Tăng trưởng cây trồng, vật nuôi - những ghi nhận

21/12/2022 09:00 AM


Với nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, năm 2022, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng được ghi nhận nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, làm cơ sở phấn đấu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá trong năm mới 2023.  
 
Ngày càng tăng diện tích canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ ở Lâm Hà
Ngày càng tăng diện tích canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ ở Lâm Hà
 
Nhận định trong năm 2022 chịu nhiều ảnh hưởng chung của diễn biến thị trường sau dịch bệnh COVID-19 và biến động chính trị trên thế giới, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã kịp thời triển khai các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ lưu thông tiêu thụ nông sản, kết quả đều đạt các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra và duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng gần 39.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm 2022 và tăng 0,9% so năm 2021. Trong đó, tỷ lệ cây hàng năm hơn 99,6%; cây dài ngày gần 100,4%, tăng lần lượt hơn 2% và gần 0,4%. Toàn tỉnh thực hiện 5.509 ha tái canh cải tạo cà phê; chuyển đổi cây trồng trên đất trồng điều 1.012 ha, trên đất lúa 1.812 ha, cây trồng khác 3.884 ha. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí mới đạt 65.308 ha, tăng 2.200 ha so với năm 2021 (tương ứng tăng 3,4%), chiếm 21% diện tích canh tác. Luỹ kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7 vùng được công nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.195 ha và 15.000 con bò sữa.
 
“Về chăn nuôi - thủy sản, tuy giá các sản phẩm thịt, trứng giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng ngành Chăn nuôi vẫn tăng mạnh đàn heo trở lại; ngành Sản xuất dâu tằm cơ bản duy trì ổn định. Ước năm 2022, tổng đàn gia súc đạt 581.544 con, tăng 8,2% so cùng kỳ (đàn trâu tăng 3,8%; đàn bò tăng 0,5%; đàn heo tăng 10,2%; đàn dê tăng 6,9%). Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.366 ha (diện tích nuôi cá nước lạnh ổn định 53 ha), tăng 1% so với cùng kỳ. Sản phẩm nuôi trồng thủy sản 9.490 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng cá nước lạnh khoảng 1.350 tấn...”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm. 
 
Gắn sản xuất với sơ chế, chế biến nông sản, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch khoảng 8-10%; tỷ lệ rau, củ, quả qua sơ chế, chế biến đạt trên 70%, trong đó, chế biến đạt khoảng 22%. Qua thống kê toàn tỉnh có 123 doanh nghiệp chế biến rau, củ, quả (7 doanh nghiệp nước ngoài và 116 doanh nghiệp trong nước), mỗi năm đạt công suất khoảng  44.222 tấn thành phẩm, tương đương hơn 550.500 tấn nguyên liệu; 933 cơ sở sơ chế rau, quả đạt trên 1,5 triệu tấn. Thị trường chính của cây rau, hoa ở trong nước với tỷ lệ khoảng 90%, trong đó tập trung các tỉnh Đông Nam Bộ 60-63%; miền Tây 12-15%; miền Trung 12-15% và Hà Nội 7-10%. Thị trường xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng. 
 
Với cây cà phê toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp và trên 250 cơ sở sơ chế,  chế biến với tổng công suất khoảng 300.000 - 320.000 tấn cà phê nhân (chiếm khoảng 80-90% tổng sản lượng cà phê), trong đó có 13 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Chế biến cà phê rang xay, cà phê bột với 172 doanh nghiệp đạt tổng sản lượng khoảng 10.280 tấn/năm. Cây chè có 161 công ty chế biến với quy mô 39.410 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm, tập trung tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà và Di Linh. Cây ăn quả có 90 cơ sở chế biến công suất mỗi năm trên 11.500 tấn thành phẩm, trong đó có 44 doanh nghiệp và 46 cơ sở nhỏ lẻ; các sản phẩm chủ yếu là nước cốt chanh dây, các loại nước cốt trái cây, trái cây sấy, mứt, rượu...
 
Đến cuối năm 2022, tổng diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP 5.886 ha. Bao gồm: rau 3.060 ha, cây ăn quả hơn 1.241 ha, chè gần 637,5 ha, lúa hơn 605 ha, dược liệu 46,4 ha, cà phê 292,5 ha, tiêu 3 ha. Diện tích cà phê sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest 84.019 ha, sản lượng đạt 261.620 tấn/năm. Riêng chăn nuôi áp dụng VietGAHP với 4 cơ sở nuôi cá tầm (140.000 con); 3 trang trại chăn nuôi heo (193.000 con); 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm (33.300 con); 26 cơ sở chăn nuôi ong (5.860 đàn); 4 vùng chăn nuôi với 50 tổ hợp tác, 718 hộ, quy mô 67.882 con heo, sản lượng khoảng 14.339 tấn; Chứng nhận Organic khoảng 1.045 con bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng. Đáng kể, toàn tỉnh có 210 chuỗi liên kết 6.754 hộ trồng trọt và 2.566 hộ chăn nuôi, quy mô trồng trọt gần 31.212, 5 ha (sản lượng 460.000 tấn), chăn nuôi gần 1.038.000 con (sản lượng gần 143.254 tấn), tổng giá trị sản xuất thông qua chuỗi đạt hơn 18.582 tỷ đồng…
 
“Kết quả sản xuất của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong năm 2022 cơ bản đạt kế hoạch đề ra; sản lượng các sản phẩm chủ lực tăng cao so với cùng kỳ, giá hầu hết các loại nông sản đều tăng, kích cầu người dân đầu tư phát triển sản xuất. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt; các hoạt động quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm soát an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Các chương trình, định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030 đều đã được xây dựng, làm cơ sở cho chỉ đạo phát triển ngành…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đánh giá. 
 
VĂN VIỆT

Báo Lâm Đồng