Lâm Hà chú trọng truyền thông thay đổi hành vi về dân số

26/12/2022 09:49 AM


Trong năm 2022, công tác dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình tại huyện Lâm Hà có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật là hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tập trung vào từng nhóm đối tượng cụ thể. 
 
BS Nguyễn Văn Ninh - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà (Lâm Hà) đang siêu âm theo dõi sức khỏe của thai nhi
BS Nguyễn Văn Ninh - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà (Lâm Hà) đang siêu âm theo dõi sức khỏe của thai nhi
 
Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông dưới hình thức tuyên truyền, vận động, tư vấn cá nhân tại hộ gia đình được 4.452 buổi với khoảng 9.713 lượt người tham dự. Tổ chức thảo luận, họp nhóm, họp tổ, nói chuyện chuyên đề được 663 buổi với khoảng 15.518 lượt người nghe trên toàn địa bàn huyện. Hoạt động truyền thông gián tiếp như phát trên hệ thống loa cộng đồng ở các xã, thôn, xóm được 355 lần với thời lượng 2.653 phút. Cấp phát 105 sổ tay tuyên truyền; treo 212 cái băng rôn, khẩu hiệu; 10.772 tờ rơi chuyển tải các nội dung về làm thế nào để giảm nguy cơ sinh con bị bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh; mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã đến lúc chúng ta cần hành động; hiểu biết đầy đủ để có hành động đúng trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên,thanh niên.
 
Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn qua các câu lạc bộ như: Thông qua 2 câu lạc bộ (CLB) thuộc mô hình tiền hôn nhân đã tư vấn được 29 buổi với 271 người tham gia; 2 CLB thuộc mô hình giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã tư vấn được 44 buổi với 647 người tham gia; CLB không sinh con thứ 3 trở lên đã tư vấn được 96 buổi với 758 người. Bên cạnh đó, có 11 CLB thuộc mô hình đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước thôn, buôn, tổ dân phố đã tổ chức 20 buổi tư vấn cho 133 lượt người; CLB truyền thông sức khỏe vị thành niên, thanh niên và tiền hôn nhân mở 11 buổi tư vấn cho 241 lượt người.
 
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Văn Phương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà cho biết, mục tiêu năm 2023 tiếp tục duy trì, ổn định mức giảm sinh hợp lý, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đối với một số xã có mức sinh cao và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Từng bước nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện.
 
Phấn đấu giảm mức sinh bình quân hàng năm 0,3%o; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn dưới 13,5%; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,1%. Các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ đảm bảo điều kiện triển khai mạnh và đồng bộ các hoạt động về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đạt và cố gắng vượt chỉ tiêu về giảm sinh và các chỉ tiêu về KHHGĐ.
 
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự cam kết của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng, sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả chương trình DS-KHHGĐ. Thường xuyên nắm bắt thực tế và báo cáo tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ cũng như những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong công tác này cho lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Đảng và chính quyền ra các văn bản chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với huyện và xã, thị trấn.
 
Duy trì và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông đại chúng theo định hướng ưu tiên cho cơ sở, vùng xa, vùng khó khăn, địa bàn đặc thù và tập trung vào các nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên và thanh niên; đội ngũ những người cung cấp dịch vụ. Thường xuyên giám sát việc tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông. Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, truyền thông giáo dục cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên cấp xã. Tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông dân số cấp huyện.
 
Thực hiện tốt Chương trình DS-KHHGĐ, đảm bảo cung ứng đầy đủ các phương tiện và dịch vụ KHHGĐ lâm sàng, tổ chức cung cấp đầy đủ các phương tiện KHHGĐ cho Nhân dân. Vừa làm tốt công tác dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ thường xuyên, đồng thời triển khai thực hiện có kết quả chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyến xã, cộng tác viên dân số thôn, tổ dân phố. Thực hiện nâng cao chất lượng dân số thông qua xây dựng và mở rộng hệ thống sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều hoạt động truyền thông mang tính quy mô, có trọng điểm như: Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn năm 2023; các ngày kỷ niệm của ngành như: Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12) nhằm nâng cao hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cán bộ, Nhân dân và cộng đồng đối với việc thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ. Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong thực hiện các mục tiêu, chương trình hoạt động về DS-KHHGĐ. Tập trung truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua đội ngũ tuyên truyền viên các cấp, nhất là cấp cơ sở. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục trong Nhân dân về nội dung Pháp lệnh Dân số và Nghị định 104/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều quy định của Pháp lệnh. Kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng. 
 
Củng cố và nhân rộng các mô hình truyền thông giáo dục có hiệu quả, tăng cường các hoạt động tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng về vấn đề DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản đáp ứng theo nhu cầu và điều kiện của đối tượng. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức duy trì sinh họat CLB không sinh con thứ 3 trở lên, lồng ghép nội dung sinh hoạt dân số, sức khỏe sinh sản, chăm sóc nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc trong các buổi họp tổ, họp nhóm các phụ nữ, nông dân, thanh niên, cựu chiến binh ở cấp cơ sở. Duy trì thu thập, cập nhật đầy đủ thông tin biến động về DS-KHHGĐ, nâng cao độ chính xác đáp ứng được khai thác dữ liệu trong kho dữ liệu điện tử các cấp trong việc đánh giá và xây dựng kế hoạch của ngành, của địa phương.
 
AN NHIÊN

Báo Lâm Đồng