHYT ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường có vai trò quan trọng, góp phần phát triển một nền GD toàn diện.
Vì vậy, trong những năm qua, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo thường xuyên, kế hoạch liên ngành, đã được Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT thường xuyên phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong chỉ đạo và xây dựng các giải pháp cụ thể. Trong đó, chỉ đạo các Sở GD-ĐT phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV, nhất là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc ít người.
Đáng chú ý, với sự chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền thực hiện BHYT HSSV theo đúng quy định của Luật BHYT, bảo đảm quyền lợi được CSSKBĐ ban đầu của HSSV trong trường học được các cơ sở GD quan tâm và triển khai hiệu quả.
Việc tổ chức tuyên truyền đã được các cơ sở GD thực hiện nghiêm túc, nhấn mạnh tính ưu việt của việc tham gia BHYT đối với HSSV như ngoài việc được quỹ BHYT chi trả các chi phí KCB khi khám, điều trị bệnh tại cơ sở y tế như các nhóm đối tượng khác, HSSV tham gia BHYT còn được hưởng quyền lợi CSSKBĐ tại nhà trường từ nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học. Hằng quý sơ kết, đánh giá và hướng dẫn triển khai công tác BHYT HSSV. Đặc biệt, ngành GD-ĐT đã phối hợp rất tốt hỗ trợ BHXH Việt Nam trong tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh cũng như HSSV trong đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID; thụ hưởng những tiện ích của ứng dụng, đặc biệt là tính năng cho phép người tham gia (trong đó có HSSV) được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thay thế cho thẻ BHYT giấy.
Đặc biệt, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông CSDL theo nhiệm vụ tại Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hiện nay Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam đang phối hợp chuẩn hóa dữ liệu và thực hiện kết nối CSDL về GD ĐH với CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Thông qua CSDL được đồng bộ, 2 ngành sẽ phối hợp xây dựng các giải pháp đồng bộ trong tuyên tuyền, vận động, hướng đến bao phủ BHYT HSSV.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hỗ trợ từ Nhà nước, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực trong công tác truyền thông vận động của ngành GD-ĐT, BHXH và hệ thống các cơ sở GD, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng theo từng năm. Đến nay, toàn quốc có khoảng 18,8 triệu em tham gia BHYT, tương đương khoảng 97% tổng số HSSV. Trong đó, nhiều trường học và một số địa phương đã đạt hoặc tiến sát mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.
Quan trọng hơn, trong các năm qua, quyền lợi KCB BHYT của HSSV luôn được đảm bảo. Theo thống kê, bình quân mỗi năm có khoảng 8 triệu lượt KCB BHYT của các em HSSV được quỹ BHYT chi trả, trong đó nhiều em được thanh toán với chi phí lớn lên đến hàng tỷ đồng.
* Dù việc triển khai BHYT HSSV đã đạt được kết quả tích cực, nhưng toàn quốc hiện vẫn còn khoảng 3% HSSV chưa tham gia. Theo Thứ trưởng, đâu là thách thức trong thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT?
- Trước hết phải khẳng định, với những kết quả đạt được, chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Con số khoảng 3% HSSV chưa tham gia BHYT tập trung chủ yếu ở nhóm SV ở các trường ĐH, CĐ và nhóm các em HS ở các trường trung cấp, đào tạo nghề.
Mặc dù chủ trương phát triển BHYT HSSV là nhất quán, tuy nhiên, trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHYT HSSV hiện vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Luật BHYT quy định BHYT HSSV là hình thức bắt buộc, nhưng trên thực tế vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với các em không tham gia BHYT.
Mặt khác, điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình có con em là HSSV còn khó khăn. Đáng chú ý, nhóm đối tượng HSSV, đặc biệt là SV các trường ĐH, CĐ và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, HSSV là người DTTS mới thoát khỏi vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo nên không được ngân sách hỗ trợ toàn bộ, dẫn đến những đối tượng này cũng không tích cực trong việc tham gia BHYT. Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên không hỗ trợ thêm cho HSSV ngoài mức hỗ trợ chung.
Ngoài ra, hệ thống y tế trường học ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, cả nước có 40.493 cơ sở GD mầm non, phổ thông, nhưng có đến 25,1% chưa có nhân viên y tế trường học; 70% cơ sở GD trong nhóm đã có cán bộ y tế trường học nhưng trình độ chuyên môn lại chưa bảo đảm quy định là có trình độ từ Trung cấp Y trở lên.
Việc trích lại 5% từ nguồn thu BHYT để các cơ sở GD thực hiện CSSKBĐ cho HSSV còn bất cập nhất là đối với cơ sở GD mầm non và phổ thông, vì để được trích lại thì nhà trường phải có nhân viên y tế trường học chuyên trách có chứng chỉ hành nghề KCB hoặc phải ký hợp đồng KCB là chưa phù hợp với chức năng chính của y tế trường học là truyền thông, GD sức khỏe và CSSKBĐ cho HS. Bên cạnh đó, số tiền 5% được trích lại không được chi cho công tác truyền thông, đào tạo bồi dưỡng mà chỉ được chi cho công tác mua sắm thiết bị, thuốc, vật tư y tế cũng gây khó khăn cho các trường khi tổ chức thực hiện công tác y tế trường học. Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét trình Chính phủ sửa đổi các quy định nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường tổ chức thực hiện công tác y tế trường học và CSSKBĐ cho HS, qua đó cùng khẳng định sự quan tâm của các nhà trường đối với HS khi tham gia BHYT.
* Để đạt được mục tiêu bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT, từ đó tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho thế hệ tương lai của đất nước, Thứ trưởng có thể cho biết trong năm học mới này ngành GD-ĐT sẽ tập trung vào những giải pháp nào?
- Nhằm nâng cao nhận thức về BHYT, Bộ GD-ĐT đã thường xuyên chỉ đạo ngành GD các địa phương, cơ sở GD ĐH thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Theo đó, xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế trường học trong việc tổ chức thực hiện công tác y tế trường học đối với HSSV, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Hiện nay các trường phổ thông và ĐH đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhắc nhở HSSV tham gia BHYT. Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi sát sao và có những chỉ đạo kịp thời, nhằm hỗ trợ HSSV thực hiện Luật BHYT một cách tự nguyện, tự giác, trong khuôn khổ bắt buộc của pháp luật.
Để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các cơ sở GD phổ thông, GD ĐH, trường CĐSP (sau đây gọi là cơ sở GD) trên toàn quốc thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, các cơ sở GD tích cực phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường thông tin, truyền thông, vận động HSSV, nhất là SV tham gia BHYT. Trong đó, tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới HSSV và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách, pháp luật về BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.
Thứ hai, các cơ sở GD tích cực triển khai công tác BHYT HSSV; xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại trường học; tổ chức sơ kết, đánh giá công tác BHYT HSSV; kịp thời khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác này.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho HSSV; tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học, gắn với y tế cơ sở.
Thứ năm, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác CSSKBĐ tại các cơ sở GD theo đúng quy định.
Thứ sáu, tham mưu UBND tỉnh, phát huy vai trò của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT; cùng với đó, tham mưu UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương, trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành; chú trọng vùng khó khăn, vùng DTTS, biên giới và hải đảo.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường phối hợp với BHXH Việt Nam trong chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và Bộ GD-ĐT. Thông qua CSDL được đồng bộ, sẽ xây dựng các giải pháp đôn đốc, tuyên truyền, vận động, nhằm tạo tiền đề cho thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, đảm bảo tất cả HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng GD toàn diện. Đồng thời, qua đó thực hiện nhiệm vụ được giao theo Đề án 06 của Chính phủ.
* Trân trọng cảm ơn thứ trưởng!
TapchiBaohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...