Xã vùng sâu ''vươn mình'' chuyển đổi cơ cấu cây trồng
27/04/2023 07:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó góp phần từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số.
Như những gia đình khác tại khu vực ổn định dân di cư tự do Đạ M’pô (Thôn 5, xã Liêng S’rônh), gần hai năm trở lại đây, anh Sùng Vang Tính đã có cuộc sống ổn định từ khi chuyển đổi sang nuôi tằm. “Trước đây, gia đình phần lớn là trồng lúa và cà phê. Sau khi nhận thấy thu nhập từ hai loại cây đó không còn ổn định, giá cả bấp bênh nên giữa năm 2021, gia đình tôi quyết định vay vốn để trồng dâu nuôi tằm. Ban đầu mới tập làm quen, chúng tôi trồng 1,5 sào dâu và cứ nuôi mỗi lứa từ nửa hộp đến 1 hộp tằm với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/lứa, tùy vào giá bán của từng đợt. Nhận thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm có hiệu quả, năm nay, vợ chồng tôi cũng đã mở rộng thêm diện tích trồng dâu lên 6 sào để nuôi tằm”, anh Tính nói.
Bà K’Lem - Trưởng Thôn 5, chia sẻ, những năm gần đây, đời sống của bà con trong vùng có nhiều đổi thay, kinh tế tại đây đã dần khởi sắc. Với gần 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Mông và K’Ho, bà con đã học hỏi kinh nghiệm để xây dựng và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương. Chính nhờ nuôi tằm đã giúp các hộ dân thời điểm nào cũng có thu nhập. Từ đó có điều kiện để đầu tư những giống cây trồng, vật nuôi dài ngày khác hiệu quả hơn.
Hay tại Thôn 3, những ngày cuối tháng 4, vườn sầu riêng của nông dân Nguyễn Văn Linh đang bước vào giai đoạn ra hoa, đậu quả. Anh phấn khởi chia sẻ, 3 ha đất trồng cà phê, tiêu, bơ trước đây, sau hơn 12 năm chuyển đổi dần, bây giờ đã được thay thế hoàn toàn bằng sầu riêng. So với trồng cà phê, trồng sầu riêng mang lại nguồn lợi cao hơn gấp nhiều và ổn định. “Hiện, vườn có khoảng 200 cây sầu riêng, chủ yếu là Ri6 cho thu nhập ổn định hằng năm. Năm 2022, vợ chồng tôi thu về hơn 22 tấn sầu riêng với mức thu nhập là 800 triệu đồng đã trừ chi phí”, anh Linh nói.
Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, xã Liêng S’rônh tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm thông qua các tổ hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Ông Bùi Tiến Viết - Bí thư Đảng ủy xã Liêng S’rônh nhấn mạnh, những năm qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh các nguồn vốn hỗ trợ và thực hiện tốt lồng ghép các chương trình, nguồn vốn đầu tư sản xuất, giúp nhau làm kinh tế và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, tập trung chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nhiều hộ dân ở xã đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Theo số liệu rà soát, đến cuối năm 2022, tổng thu nhập bình quân đầu người của toàn xã là 44 triệu đồng/năm, đạt 97,8%, tăng 0,95% so với năm 2021.
Hiện, toàn xã Liêng S’rônh có tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm là 2.701,81 ha; trong đó, diện tích gieo trồng cà phê là 2.227,50 ha (đạt 96,51% kế hoạch, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2021); cây dâu tằm 101 ha (đạt 111,83% kế hoạch, tăng 19,94% so với cùng kỳ năm 2021) và cây ăn quả 409,05 ha (đạt 116,52% kế hoạch năm 2022); trong đó trồng mới cây ăn quả là 75 ha, đạt 283% so với kế hoạch huyện giao.
Bí thư Đảng ủy xã Liêng S’rônh khẳng định: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án, kế hoạch tái cơ cấu và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích...
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...