Ổn định đầu ra sản phẩm nhờ công nghệ số

01/02/2023 08:19 AM


Xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản là mục tiêu mà tỉnh Lâm Đồng đang hướng đến. Vì vậy, huyện Lạc Dương, nơi có phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số K’Ho cũng đang từng bước tiếp cận, không chỉ thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất mà còn áp dụng trong xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương mình. 

Các sản phẩm OCOP của huyện Lạc Dương được trưng bày tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện. Ảnh: Việt Hùng
Các sản phẩm OCOP của huyện Lạc Dương được trưng bày tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện. Ảnh: Việt Hùng

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nhưng thời gian qua, việc sản xuất và cung ứng sản phẩm cà phê Arabica - Catimor vàng theo quy trình khép kín mang thương hiệu Lang Biang của hộ kinh doanh cá thể Yũ M’nang ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương vẫn duy trì tốt. Theo chị K’Chăm, chủ cơ sở sản xuất cà phê cho biết, có được kết quả này là nhờ gia đình áp dụng công nghệ số vào toàn bộ các khâu từ quản lý nguyên liệu đầu vào, cho đến khâu chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường. Cụ thể, thay vì sản phẩm của mình được tiêu thụ qua các thương lái, nhờ áp dụng công nghệ số trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm qua các mạng xã hội zalo, facebook..., sản phẩm cà phê đã trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Cũng nhờ đó, thương hiệu sản phẩm cà phê Arabica - Catimor vàng của gia đình cũng ngày càng được nhiều người biết đến hơn. 

Đơn đặt hàng ngày càng tăng nên đầu ra sản phẩm đã không còn là nỗi lo, nguồn thu nhập cũng theo đó được ổn định hơn rất nhiều so với trước. Chị K’Chăm nói: “Khi thay đổi từ bán cà phê tươi cho các thương lái sang mô hình làm cà phê khép kín thì nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều. Ngoài ra, không chỉ giải quyết lao động nhàn rỗi trong gia đình mà còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Sản phẩm cà phê sau khi làm ra đều tiêu thụ hết. Do chủ yếu mình sản xuất và cung cấp theo đơn đặt hàng nên hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Việc thu nhập cũng đảm bảo hơn so với các dòng sản phẩm nông sản khác”.

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất khép kín, cộng với chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm cà phê Arabica - Catimor vàng mang thương hiệu Lang Biang của chị K’Chăm đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với tiêu chuẩn 4 sao. Hiện, chị K’Chăm đã xây dựng được một mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững với hơn chục hộ dân khác trên địa bàn. Tuy sản lượng cà phê thành phẩm còn hạn chế, chỉ mới sản xuất đạt trên 7 tấn/năm, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng và là sự tự hào lớn của cộng đồng dân tộc thiểu số K’Ho ở nơi đây. “Mình dự tính sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô sản xuất. Vì vậy cứ lợi nhuận được của năm này thì dành cho đầu tư của năm sau. Nhờ vậy sẽ tiếp tục liên kết sản xuất với nhiều hộ dân hơn, nguồn thu nhập của mình và người dân đều nâng cao hơn. Cùng với đó, một khi việc sản xuất được phát triển, sản phẩm cà phê tăng thêm thì cà phê mang thương hiệu Arabica của Đạ Sar sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn”, chị K’Chăm nói thêm.

Theo ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối cho đến tiêu thụ sản phẩm đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện, nhưng với người đồng bào dân tộc thiểu số như chị K’Chăm là một bước tiến quan trọng. Để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất như thế này, ngoài đẩy mạnh việc tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, huyện Lạc Dương đã và đang nỗ lực xây dựng câu lạc bộ OCOP và hình thành Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP mang thương hiệu Lang Biang cho khách du lịch. Đây cũng là nơi để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn có điều kiện giao lưu, học tập, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ, sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Ông Cil Poh, cho rằng: “Sau nhiều cố gắng, nỗ lực thì đến nay, huyện Lạc Dương đã xây dựng được Trung tâm Trưng bày các sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn đến với du khách. Qua đó, kỳ vọng sản phẩm của huyện Lạc Dương sẽ hòa nhập cùng các sản phẩm khác của toàn quốc. Từ đó, giúp đầu ra sản phẩm ổn định ở trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện nhà phát triển”.

Hiện, ngoài 28 sản phẩm nông sản OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao, huyện Lạc Dương đang tiếp tục đề nghị tỉnh công nhận thêm 19 sản phẩm OCOP khác. Đây là những sản phẩm nông sản được sản xuất theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh có áp dụng công nghệ số vào quy trình khép kín. Nhờ đó, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng Lạc Dương vẫn đưa được giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 330 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 60 triệu đồng/ha so với thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát. 

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tin rằng, trong tương lai không xa, việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Lạc Dương phát triển mạnh mẽ hơn. 

Báo Lâm Đồng