Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với báo chí cách mạng Việt Nam
20/06/2023 08:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành đã lập được danh mục (chưa đầy đủ) báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ sau tờ Thanh niên đến tháng 8/1945, gồm 256 tên báo. Đặc biệt, trong giai đoạn sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) đến tháng 5/1936, có 121 tờ báo ra đời. Ngay trong những năm tháng khó khăn nhất sau khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, là thời kỳ thực dân Pháp nhân cơ hội xiết chặt hơn nữa guồng máy đàn áp của chúng, cho đến tháng 8-1945, vẫn có 55 báo và tạp chí cách mạng ra đời. Trong số đó, có những tờ báo do các nhà lãnh đạo của Đảng trực tiếp phụ trách, đã có tác động rất mạnh mẽ đến phong trào thời tiền khởi nghĩa, như Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942), Cờ giải phóng (1942).
Cách mạng Tháng Tám thành công, các báo Cứu quốc, Cờ giải phóng … tiếp tục xuất bản ở thủ đô Hà Nội với thể tài phong phú, hình thức đẹp và địa bàn phát hành rộng rãi hơn. Nhiều tên báo mới ra đời ở thủ đô và một số thành phố lớn. Chỉ năm ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), theo quyết định của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945) và ít ngày sau đó là Việt Nam thông tấn xã thành lập (15/9/1945), với quy mô và nhiệm vụ của những cơ quan thông tin đại chúng quốc gia. Trên lãnh thổ Việt Nam, từ nay “sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”, báo chí cách mạng xuất bản công khai, hợp pháp, được nhân dân cả nước nồng nhiệt chờ đón, tác động sâu sắc và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với công luận. Báo chí cách mạng do báo Thanh niên mở đường, dần dần tiến lên trở thành dòng chủ lưu trong nền báo chí nước nhà.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí cách mạng có bị thu hẹp ở Trung ương, song ngược lại, được mở rộng trên nhiều địa bàn trong cả nước. Ngoài những báo chí là cơ quan Trung ương xuất bản và lưu hành chủ yếu ở Việt Bắc, các liên khu III, IV, V, Đông Bắc, các khu tả ngạn, sông Hồng, vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đều có báo chí của mình. Một số nơi như Nam Trung Bộ và Nam Bộ thành lập được đài phát thanh. Năm 1950, Hội nhà báo Việt Nam ra đời ở Việt Bắc. Có được những thành quả ấy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày kháng chiến gian khổ cũng như khi trong xây dựng hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng báo chí, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm báo. Người khen ngợi, biểu dương những nhà báo có việc làm tốt, có tác phẩm hay cũng như phê bình, uốn nắn những thiếu sót, bất cập của báo chí. Người luôn tự nhận mình là người “có duyên nợ đối với báo chí”. Hai kỳ Đại hội toàn quốc của Hội nhà báo Việt Nam tiến hành năm 1959 và 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến thăm và có những lời chỉ bảo sâu sắc, ân cần.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm xây dựng, chỉ đạo báo chí, dành cho báo chí nhiều ưu ái, Người còn trực tiếp viết báo. Hồ Chí Minh là người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi. Ngay cả trong thời gian giữ trọng trách của đất nước, nhiệm vụ nặng nề và thời gian eo hẹp, Bác Hồ vẫn viết báo đều đặn. Riêng báo Nhân dân, từ khi báo này ra số đầu tiên (năm 1951) cho đến khi Người đi xa (năm 1969), đã đăng khoảng 1.200 bài báo của Bác. Trung bình mỗi năm, Người viết 60-70 bài. Trong nửa thế kỷ, tính từ ngày đăng bài báo đầu tiên cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết không dưới 2.000 bài báo.
Các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, khi nhìn lại sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thống nhất: “Sau chiến tranh thế giới, Nguyễn Ái Quốc là nhà báo viết nhiều nhất tố cáo chế độ thực dân, bênh vực mạnh nhất quyền của các dân tộc bị áp bức giành lại nhân phẩm và tự do, hoạt động, tổ chức nhiều nhất để tập hợp, ở Pari, ở Quảng Châu, các dân tộc Á – Phi vừa mới bị (Tổng thống Mỹ) Wilson và bè lũ lừa gạt một lần nữa ở Versailles”(1). “Người là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo. Không chú ý đến tên tuổi và sự nghiệp riêng, mà chỉ quan tâm tới đích thiêng liêng và đem ngòi bút phục vụ cách mạng”(2). “Nguyễn Ái Quốc là nhà báo Việt Nam có sự đào luyện công phu nhất, và thực tế là có thành tích cao nhất trong nghề báo chí Việt Nam. Một nhà báo quốc tế viết tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Một nhà báo mà những bài viết ra mẫu mực về ngôn ngữ, hùng hồn về lý luận và thức tỉnh lòng người về kết quả. Một nhà báo mà những bài viết ra thu hút sự chú ý của mọi người, bao giờ cũng mới, bao giờ cũng sát với nhu cầu trước mắt và hấp dẫn người xem”(3). “Ngày nay đọc lại những bài của ông (đăng trên báo Pháp) vẫn thấy vô cùng hứng thú… Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba”(4), v.v…
Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán với quan điểm của Người về văn hóa: Văn hóa là một mặt trận, một mặt trận cơ bản của xã hội. Người chỉ rõ trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần phải chú ý đến, phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là một phương tiện thể hiện văn hóa và thực thi chính sách văn hóa. Báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng văn hóa. Nhà báo là chiến sĩ. Cây bút, trang giấy là vũ khí. Bài báo là tờ hịch cách mạng. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào: thời kỳ đấu tranh bất hợp pháp, sau khi đã giành được chính quyền, trong chiến tranh cứu nước hay trong xây dựng hòa bình, báo chí cách mạng đều giữ nguyên vẹn vai trò và vị trí xung kích của nó. Xã hội phát triển, khoa học và công nghệ càng cao thì vai trò báo chí càng tiếp tục tăng lên chứ không hề suy giảm.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là cốt lõi, là vấn đề cần quan tâm trước hết. Trong thư gửi lớp học viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng (1948), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng tới mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc”.
Nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người đi thẳng vào vấn đề chính yếu: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai?”(5). Và Người trả lời luôn: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”(6). Đến Đại hội tiếp sau của Hội, Bác Hồ một lần nữa lại nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò và sức mạnh của báo chí trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…của đất nước. Nhưng báo chí chỉ là phương tiện, là vũ khí của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh. Báo chí phương Tây thường sính những câu văn hoa để huyễn hoặc người khác và trước hết để tự huyễn hoặc mình. Một số nhà lý luận Âu Mỹ, xuất phát từ quan điểm pháp lý “tam quyền phân lập”: quyền lập pháp (thuộc về nghị viện), quyền hành pháp (thuộc Chính phủ) và quyền tư pháp (thuộc tòa án) tách rời nhau, đã khoác cho báo chí một cái quyền riêng biệt, gọi là quyền lực thứ tư, và coi nó độc lập, thậm chí đứng cao hơn so với ba quyền kia.
Đúng là báo chí nếu làm tốt, nếu được nhân dân chấp nhận, thì có thể có uy quyền và sức mạnh lớn. Nhưng đó là quyền lực do nhân dân ủy thác, đó là quyền lực của nhân dân. Hồ Chí Minh coi trọng và đề cao vai trò của báo chí. Người cho rằng “làm báo là quan trọng và vẻ vang”, “nhà báo là chiến sĩ”, nhưng Người thường nhấn mạnh nhiều hơn đến trách nhiệm của báo chí.
Để thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình, báo chí phải có tính chiến đấu cao, có tính khuynh hướng rõ rệt, luôn luôn hướng về mục tiêu kiên định - mục tiêu ấy cũng chính là cái đích mà sự nghiệp cách mạng của nhân dân đang hướng tới. Do bản chất và chức năng của nó, báo chí cách mạng luôn luôn giữ vị trí tiên phong, giương cao ngọn cờ đi trước mở đường trong việc truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ. Bài báo là tờ hịch cách mạng để tuyên truyền, động viên, tổ chức quần chúng đấu tranh; phải phát huy sức sáng tạo của quần chúng, phát hiện, biểu dương, giới thiệu những gương tốt để mọi người noi theo; đồng thời chỉ ra và phê phán để khắc phục, ngăn ngừa những cái xấu.
Một vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm là mục đích và đối tượng của báo chí. Người nói với học viên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng về đối tượng của tờ báo phải là đại đa số dân chúng. Một từ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Thăm Đại hội nhà báo (năm 1959), Người căn dặn: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân…cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(9): người làm báo chớ nên nghĩ đến chuyện “viết bài cho oai”, viết “để lưu danh thiên cổ”. Tại Đại hội tiếp sau của Hội nhà báo (1962), Người lại ân cần dặn: “Mỗi khi viết một bài báo, tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”.
Để làm tốt vai trò chiến sĩ của mình, người làm báo phải đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Phải quan niệm “viết cũng như mọi việc khác”; làm báo là làm công tác cách mạng chứ không phải là việc gì ghê gớm lắm; viết báo không nhằm mục đích lưu danh mình lại nghìn đời về sau.
Đạo đức báo chí đòi hỏi người làm báo phải “gần gũi quần chúng”, “đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” để viết cho thiết thực; khắc phục thói ba hoa, hình thức, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Nhà báo phải trung thực. Bác Hồ luôn đòi hỏi các nhà báo phải coi trọng tính chân thực của tác phẩm. Người nhiều lần nhắc nhở các nhà báo có dịp đi theo phục vụ công tác của Người phải “thận trọng” đến từng chi tiết, từng số liệu trích dẫn trong bài. Phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam, “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”.
Đặc biệt, nhà báo phải “luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cần tiến bộ”, “phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn”. Nhà báo “phải có chí, chớ giấu dốt”, “không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học, thì nhất định học được”. Đồng thời “phải có ý chí tự cường, tự lập, gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn; phải vượt khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”. Đó là con đường đúng đắn nhất để nhà báo “nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ”, không ngừng tích lũy kiến thức và vốn sống, tạo nền tảng và tư chất văn hóa sâu rộng cho nghề báo, làm cho nhà báo đồng thời là nhà văn hóa, thật sự là nhà văn hóa.
(2) Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1994.
(3) Hồng Chương: Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mác – Lênin, h, 1987.
(4) Vương Hồng Sến: Sài Gòn năm xưa, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1968.
(5) (6) (7) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166, 166, 166, 167, 166.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...