Thực hiện chính sách giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi ở Lâm Đồng

06/12/2022 09:05 AM


Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện một số chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đạt nhiều hiệu quả, nhưng vẫn còn những thách thức cần nỗ lực vượt qua. 
 
Học sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh
Học sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh
 
• HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH
 
Trước hết là Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” tại các trường tiểu học vùng DTTS&MN. Thực hiện đề án này, đồng thời triển khai nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) với 2 Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; ngành GDĐT với ngành Công an; các nhà trường với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đồng thời phối hợp với gia đình học sinh. Năm 2019, Sở GDĐT tổ chức 4 lớp tập huấn cho giáo viên cốt cán với sự tham gia của 231 giáo viên mầm non, 245 giáo viên tiểu học, 140 giáo viên trung học cơ sở, 59 giáo viên trung học phổ thông, 12 giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). 
 
Thực hiện Thông tư 06/2019 của Bộ GDĐT, 99% các cơ sở giáo dục đã xây dựng Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; 100% trường học đã thường xuyên cung cấp các thông tin về hoạt động của đơn vị đến gia đình người học để cùng phối hợp giáo dục người học. 100% các nhà trường đã xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của trường, các hình thức phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin từ người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình người học, các cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường mạng. 100% các gia đình có trách nhiệm chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. 100% chính quyền địa phương đã xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là nội dung quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương... 100% giáo viên ứng xử với học sinh bằng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên khích lệ các em, tích cực phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện... 
 
Đối với việc triển khai thực hiện các giải pháp tiếp cận công bằng giáo dục cho trẻ em gái người DTTS ở các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh, ngành GDĐT tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Từ năm học 2016 - 2017 đến 2020 - 2021, 100% học sinh tiểu học và học sinh mầm non được tăng cường tiếng Việt. Đối với trẻ 5 tuổi, tăng cường tiếng Việt trong hè trước khi vào học lớp 1. 
 

Năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh có 682 đơn vị trường học mầm non và phổ thông với 26,7% trường DTTS. Trong đó, cấp tiểu học có 135.821 học sinh, tỉ lệ học sinh DTTS chiếm 29,6%, học sinh nữ DTTS chiếm tỉ lệ 27,07%; cấp mầm non có 67.930 trẻ em đến trường, tỉ lệ trẻ em DTTS 24,37%, trẻ em nữ DTTS chiếm 24,9%.

 
• TIẾP TỤC NÂNG HIỆU QUẢ VÀ CHẤT LƯỢNG 
 
Thực tiễn vẫn bộc lộ những hạn chế cần tiếp tục khắc phục như một số phụ huynh khi giao tiếp, ứng xử với giáo viên chưa đúng mực và cách ăn mặc của một số phụ huynh đến trường chưa phù hợp với môi trường sư phạm. Một số vùng, phụ huynh chưa thông thạo tiếng Việt nên giao tiếp với giáo viên ảnh hưởng chất lượng phối hợp. Một số phụ huynh thường đưa con đi làm rẫy và ở lại; nhiều học sinh còn khó khăn trong giao tiếp với các bạn và giáo viên; nhiều điểm trường chưa đảm bảo cơ sở vật chất.
 
Năm học 2022 - 2023 học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 99 - 100%, vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên chưa đồng đều ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như huyện Đam Rông do còn học sinh vùng DTTS các tỉnh phía Bắc chuyển vào theo gia đình. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học vẫn khó khăn vì nhiều gia đình kinh tế khó khăn, nhiều khu vực chưa có mạng viễn thông. Vì vậy cần có chính sách đầu tư thêm về trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi, cần điều chỉnh học bổng cho học sinh phù hợp hơn (có thêm học bổng tháng 6 hàng năm cho học sinh lớp 12, điều chỉnh mức hưởng học bổng cho học sinh THPT), đồng thời điều chỉnh, cải cách chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường PTDTNT, bán trú. 
 
Việc tập trung thực hiện Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021- 2025 sẽ là đòn bẩy để tiếp tục đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vấn đề là tính đồng bộ, linh hoạt lồng ghép và chung tay nhiệt tình của cả xã hội trong triển khai.
 
MINH ĐẠO

Báo Lâm Đồng