Đà Lạt: Đa dạng hóa công tác tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
05/06/2023 09:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhờ khai thác đa dạng và hiệu quả các hình thức truyền thông như truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội...; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Đà Lạt góp phần đưa các nội dung của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy phong cách người Đà Lạt hiền hòa - thanh lịch - mến khách tiếp cận với đông đảo người dân, du khách, qua đó, giúp phong trào ngày càng đi vào thực chất và lan tỏa mạnh mẽ.
Những năm qua, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Đà Lạt đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác truyền thông bằng việc mở rộng, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền. Các phương tiện này đã góp phần giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời; đồng thời, tham gia hưởng ứng thực hiện hiệu quả phong trào. Theo ông Hồ Hữu Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Đà Lạt, để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến các nội dung của phong trào, bên cạnh duy trì kênh truyền thống như bản tin phát thanh và truyền hình, các nhóm truyền thông, văn hóa xã, phường, xe, loa tuyên truyền lưu động, pano, cờ phướn, trung tâm cũng phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông xã hội trên internet như facebook, zalo, youtube... qua đó, giúp đưa thông điệp truyền thông lan tỏa đến đa dạng các đối tượng người dân, nhất là thế hệ trẻ - những người chủ yếu sử dụng internet.
Các kênh trực tuyến này được trung tâm lập và điều hành từ cuối năm 2020 đến nay, góp phần truyền tải các bài viết, thông tin về tình hình địa phương, chủ trương, chính sách mới… Nhất là nhóm zalo thu hút đông đảo các cán bộ văn hóa xã, phường cập nhật thông tin để tuyên truyền đến người dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; cổ vũ người dân tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học với Bộ quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt.
Đối với các phương tiện truyền thông truyền thống, nhiều năm qua, trung tâm luôn duy trì lịch phát sóng truyền hình, truyền thanh đều đặn. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện hơn 4.200 tin, bài phát thanh và hơn 1.100 phóng sự truyền hình; bao gồm hơn 130 tin, bài về Phong trào Xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng phong cách người Đà Lạt. Trong đó, có nhiều phóng sự, ghi nhanh về những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình tiêu biểu; qua đó, góp phần cổ vũ và nhân rộng những mô hình hay, gương sáng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ngoài ra, trung tâm cũng tích cực tuyên truyền bằng xe lưu động và loa truyền thanh không dây ở cơ sở. Ông Tường cho biết, tính đến nay, đa số các phường, xã trên địa bàn thành phố đều được trang bị xe loa tuyên truyền và loa truyền thanh không dây. Có thể nói, các phương tiện truyền thông tại cơ sở đều tương đối đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Việc tuyên truyền được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Với hàng trăm đợt tuyên truyền qua xe loa và các buổi ra quân phát động, các địa phương đã kịp thời thông tin tình hình, những chủ trương quan trọng của tỉnh, thành phố.
Mặt khác, để cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước cũng như những ngày lễ trọng đại của đất nước, các tấm pano, áp phích, cờ phướn được trung tâm thực hiện một cách phong phú. “Có thể thấy, nhờ việc khai thác hiệu quả các phương tiện truyền thông, người dân đã được cung cấp thông tin nhanh và chính xác hơn so với trước; góp phần đưa Phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn, phát huy phong cách người Đà Lạt được lan tỏa sâu rộng”, ông Tường nói. Kết quả, chỉ riêng năm 2022, TP Đà Lạt có hơn 43.400 hộ đạt “Gia đình văn hóa” (đạt tỉ lệ hơn 98,4%); hơn 200 khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; 2/4 xã giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 9/12 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Theo ông Hồ Hữu Tường, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Đơn cử như việc phối hợp giữa trung tâm với các đơn vị, phường, xã và một số điểm, khu du lịch đôi lúc chưa kịp thời khiến việc phản ánh, thông tin các gương điển hình tiên tiến, mô hình hay tại các khu dân cư còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Đà Lạt sẽ tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về phong trào trên các phương tiện truyền thông hằng ngày. Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và việc giữ gìn, phát huy phong cách người Đà Lạt, để các tầng lớp Nhân dân phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển thành phố.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...