Giáo dục Cát Tiên trưởng thành trong gian khó

24/11/2022 08:03 AM


Có lẽ, điều khiến những người đang công tác trong ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Cát Tiên tự hào, không chỉ nằm ở những con số thống kê về tỉ lệ trường chuẩn quốc gia, kết quả giáo dục các cấp, giáo dục mũi nhọn mà còn chính sự thay đổi từ trong suy nghĩ của người dân các dân tộc, cùng với sự chung tay của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. 
 
Chất lượng giáo dục mũi nhọn ở Cát Tiên ngày càng được nâng lên
Chất lượng giáo dục mũi nhọn ở Cát Tiên ngày càng được nâng lên
 
• ĐI QUA GIAN KHÓ
 
Tròn 35 năm về trước, Cát Tiên đã trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, gồm 10 xã và 1 thị trấn. Đây là niềm vui lớn của Nhân dân các dân tộc trong huyện và tạo đà cho sự chuyển mình của một vùng đất xa xôi. Song cùng với đó là nỗi lo mới với muôn vàn thách thức đặt ra, khó khăn thiếu thốn trăm bề: Cơ sở hạ tầng tạm bợ, giao thông chỉ là những tuyến đường mòn hun hút; nhà cửa, trường học, trạm xá chủ yếu là tranh tre, nứa lá. 
 
Những người đầu tiên làm công tác giáo dục khi ấy còn nhớ rất rõ: 3 điểm trường đầu tiên được mở trên một vùng đất rộng lớn để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm con chữ, nâng cao dân trí của Nhân dân. Phòng học của mỗi điểm trường là những mái tranh vách đất, chiếc bảng là tấm ván bôi đen và bàn ghế là thanh tre ghép lại. Trang thiết bị dạy học thiếu thốn, chủ yếu là những đồ dùng do thầy cô và học sinh tự tay làm để phục vụ cho việc dạy và học. Giáo viên khi đó cũng chỉ có vỏn vẹn 12 người, phụ trách 15 lớp học nhưng trong số đó, chỉ có 6 người được đào tạo sư phạm chính quy. 
 
“Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn đủ đường thì động lực để thầy cô gắn bó chính là tình yêu nghề, tình thương với học trò vượt suối sâu, dốc cao tìm con chữ. Cùng với đó là sự quan tâm các cấp, các ngành nên qua thời gian, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, hệ thống điện, đường, trường, trạm được thay đổi đến từng thôn, bản. Nhiều trường học sau này xây mới đồng bộ, kiên cố hóa, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ. Đó cũng chính là động lực để thầy, cô yêu nghề và tích cực đóng góp cho giáo dục địa phương”, cô Mai Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Phước Cát 2 (xã Phước Cát 2) chia sẻ. 
 
Theo bà Trần Thị Thanh Hương - Phó Trưởng Phòng GDĐT Cát Tiên, từ năm 2000 đến nay, cùng với sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng của vùng đất phía Nam tỉnh Lâm Đồng, ngành GDĐT huyện đã có nhiều khởi sắc. Những mái nhà tạm bợ được thay thế toàn bộ bằng hệ thống trường học khang trang, đồng bộ. Quãng đường bùn đất, đá sỏi ngày nào cũng đã được trải nhựa hoặc bê tông bằng phẳng đến từng thôn, từng điểm trường. Ánh điện sáng đã về đến Thôn 3, Thôn 4 của xã Phước Cát 2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đã đủ đầy và hiện đại, chất lượng giáo dục có sự thay đổi vượt bậc, những thành tích giáo dục mũi nhọn ngày một cao hơn.
 
• NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
 
Hiện nay, toàn huyện Cát Tiên có 33 đơn vị trường học, với tổng số hơn 9.000 học sinh, 365 lớp. Năm 2022, Cát Tiên tiếp tục duy trì được 30 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 90,90%), là đơn vị dẫn đầu của tỉnh; trong đó trường trực thuộc quản lý của phòng là 28 trường, đạt tỉ lệ 93,3%. Trong năm, có thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 lên 3 trường, vượt chỉ tiêu được giao.
 
Chất lượng, hiệu quả GDĐT trên địa bàn huyện tiếp tục được nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất. Công tác đào tạo mũi nhọn được quan tâm đầu tư, số lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh ngày càng cao, chất lượng giải được nâng lên và khá đồng đều ở các môn học. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 99,16%.
 
Theo bà Trần Thị Thanh Hương, có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngành và chính quyền địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng trường chuẩn quốc gia, mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo môi trường để các em được học hành tốt hơn. Vì khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại thì tạo niềm vui, động lực thu hút học sinh tới trường. 
 
Bên cạnh đó, ngành đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020 - 2021, cử giáo viên và cán bộ quản lý tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy và học, khuyến khích giáo viên tìm tòi, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến vào chương trình giáo dục; tăng cường các hoạt động khám phá, sáng tạo theo từng bậc học, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc… để đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong tình hình mới.
 
HỒNG THẮM

Báo Lâm Đồng