Trải nghiệm sản xuất K’Ho Coffee ở Bonuer C
30/05/2023 02:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thương hiệu K’Ho Coffee gắn với câu chuyện tình yêu lãng mạn của Joshua Guikema (người Mỹ) và Rolan Colieng (K’Ho). Từ năm 2014, họ nên duyên vợ chồng và cùng nhau tạo dựng nên thương hiệu cà phê đặc sản được trồng ở Bonuer C từ nhiều đời nay và đang là điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch cộng đồng, nhất là ý nghĩa của việc sản xuất cà phê đúng chất K’Ho Coffee.
Cây cà phê Arabica được trồng dưới chân núi Lang Biang từ rất lâu, trong đó, có giống cà phê vàng Buorbon rất có giá trị và hiếm đang được K’Ho Coffee nhân giống và trồng lại, bổ sung thêm vào các sản phẩm đặc trưng của K’Ho Coffee. Cùng với việc xây dựng thương hiệu, vợ chồng Josh và Rolan còn liên kết với bà con trong vùng trồng cà phê theo hướng hữu cơ và tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng gắn với nghề sản xuất cà phê, dệt thổ cẩm và tìm hiểu đời sống của cộng đồng người Lạch dưới chân núi Lang Biang.
Tùy điều kiện thời tiết, một tour trải nghiệm sản xuất cà phê K’Ho Coffee có thể bắt đầu bằng việc lựa hạt cà phê chuẩn trước (trong nhà), hoặc đi hái cà phê trước (ngoài trời). Khi nắng lên và sương đêm đã tan, việc hái cà phê sẽ thuận lợi hơn vì mọi thứ đều khô ráo, lá cây cỏ không còn bị ướt…
Du khách sẽ được hướng dẫn hái những trái vừa độ chín mọng, có vỏ đỏ thẫm (cho chất lượng hạt cà phê tốt nhất), đem về phơi nắng (để chế biến cà phê khô) hoặc xát vỏ ngay (để chế biến cà phê ướt). Đối với phương thức chế biến cà phê ướt thì sẽ có giai đoạn ủ mật và để mộc rồi mới đem phơi. Hạt cà phê khô được bỏ vào cối gỗ giã để bỏ vỏ trấu (vỏ cứng). Đến đây là xong công đoạn hạt cà phê từ vườn về nhà (ngoài trời).
Du khách sẽ tiếp tục vào khu vực trưng bày và chế biến sản phẩm cà phê của K’Ho Coffee, được hướng dẫn chọn lại chỗ hạt cà phê vừa giã, lấy những hạt cà phê tương đồng về hình dạng và màu sắc, chắc mẩy để cho vào máy rang thủ công. Trong thời gian rang, khách sẽ có cơ hội kiểm tra liên tục sự chuyển biến về nhiệt độ, màu sắc và mùi vị của hạt cà phê để cảm nhận sự thay đổi của cà phê trong quá trình gia nhiệt… và lựa chọn thành phẩm cuối cùng của mình ở mức: nhẹ (light roast), vừa (midium roast), kỹ (dark roast). Cùng với quá trình rang xay thủ công, du khách sẽ được chứng kiến và so sánh với thành phẩm của quá trình rang xay công nghiệp…
Thú vị nhất của quá trình sản xuất cà phê có lẽ là thời gian cupping (thử nếm và đánh giá), bởi mùi cà phê thơm lừng lựng quyến rũ trong suốt quá trình xay, chế nước… Đây cũng là khoảng thời gian bình luận sôi nổi nhất, bởi vừa là cảm nhận, vừa là sự tưởng tượng, vừa là dự đoán, vừa là thưởng thức hương vị của sản phẩm cà phê “made by me” của chính mình, hoặc của bạn bè đi cùng… với sự hướng dẫn phân tích của hướng dẫn viên… Suốt quá trình sản xuất cà phê, du khách sẽ ghi chép nhận xét đơn giản theo bảng mẫu có sẵn, để cuối cùng, có được kiến thức tổng thể cơ bản nhất về quá trình sản xuất cà phê…
Sau hoạt động sản xuất cà phê, du khách sẽ đến vườn rau, tìm hiểu và thu hái rau theo mùa phục vụ cho bữa trưa của chính mình, mang về, chế biến theo hướng dẫn… Cùng với các món ăn khác, bữa trưa hoặc bữa tối sẵn sàng cho một cảm nhận cũng khác nhưng không kém phần thú vị mà lại rất thi vị… Tiếp theo giờ nghỉ ngơi sau bữa ăn, du khách sẽ được hướng dẫn tham quan buôn Bonuer C, với đặc trưng là còn rất nhiều phụ nữ trong buôn biết dệt thổ cẩm.
Nhà nào dệt thổ cẩm đều mở cửa cho thoáng hoặc để lấy ánh sáng, thậm chí là mang khung dệt ra ngồi ngay ngoài hiên. Các bà, các chị vừa cặm cụi, tỉ mỉ bên khung dệt vừa trò chuyện với hàng xóm, hoặc con cháu, du khách… Thế là những câu chuyện thú vị khác lại cứ nối tiếp nhau vui vẻ và thân thiện… Nếu du khách có thêm thời gian vào buổi tối, thì sẽ là những thông tin sâu hơn về đời sống buôn làng và văn hóa truyền thống bản địa… Nếu thức giấc vào sáng sớm tinh mơ, du khách còn có thể cùng người dân đi hái nấm rừng, tìm hiểu về những loại nấm ăn được và nấm độc để phòng tránh…
Du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch trải nghiệm trực tiếp “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với cộng đồng địa phương, đang là một xu hướng du lịch hấp dẫn, có trách nhiệm và mang lại lợi ích cho cả du khách và cộng đồng dân cư. Buôn Bonuer C (Tổ dân phố B’Nơ C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) là nơi sinh sống lâu đời của khoảng 100 hộ người K'Ho bản địa (Lạch), đang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa và là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm, với thu nhập chủ yếu bằng nghề trồng cà phê, rau - hoa thương phẩm là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...