Rau trồng một lần, thu cả chục năm

24/12/2022 09:35 AM


Phú Hội, mảnh đất xưa nay được biết tới với cây cà phê, khoai môn, nay lại trở thành vùng trọng điểm cho một loài rau thương phẩm: xà lách xoong, bà con gọi là cải xoong. Hàng trăm ha xà lách xoong của đất Phú Hội đang cung ứng ra thị trường, mang lại ấm no cho người nông dân.
 
Thu hoạch xà lách xoong trên ruộng nước tại cánh đồng chuyên canh ở Phú Hội
Thu hoạch xà lách xoong trên ruộng nước tại cánh đồng chuyên canh ở Phú Hội
 
Bà Dương Thị Hằng, thôn Phú Lộc, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng nhìn suốt cánh đồng mênh mông, xanh rợp màu xà lách xoong chia sẻ, nơi đây chính là vùng chuyên canh xà lách xoong nổi tiếng nhất của bà con trong xã. Cánh đồng mênh mông kéo dài tới tận chân những dãy đồi thấp, được bà con gọi với cái tên cánh đồng Phú Hội vùng 5 thôn cũ, từ đất trồng lúa nước nay đã trở thành vùng xà lách xoong. Bà Hằng kể lại, trước năm 2000, đây là vùng trồng lúa của bà con, những chân ruộng trũng được canh tác lúa 2 vụ. Nhưng cây lúa chỉ giúp bà con đủ ăn, không giúp người Phú Hội khá giả. Vậy là không biết bắt đầu từ ai, một vài mảnh ruộng nước được chuyển sang trồng xà lách xoong. Và rồi, hợp đất hợp người, cây xà lách xoong ngày càng lan rộng khắp cánh đồng, mang lại no ấm cho người nông dân.
 
Như bà Hằng, chỉ với 3 sào xà lách xoong xuống giống từ năm 2000 đến nay, bà có thu nhập đều đặn 15 - 20 triệu đồng/tháng tùy giá rau lên - xuống. Bà Hằng bảo, cái giống rau dễ chịu, dễ chăm, trồng một lần ăn hàng chục năm không cần trồng lại đã giúp nông dân như bà thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học, xây nhà xây cửa. Ở cánh đồng này, bà con gắn bó với xà lách xoong, gắn với loài cây ưa nước, dễ chịu này.
 
Ông Trần Ngọc Lương, nông dân thôn Phú Lộc cũng trồng xà lách xoong từ những năm 2000. Ông Lương, với kinh nghiệm trên 20 năm gắn bó với cây xà lách xoong chia sẻ, đây là cây rau có phương pháp trồng và chăm sóc rất đặc biệt. Theo ông Lương, ruộng trồng xà lách xoong phải là ruộng nước, có hệ thống tưới tiêu hiệu quả. Ruộng được làm đất thật kỹ, bỏ phân hữu cơ cày nhuyễn, san thật phẳng. Sau đó, cắt thân xà lách bánh tẻ rắc đều lên mặt ruộng, tưới nước 3 lần/ngày. Chỉ sau 1 tuần, thân xà lách xoong mọc rễ và sau 2 tháng cây cao tầm 40 cm, có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Sau khi thu hoạch, chỉ cần bỏ một đợt phân hữu cơ cùng phân NPK là cây nhanh chóng mọc lại, sau 50 ngày là bắt đầu có thu hoạch đợt 2. Tính cụ thể, một năm, ruộng xà lách được chăm sóc có thể cho thu hoạch 6 - 7 đợt. Năng suất trung bình, đạt khoảng 2,5 tấn/sào/lần cắt, tính ra khoảng 120 tấn rau/ha/năm.
 
Nông dân thu hoạch rau xà lách xoong khá vất vả. Cắt rau và bó rau thành từng bó nhỏ, theo nhu cầu của khách hàng ngay trên ruộng nước, bùn ngập lưng ống chân. Sau đó gánh từng gánh xà lách xoong nặng trĩu, vượt qua chân ruộng lầy, qua bờ ruộng để tập kết nơi xe vận chuyển. Ông Lương kể, ngày xưa còn vất vả hơn vì xà lách, dù sống trong ruộng lầy nhưng vẫn cần nước, hàng ngày nông dân phải tháo bờ để nước chảy vào. Còn bây giờ, điện lưới đến tận nơi, ruộng nào cũng có hệ thống tưới tự động, chỉ cần nhấn nút là nước tưới phun đều ruộng. Giá bán xà lách xoong cũng khá ổn định bởi sau khi vùng xà lách xoong Đà Lạt bị thu hẹp, nhu cầu đổ dồn xuống Phú Hội. Như thời điểm cuối năm 2022, giá tại ruộng là 3.500 đồng/bó 6 lạng. Một sào xà lách xoong cho thu 4 ngàn bó/lần cắt, khoảng 13 - 14 triệu đồng. Với rau thương phẩm, xà lách xoong là thứ rau tuy không cho thu nhập quá cao nhưng lại dễ trồng, dễ sống, gần như không có bệnh tật. Ông Lương chia sẻ: “Có nhà trồng xà lách xoong một lần, cắt bán mấy chục năm. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chỉ nên thu hoạch từ 7 - 10 năm, sau đó cày lên, trồng một vài vụ giống cây trồng khác rồi quay lại làm đất trồng xà lách xoong, cây cho năng suất cao hơn, rau đẹp hơn nhiều”.
 
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội chia sẻ, vùng cánh đồng 5 xã cũ rộng xấp xỉ 100 ha. Trước đây là cánh đồng khô, chuyên trồng lúa một vụ nhờ vào nước trời. Năm 1986, Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, cánh đồng được tưới nước do trạm bơm Liên Hoa, bơm nước từ sông Đa Nhim vào nên có thể trồng được rau thương phẩm. Và từ năm 2000, cây xà lách xoong phát triển trên vùng cánh đồng, tạo vùng chuyên canh, cung cấp hàng ngàn tấn rau ra thị trường mỗi năm. Phú Hội cũng đang hỗ trợ bà con xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng tâm hiệp lực phát triển cây xà lách xoong.
 
DIỆP QUỲNH
Phú Hội, mảnh đất xưa nay được biết tới với cây cà phê, khoai môn, nay lại trở thành vùng trọng điểm cho một loài rau thương phẩm: xà lách xoong, bà con gọi là cải xoong. Hàng trăm ha xà lách xoong của đất Phú Hội đang cung ứng ra thị trường, mang lại ấm no cho người nông dân.
 
Thu hoạch xà lách xoong trên ruộng nước tại cánh đồng chuyên canh ở Phú Hội
Thu hoạch xà lách xoong trên ruộng nước tại cánh đồng chuyên canh ở Phú Hội
 
Bà Dương Thị Hằng, thôn Phú Lộc, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng nhìn suốt cánh đồng mênh mông, xanh rợp màu xà lách xoong chia sẻ, nơi đây chính là vùng chuyên canh xà lách xoong nổi tiếng nhất của bà con trong xã. Cánh đồng mênh mông kéo dài tới tận chân những dãy đồi thấp, được bà con gọi với cái tên cánh đồng Phú Hội vùng 5 thôn cũ, từ đất trồng lúa nước nay đã trở thành vùng xà lách xoong. Bà Hằng kể lại, trước năm 2000, đây là vùng trồng lúa của bà con, những chân ruộng trũng được canh tác lúa 2 vụ. Nhưng cây lúa chỉ giúp bà con đủ ăn, không giúp người Phú Hội khá giả. Vậy là không biết bắt đầu từ ai, một vài mảnh ruộng nước được chuyển sang trồng xà lách xoong. Và rồi, hợp đất hợp người, cây xà lách xoong ngày càng lan rộng khắp cánh đồng, mang lại no ấm cho người nông dân.
 
Như bà Hằng, chỉ với 3 sào xà lách xoong xuống giống từ năm 2000 đến nay, bà có thu nhập đều đặn 15 - 20 triệu đồng/tháng tùy giá rau lên - xuống. Bà Hằng bảo, cái giống rau dễ chịu, dễ chăm, trồng một lần ăn hàng chục năm không cần trồng lại đã giúp nông dân như bà thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học, xây nhà xây cửa. Ở cánh đồng này, bà con gắn bó với xà lách xoong, gắn với loài cây ưa nước, dễ chịu này.
 
Ông Trần Ngọc Lương, nông dân thôn Phú Lộc cũng trồng xà lách xoong từ những năm 2000. Ông Lương, với kinh nghiệm trên 20 năm gắn bó với cây xà lách xoong chia sẻ, đây là cây rau có phương pháp trồng và chăm sóc rất đặc biệt. Theo ông Lương, ruộng trồng xà lách xoong phải là ruộng nước, có hệ thống tưới tiêu hiệu quả. Ruộng được làm đất thật kỹ, bỏ phân hữu cơ cày nhuyễn, san thật phẳng. Sau đó, cắt thân xà lách bánh tẻ rắc đều lên mặt ruộng, tưới nước 3 lần/ngày. Chỉ sau 1 tuần, thân xà lách xoong mọc rễ và sau 2 tháng cây cao tầm 40 cm, có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Sau khi thu hoạch, chỉ cần bỏ một đợt phân hữu cơ cùng phân NPK là cây nhanh chóng mọc lại, sau 50 ngày là bắt đầu có thu hoạch đợt 2. Tính cụ thể, một năm, ruộng xà lách được chăm sóc có thể cho thu hoạch 6 - 7 đợt. Năng suất trung bình, đạt khoảng 2,5 tấn/sào/lần cắt, tính ra khoảng 120 tấn rau/ha/năm.
 
Nông dân thu hoạch rau xà lách xoong khá vất vả. Cắt rau và bó rau thành từng bó nhỏ, theo nhu cầu của khách hàng ngay trên ruộng nước, bùn ngập lưng ống chân. Sau đó gánh từng gánh xà lách xoong nặng trĩu, vượt qua chân ruộng lầy, qua bờ ruộng để tập kết nơi xe vận chuyển. Ông Lương kể, ngày xưa còn vất vả hơn vì xà lách, dù sống trong ruộng lầy nhưng vẫn cần nước, hàng ngày nông dân phải tháo bờ để nước chảy vào. Còn bây giờ, điện lưới đến tận nơi, ruộng nào cũng có hệ thống tưới tự động, chỉ cần nhấn nút là nước tưới phun đều ruộng. Giá bán xà lách xoong cũng khá ổn định bởi sau khi vùng xà lách xoong Đà Lạt bị thu hẹp, nhu cầu đổ dồn xuống Phú Hội. Như thời điểm cuối năm 2022, giá tại ruộng là 3.500 đồng/bó 6 lạng. Một sào xà lách xoong cho thu 4 ngàn bó/lần cắt, khoảng 13 - 14 triệu đồng. Với rau thương phẩm, xà lách xoong là thứ rau tuy không cho thu nhập quá cao nhưng lại dễ trồng, dễ sống, gần như không có bệnh tật. Ông Lương chia sẻ: “Có nhà trồng xà lách xoong một lần, cắt bán mấy chục năm. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chỉ nên thu hoạch từ 7 - 10 năm, sau đó cày lên, trồng một vài vụ giống cây trồng khác rồi quay lại làm đất trồng xà lách xoong, cây cho năng suất cao hơn, rau đẹp hơn nhiều”.
 
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội chia sẻ, vùng cánh đồng 5 xã cũ rộng xấp xỉ 100 ha. Trước đây là cánh đồng khô, chuyên trồng lúa một vụ nhờ vào nước trời. Năm 1986, Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, cánh đồng được tưới nước do trạm bơm Liên Hoa, bơm nước từ sông Đa Nhim vào nên có thể trồng được rau thương phẩm. Và từ năm 2000, cây xà lách xoong phát triển trên vùng cánh đồng, tạo vùng chuyên canh, cung cấp hàng ngàn tấn rau ra thị trường mỗi năm. Phú Hội cũng đang hỗ trợ bà con xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng tâm hiệp lực phát triển cây xà lách xoong.
 
DIỆP QUỲNH

Báo Lâm Đồng